Gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản

Thứ Sáu, 21/04/2023, 09:13

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam trong quý I/2023 đạt 1,8 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, các nhóm mặt hàng thủy sản chủ lực đều giảm so với cùng kỳ như: cá tra, tôm, cá ngừ giảm 30-37%; cua ghẹ và các loại hải sản khác là 2-42%.

go kho xk.jpg -0
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ngành thủy sản đều giảm mạnh trong quý I/2023.

Đáng chú ý, tôm là mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhưng trong quý I chỉ đạt 600 triệu USD (giảm đến 37% so với cùng kỳ). XK tôm sang các thị trường chính đều đồng loạt giảm như: Nhật Bản, Hàn Quốc giảm xung quanh mức 20%, Mỹ, EU, Trung Quốc giảm đến hơn khoảng 40%. Dự báo của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), tình hình XK sẽ được cải thiện hơn từ quý II.

Bởi, Nhật Bản là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam (chiếm tỷ trọng 17,6%), mặc dù trong quý đầu năm XK tôm của Việt Nam sang thị trường này giảm đến 29%, nhưng nhu cầu NK tôm của Nhật Bản năm nay dự kiến vẫn ổn định. Nhật Bản cũng được nhiều DN tập trung đẩy mạnh XK trong năm nay nhờ nhu cầu được đánh giá là ổn định, tình hình lạm phát không quá căng thẳng, tỷ suất lợi nhuận ở Nhật Bản tốt hơn do có tỷ lệ hàng tinh chế, phối chế cao.

Với thị trường Mỹ (XK quý I giảm 46%) là do lạm phát tăng kỷ lục, sức mua giảm, tồn kho từ năm 2022 còn cao. Tình hình NK tôm của Mỹ từ Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng hàng tồn kho hiện tại.

Theo đánh giá của bà Kim Thu - chuyên gia thị trường tôm của VASEP, XK tôm của Việt Nam trong năm 2023 sẽ phải đối mặt với thách thức từ lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng sức tiêu thụ của các thị trường lớn. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với Ecuador và Ấn Độ về giá thành. Nhu cầu NK dự kiến phục hồi từ quý II trong xu hướng giá thấp hơn năm 2022. Vì vậy, DN cần tối ưu chi phí, tập trung phát triển giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển hướng XK sản phẩm đặc thù quốc gia như tôm-rừng, tôm-lúa, chủ động thay đổi cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từng phân khúc thị trường, chuẩn bị về nguồn nguyên liệu, năng lực sản xuất để bắt nhịp khi nhu cầu tôm trên thị trường thế giới phục hồi.

Theo VASEP, ngành thủy sản đang đối diện với nhiều khó khăn khi lạm phát toàn cầu tăng khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước. Đơn hàng XK của các DN giảm 20-50%, tồn kho tăng, kéo theo đó là sản xuất nguyên liệu thủy sản trong nước bị chững lại, cả ngư dân và DN đều thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biến. Ngoài ra, chi phí sản xuất, vật tư, nhân công tăng cao, trong khi thủy sản Việt đang chịu áp lực cạnh tranh về giá so với các đối thủ Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn. DN chế biến - XK hải sản khai thác cũng gặp nhiều khó khăn khi XK vào EU khi thẻ vàng thủy sản (IUU) chưa tháo gỡ.

Với diễn tiến này, VASEP cho rằng vấn đề tập trung lớn nhất hiện nay của DN đó là sản xuất, chế biến trong nước phải sẵn sàng để cung ứng ngay khi thị trường hồi phục. Đồng thời, VASEP cũng kiến nghị cần có chương trình kích cầu nhằm tạo tâm lý yên tâm cho nông-ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu. Cơ quan chức năng quyết liệt trong việc chỉ đạo gỡ thẻ vàng IUU, hỗ trợ DN về tín dụng và lãi suất.

Đặc biệt, để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt, cần có chính sách giảm chi phí đầu vào cho DN bao gồm: các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí, giảm mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho DN đến hết 2023. Để khơi thông và phát triển thị trường, cần triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho trước hết 3 sản phẩm chủ lực của thủy sản Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ, bắt đầu từ quý 4/2023.

T.Hà
.
.