Hàng Việt rộng cửa vào thị trường Mỹ

Thứ Bảy, 20/01/2024, 07:25

Năm 2024, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều cơ hội, đặc biệt là thị trường Mỹ - nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam. Tiềm năng XK hàng hóa sang thị trường này được đánh giá ngày càng rộng mở, các doanh nghiệp (DN) cần thích ứng với những xu hướng mới để tận dụng cơ hội này.

Nông sản lên đường sang Mỹ

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 19/1, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, trong những ngày đầu tháng 1/2024, Công ty đã XK 2 container nước mắm Khải Hoàn, Thanh Quốc sang Mỹ. Trong ngày 5/1, Công ty XK lô xoài tượng xanh đầu tiên của huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) sang thị trường Australia và Mỹ.

Hàng Việt rộng cửa vào thị trường Mỹ -0
Xuất khẩu bưởi da xanh Việt Nam sang Mỹ.

Theo ông Tùng, hiện Vina T&T đã XK nhiều mặt hàng thành công sang thị trường Mỹ như bưởi da xanh, thanh long, xoài, chôm chôm, vải, nhãn, vú sữa, dừa... Bên cạnh đó, Công ty đã hợp tác phân phối độc quyền thành công tại Mỹ với 2 nhãn hàng mắm truyền thống nổi tiếng tại Việt Nam, cùng với dòng sản phẩm gạo ST 25. Năm 2023, Vina T&T đã xuất hàng trăm con_tainers sang Mỹ. Điều này đã tạo nền móng vững chắc để xây dựng thương hiệu cho các nông sản đặc sắc Việt Nam đi xa hơn trên thế giới. Trong năm 2024, trái bưởi và dừa là 2 trái chủ lực sẽ được Vina T&T tập trung phát triển tại tất cả các thị trường chủ lực.

"Năm 2024 mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức và thành công luôn chờ đợi những DN đã sẵn sàng để giải quyết các vấn đề của thị trường. Với kỳ vọng 11 tỷ USD lúa và trái cây, Mỹ sẽ là thị trường sôi động và quyết liệt hấp dẫn DN Việt Nam", ông Tùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, việc mở rộng thị trường mang đến nhiều cơ hội cho ngành rau quả Việt Nam, trong đó, thị trường Mỹ đã mở cửa cho trái bưởi, trái dừa Việt Nam. Những yếu tố này giúp việc XK trái cây vào thị trường này tăng khoảng 30% so với năm trước. Việc có mặt ở hầu hết những thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới, mở ra nhiều cơ hội phía trước.

"Ngay từ đầu năm 2024, Việt Nam đã có 6 tấn xoài tượng xanh được XK bằng đường hàng không sang thị trường Mỹ và Australia, mở ra cơ hội lớn khi Việt Nam là nước trồng xoài lớn thứ 13 thế giới với tổng diện tích khoảng 100.000 ha, sản lượng gần 1 triệu tấn/năm. Hàng chục nghìn ha dừa đang được nông dân trồng theo hướng hữu cơ, liên kết với DN để vừa đáp ứng XK sang thị trường Mỹ, vừa đón đầu cơ hội từ thị trường chính ngạch Trung Quốc", ông Nguyên nhấn mạnh.

Đối với ngành thuỷ sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngành thuỷ sản năm 2024 có nhiều điểm tựa. Song, ngành vẫn sẽ khó khăn trong nửa năm 2024 do lượng hàng tồn kho thế giới cao, cùng một loại thuỷ sản có nhiều nhà cung cấp, lực cung đang lớn hơn lực cầu. Sau khi về đích năm 2023 ở mức 9,2 tỷ USD, bằng 92% mục tiêu đề ra từ đầu năm, ngành thủy sản đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2024 với kim ngạch XK đạt 9,5 tỷ USD, tăng 3% so với 2023. Với những tín hiệu từ cuối năm 2023, XK thủy sản của Việt Nam sang một số thị trường như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc... có khả năng phục hồi trở lại trong các tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, các DN trong ngành vẫn tiếp tục nỗ lực mở rộng thị trường XK hàng thủy sản.

Với ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, thị trường Mỹ phục hồi góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2024, bởi trị giá XK sang thị trường này chiếm 53,7% tổng trị giá XK gỗ và sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng tồn kho tại Hoa Kỳ giảm dần. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh XK mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ vào Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Hàng Việt rộng cửa vào thị trường Mỹ -0
Các nhà mua hàng ở Mỹ xác định Việt Nam là thị trường cung ứng quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Hướng tới chuỗi cung ứng sản phẩm sạch

Sau đại dịch, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại thị trường Mỹ xuất hiện nhiều xu hướng mới, nhất là về giá cả. Về mặt tiêu chuẩn XK, yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, hướng đến chuỗi cung ứng sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ngày càng chặt chẽ. Điều này đòi hỏi DN Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Vì vậy, các DN cần chủ động tìm hiểu, cập nhập xu hướng mới của thị trường, các tiêu chuẩn và quy định mới của Mỹ về các mặt hàng gỗ nội ngoại thất; chú trọng hơn về tìm hiểu tình hình tài chính của đối tác, lựa chọn khâu thanh toán an toàn có thể duy trì đà tăng trưởng bền vững vào thị trường này trong thời gian tới.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, XK hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 97 tỷ USD, giảm 12,4 tỷ USD so với năm 2022. Dù vậy, đây vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, có 12 nhóm hàng XK sang thị trường Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó, dẫn đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 18,2 tỷ USD; tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 17 tỷ USD; dệt may đứng thứ 3 với 14,47 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Mỹ trong năm 2023 đạt 13,82 tỷ USD, giảm gần 700 triệu USD so với năm 2022.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa hai nước đạt gần 111 tỷ USD. Đây là năm thứ 3 liên tiếp thương mại Việt Nam - Mỹ đạt kim ngạch từ 100 tỷ USD trở lên. Mỹ là đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam cán mốc 100 tỷ USD (sau Trung Quốc). Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam hiện nay và trong những năm tới.

Theo ông Linh, dù kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng từ sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, tiêu dùng suy giảm, song các nhà mua hàng ở Mỹ vẫn xác định Việt Nam là thị trường cung ứng quan trọng, vì họ muốn đa dạng chuỗi cung ứng, coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực. Trên thực tế đã xuất hiện xu hướng rõ nét khi các Tập đoàn lớn của Mỹ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi. Đặc biệt, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện được đánh giá tạo cơ hội để thúc đẩy XK của Việt Nam sang thị trường này.

Lưu Hiệp
.
.