Giải tỏa tâm lý lo ngại dịch bệnh cho người lao động

Thứ Ba, 19/10/2021, 09:21

Tại không ít doanh nghiệp, người lao động phải tạm thời dừng việc để đáp ứng các quy định phòng, chống dịch và nay đã quay trở lại với công việc.

Những người bị mất việc thời gian qua do ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 cũng mong muốn sớm được quay trở lại với công việc. Thế nhưng, bên cạnh mong muốn việc làm, đa số người lao động vẫn tâm lý e ngại, lo sợ dịch bệnh lây lan. Chính vì thế, giải bài toán "tâm lý" cho người lao động là việc làm cần thiết lúc này của không ít doanh nghiệp.

image001-1634610082355.jpg
Ổn định tâm lý cho người lao động khi mở cửa sản xuất trở lại là vấn đề quan trọng với doanh nghiệp.

Dù không phải tạm thời ngừng việc trong suốt mấy tháng thực hiện giãn cách xã hội, nhưng chị Nguyễn Thị Duyên, nhân viên Công ty cổ phần giải pháp điện tử thông minh TechVina (KCN Sài Đồng - Long Biên, Hà Nội) cho biết vừa đi làm vừa cảm thấy lo lắng. Thời điểm vừa qua, Hà Nội là địa bàn có tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, đồng thời đã phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.

Trong bối cảnh đó, để đảm bảo an toàn cho người lao động, công ty của chị Duyên đã phải thực hiện chia làm nhiều ca để giảm bớt số lượng công nhân trong ngày. Công nhân có thể lựa chọn các ca làm việc như: Làm 4 ngày nghỉ 2 ngày (thời gian làm việc sẽ kéo dài hơn), làm 6 ngày nghỉ 1 ngày (thời gian làm việc theo quy định).

"Không thể vì dịch bệnh mà nghỉ làm. Vẫn phải làm việc vì các nhu cầu cuộc sống vẫn diễn ra nhưng thực tế công nhân chúng tôi vừa đi làm vừa lo lắng. Công ty thực hiện rất nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch như đo thân nhiệt, đảm bảo khoảng các giữa công nhân. Trong ca làm việc, chúng tôi ai cũng cố gắng thực hiện giãn cách để bảo vệ bản thân và cũng là bảo vệ cho nhau. Thế nhưng, làm việc trong xưởng sản xuất đông người nên tâm lý lo sợ là không tránh khỏi. Kể cả hiện nay khi dịch bệnh đã tạm thời được khống chế", chị Duyên cho hay.

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành suốt một thời gian dài vừa qua, có việc làm, có thu nhập là hạnh phúc, đó là quan điểm của chị Trương Thị Minh Hiền, công nhân KCN Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Tuy vậy, chị Hiền vẫn cảm thấy ái ngại. Chị cho biết, công ty luôn thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch. Các bước kiểm tra đều được thực hiện rất kỹ trước khi công nhân vào phân xưởng.

"Công nhân được chia theo ca làm việc. Giữa mỗi người đều được trang bị vách ngăn. Bữa ăn cũng được chia thành nhiều ca để không tập trung quá đông người trong một thời điểm, tránh tiếp xúc gần nhau. Mọi người trong thời gian làm việc chấp hành tuyệt đối các quy định, vì an toàn sức khỏe của nhau, tuy vậy, tôi vẫn có chút lo lắng. Thời điểm dịch bùng phát mạnh, không ít người đã tính đến phương án tạm thời nghỉ việc. Hiện nay dịch đã đỡ hơn nhưng đa phần đi làm vẫn có cảm giác chưa yên tâm cho lắm", chị Hiền cho biết.

Người đi làm chưa có cảm giác yên tâm, nhưng với một số người phải tạm thời nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch, hiện nay dù dịch đã được kiểm soát nhưng vẫn có tâm lý chờ đợi để tìm việc mới. Chị Nghiêm Thị Dinh (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, do ảnh hưởng của dịch mà chị đã phải nghỉ việc từ tháng 7/2021, bắt đầu được hưởng trợ cấp thất nghiệp từ tháng 8.

"Khoản trợ cấp thất nghiệp hơn 3 triệu đồng/tháng không đủ để trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình. Thế nhưng, hiện nay dịch cũng mới chỉ tạm thời được khống chế, vẫn liên tục xuất hiện các trường hợp F0 trong cộng đồng, vì thế tôi vẫn rất lo. Công việc mới thì cũng đã liên hệ rồi, nhưng tôi vẫn chờ vài bữa nữa mới đi làm lại", chị Dinh chia sẻ.

Đề cập đến người lao động vẫn đang nặng tâm lý lo lắng về dịch bệnh hiện nay, ông Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho biết, trong quá trình tiếp xúc với những người lao động di cư từ một số trung tâm công nghiệp phía Nam về quê những ngày qua, các khảo sát của đơn vị này cho thấy đa số người lao động phải về quê vì họ thực sự nặng về tâm lý. Nếu không giải quyết được bài toán tâm lý đối với người lao động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

"Nhiều người không có việc làm không phải do doanh nghiệp không sản xuất mà họ quá lo lắng về bệnh dịch. Khi các địa phương nới lỏng phòng, chống dịch thì họ quyết định di chuyển về quê. Do đó, điều quan trọng hiện nay là cần phải giải quyết được vấn đề tâm lý lo lắng bệnh dịch ở người lao động", ông Linh cho biết.

Ở phía các doanh nghiệp, theo một khảo sát nhanh mới đây của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO) và nhóm Hợp tác công tư (PPP) thì trên 60% người lao động di cư về quê tham gia khảo sát cho biết sẽ chỉ về quê trong một thời gian ngắn. Còn lại đa phần lao động ngoại tỉnh và người lao động tại chỗ đều muốn quay trở lại công việc. Bà Nguyễn Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký VITAS cho biết, hiện ở một số doanh nghiệp dệt may số lượng công nhân ở lại làm việc vẫn rất ổn định, nhưng như vậy không có nghĩa mọi vấn đề đều như mong muốn.

"Một số doanh nghiệp trong ngành may hiện có số lao động ở lại làm việc rất ổn định, đến hơn 80% như Thành Công hay Việt Tiến. Tuy nhiên, thời gian giãn cách kéo dài, tâm lý và tài chính của đại bộ phận công nhân bị kiệt quệ, một bộ phận đang ở quê cũng lưỡng lự giữa việc ở lại quê hay quay trở lại làm việc", bà Mai cho hay.   

Bà Phan Thanh Xuân, Phó Chủ tịch LEFASO cho rằng, trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp chưa phải quá lo lắng về việc thiếu hụt lao động bởi các doanh nghiệp mới chỉ được mở cửa sản xuất dưới 50% công suất. Số lượng lao động hiện nay vẫn đang đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Trường hợp thiếu hụt chỉ xảy ra khi doanh nghiệp được mở tối đa công suất. Lộ trình sản xuất đã được tính toán và các doanh nghiệp cũng đang kêu gọi người lao động trở lại dần dần theo lộ trình cho phép mở cửa sản xuất.

"Tuy nhiên, vấn đề cần thực sự quan tâm hiện nay là tập trung vào giải tỏa tâm lý cho người lao động. Cũng chính vì lo ngại an toàn mà nhiều lao động đã phải chấp nhận rời bỏ công việc để về quê. Giải quyết được vấn đề tâm lý thì họ mới yên tâm trở lại sản xuất. Rồi những người đang làm việc cũng yên tâm gắn bó với công việc. Đây mới là vấn đề lớn gây ra cản trở cho mở cửa sản xuất. Chỉ khi người lao động ổn định tâm lý thì doanh nghiệp mới có đủ nguồn lực duy trì sản xuất", bà Phan Thanh Xuân cho hay.

Phan Hoạt
.
.