Giá cả hàng hóa - nơi tăng, nơi giữ ổn định

Thứ Sáu, 11/03/2022, 08:04

Sau 6 lần tăng liên tiếp, giá xăng đang tiến sát mốc 27.000 đồng/lít và ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay. Cùng với đó, giá gas cũng tăng mạnh kéo theo đó là hàng hoạt hàng hoá đã bắt đầu tăng giá.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV tại một số siêu thị lớn của Hà Nội giá cả vẫn ổn định, cùng với đó, siêu thị còn chạy các chương trình khuyến mại hỗ trợ người tiêu dùng, kích cầu mua sắm.

Theo ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội từ sau Tết đến nay, giá nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục ở mức cao và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Cụ thể như: Bắp cải từ 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/mớ. Các loại rau khác trước đây được bán bình quân với giá 8.000 đồng đến 10.000 đồng/bó, nay tăng thêm 2.000 đồng đến 3.000 đồng/bó.

Không chỉ mặt hàng rau, giá thịt lợn, cá, tôm cũng tăng nhẹ. Hiện, thịt nạc vai lên tới 150.000 đồng/kg; thịt sấn 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước. Gà ta nguyên lông cũng tăng giá 10.000 đồng/kg, với giá bán từ 130.000 đồng đến 150.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương cho biết, do chợ đầu mối bán giá cao nên buộc phải bán lẻ giá cao.

Trong khi đó, tại các siêu thị giá cả vẫn ổn định. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hoà (Hà Đông) giá thực phẩm trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đang rẻ hơn ngoài chợ truyền thống. Ở chợ cóc, các mặt hàng từ bún, miến, gạo, dầu ăn đến rau, củ đều tăng từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, nhiều mặt hàng này khi mua tại siêu thị, thấy giá rẻ hơn nhiều và còn có nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà khi khách hàng mua sắm.

Giá cả hàng hóa - nơi tăng, nơi giữ ổn định -0
Các doanh nghiệp bán lẻ đã dự trữ lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Để có được sự bình ổn giá cả, theo đại diện các hệ thống siêu thị lớn, các siêu thị đều đang nỗ lực đàm phán với các nhà cung cấp không tăng giá. Một số giám đốc siêu thị tại Hà Nội cho biết, do siêu thị thường ký hợp đồng cung ứng hàng hóa từ đầu năm nên giá xăng tăng tạm thời không ảnh hưởng đến hợp đồng cung cấp sản phẩm.

Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào bột mì và bơ nhập khẩu, dầu ăn tăng ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, nên một số nhà cung ứng hàng hóa đã đề nghị tăng giá. Nhiều siêu thị đang làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để trì hoãn việc tăng giá, hoặc có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất có thể cho khách hàng.

Đồng thời, siêu thị tận dụng nguồn hàng dự trữ để duy trì được mức giá cũ lâu nhất có thể cho người tiêu dùng. Thời gian tới, hàng hóa nếu có tăng giá sẽ chủ yếu rơi vào nhóm hàng tươi sống, nhưng mức giá cũng tăng không đáng kể. Chẳng hạn với mặt hàng thịt lợn, hiện giá lợn hơi đang duy trì mức từ 50.000 đồng đến 54.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 23.000 đồng đến 25.000 đồng/kg nên mặt hàng này khó có thể tăng giá đột biến.

Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, mặc dù xăng dầu tăng giá gây áp lực lên các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhưng giá hàng hóa không thể điều chỉnh tức thì như giá xăng dầu, mà phải có độ trễ nhất định sau khi siêu thị tiêu thụ lượng hàng cũ, nhập lô hàng mới.

Dự kiến khoảng cuối tháng 3/2021 các siêu thị sẽ đồng loạt nhận được yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp và buộc phải tăng giá nếu xăng dầu tiếp tục tăng giá hoặc đứng ở mức cao. Trong khi đó, nhiều chủ cửa hàng tạp hoá trên địa bàn Hà Nội cho biết, sau kỳ điều hành xăng dầu 21/2 một số nhà cung cấp đã rục rịch thông báo tăng giá từ 5% đến 7% đối với một số mặt hàng như dầu ăn, đường, mỳ chính...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng phần nào tới giá cả các mặt hàng, nhưng phân tích kỹ có thể thấy tác động không quá lớn như thực tế đang diễn ra. Tốc độ tăng của giá xăng không cao và nhanh như tốc độ tăng giá của nhiều loại hàng hóa.

Theo ông Phong, chính sự lan tỏa của yếu tố tâm lý trước thực tế giá xăng tăng cao khiến giá hàng hóa tăng theo. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc giá tăng do người bán “làm giá” cao kiểu “té nước theo mưa”. Việc giá hàng hóa tăng cao lần này không giống như những lần lạm phát trước đây, hàng hóa khan hiếm khiến giá cả leo thang. Hiện, hàng hóa rất dồi dào trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập hạn chế.

Trân Trân
.
.