Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh: Con đường sáng nhưng nhiều thách thức

Thứ Bảy, 22/07/2023, 10:32

Đưa rau má đi xuất khẩu giúp người dân có thu nhập từ 40-60 triệu đồng/tháng; hay chế tạo sản phẩm làm đẹp hữu cơ từ gừng, xả, lá chanh, với doanh thu hàng trăm tỷ mỗi năm… là kết quả sau hành trình nỗ lực làm nông nghiệp thông minh của nhiều bạn trẻ. Thế nhưng, chặng đường vinh quang này không dễ đi như nhiều người nghĩ và đâu đó rất cần sự tiếp sức từ các cơ quan chức năng.

Điệp khúc "được mùa mất giá" sẽ dần được thay thế

Mở đầu Hội nghị online với chủ đề "Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức" do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp cùng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức, ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp quốc gia (NSCI) chia sẻ: "Tôi may mắn được tham gia các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cùng các bạn trẻ từ rất sớm, khoảng từ những năm 2012 - 2013. Hơn 10 năm qua tôi đã chứng kiến được sự chuyển mình và thay đổi rõ rệt. Trước đây nhắc đến các hoạt động nông nghiệp thì thường là điệp khúc "được mùa mất giá" hoặc ngược lại, nhưng thời điểm hiện tại, nhờ áp dụng những yếu tố công nghệ mà những mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp đã có những bước chuyển mình rõ rệt".

Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh: Con đường sáng nhưng nhiều thách thức -0
 Tiếp cận công nghệ cao, làm nông nghiệp thông minh đang là xu thế làm kinh tế mới.

Rất nhiều mô hình đã chứng minh xu thế khởi nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh là sự lựa chọn đúng đắn. Vị này chia sẻ thêm: "Tôi mới ngồi với 2 bạn rất trẻ, thuộc thế hệ 9X, là founder (người sáng lập - PV) mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp có cái tên rất dễ thương "Cỏ cây hoa lá".

Trước thì 2 bạn này học chuyên ngành hóa học nên các bạn đã biết áp dụng những kiến thức được đào tạo, cộng với sự nhạy bén, ham học hỏi… các bạn đã tạo nên được những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp như dầu gội đầu, sữa tắm, sữa rửa mặt… Đặc biệt là các sản phẩm này đều là sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc từ những nguyên liệu quen thuộc, dễ kiếm như gừng, xả, lá chanh… Hiện, doanh thu của 2 bạn trẻ này lên tới cả trăm tỷ mỗi năm và chắc chắn họ sẽ tiếp tục nâng cao doanh thu trong thời gian tới", ông Trung kể.

"Ngoài ra, còn có những bạn trẻ lại tận dụng những phế phẩm nông nghiệp để tạo nên các sản phẩm mới rất hữu ích, ví dụ như một bạn trẻ ở Nghệ An đã liên kết với vùng trồng dứa nguyên liệu, thu mua các cuống dứa bỏ đi để cho ra đời từ vải sợi dứa. Hoặc trong lĩnh vực thủy sản, có bạn đã đưa ra dòng sản phẩm cải tiến đèn led trên tàu đánh cá cũng đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng…Tất cả những ví dụ trên đều là minh chứng cho thực tế: Áp dụng những yếu tố công nghệ vào thì các dự án đều gia tăng giá trị, đồng thời tạo nên những doanh nghiệp có thể định giá hàng trăm tỷ, góp phần thay đổi tư duy sản xuất cũng như nâng cao thu nhập cho nông dân", ông Trung nhấn mạnh.

Xu thế không thể đứng ngoài

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được nhiều người chọn lựa, dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng nhiều người trong số họ đã thành công, trở thành những điển hình trong phong trào phát triển sản xuất kinh doanh giỏi ở mỗi địa phương.

Có mặt tại Hội nghị ở điểm cầu Thanh Hóa, ông Trần Văn Tân - Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, người đã góp công đưa sản phẩm rau má quê nhà lên hàng đặc sản, thậm chí còn xuất khẩu sang Nhật Bản với giá cao gấp nhiều lần cho biết: Năm 2018, tôi dấn thân vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, quá trình khởi nghiệp đã gặp muôn vàn khó khăn như: tích tụ ruộng đất; cơ chế thủ tục… Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng không làm chúng tôi nản lòng. Đến thời điểm này, chúng tôi đã chọn và tìm ra được con đường đúng đắn, đó là, xây dựng vùng nguyên liệu trồng rau má Thanh Hóa.

Nếu như trước đây, cây rau má mọc dại ở nhiều nơi thì hiện nay chúng tôi đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu, có nhà máy chế biến. Hiện vùng nguyên liệu trồng rau má, tía tô, diếp cá… phát triển trên 200ha. Sau khi liên kết với nông dân cũng đã giúp bà con có công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đặc biệt không để đất bỏ hoang. Hiện giá thu mua rau má tươi của chúng tôi 15.000 - 20.000 đồng/kg; người dân có thu nhập bình quân 12 - 15 triệu đồng/tháng, có những hộ thu nhập cao nhất 40-60 triệu đồng/tháng.

Tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh, ông Lâm Ngọc Tuấn - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc - 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 ở TP Hồ Chí Minh tiếp thêm động lực: "Chúng tôi trồng rau thủy canh ở Thủ Đức từ 2017 đến 2023. Trong quá trình sản xuất chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn như việc HTX phải chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang công nghệ cao, nông nghiệp đô thị hay khi thành viên muốn tham gia vào HTX phải có nguồn vốn khá cao khoảng 1 tỷ đồng/1.000m2. Và khi trồng rau công nghệ cao phải có kiến thức chuyên sâu về máy móc, tự động hóa... "Nhưng đến nay, sau khi vượt qua các khó khăn, khi áp dụng công nghệ cao vào thủy canh đạt trên 120kg rau/ngày, chúng tôi áp dụng ngoài VietGAP và dần tiến tới xây dựng tiêu chuẩn GlobalGAP cho rau", ông Tuấn chia sẻ.

Lắng nghe chia sẻ của các nông dân làm nông nghiệp thông minh tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là lĩnh vực mới ở Việt Nam và chưa phát triển như kỳ vọng nên trong quá trình sản xuất bà con rất gian nan như anh Trần Văn Tân mất 4, 5 năm vật lộn với công nghệ đến giờ mới dần hái được "quả ngọt".

Chúng ta có nhiều công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ số... làm sao chúng ta vận dụng, áp dụng mang lại hiệu quả, thực chất sản xuất, kinh doanh là đạt hiệu quả. Đầu tư công nghệ cao, thông minh tạo ra sản phẩm chất lượng nhất đưa ra thị trường trong và ngoài nước, như anh Tân có nhiều sản phẩm được bạn hàng ở Nhật, Hàn tiếp nhận và đánh giá rất cao.

Ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, chúng ta phải lựa chọn được công nghệ tốt và phù hợp nhất vào sản xuất mới đem lại hiệu quả. Thứ hai là quy mô sản xuất của Việt Nam vẫn là quy mô nhỏ nên cần phải có liên kết sản xuất như anh Tân liên kết với nhiều nông dân có quy mô để đầu tư công nghệ vào rất hợp lý, hiệu quả. Hiện nay chúng ta có nhiều chính sách cởi mở trong nông nghiệp như Luật Đất đai khuyến khích nông dân tích tụ đất đai để sản xuất lớn.

Bên cạnh đó, chúng ta phải phát triển nông nghiệp đa giá trị kết hợp với các yếu tổ lịch sử, hay du lịch sinh thái để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Thứ ba là tiếp cận chính sách, chúng ta cần có đội ngũ tư vấn để tổ chức sản xuất để thuyết phục các cơ quan nhà nước vào cuộc hỗ trợ. Đồng thời, tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là xu thế chúng ta không thể đứng ngoài. Vì nếu đứng ngoài thì chúng ta sẽ không cạnh tranh được với các sản phẩm trên thị trường.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, tham gia vào sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tăng khả năng kết nối giữa người sản xuất với thông tin, quản lý sản xuất tốt hơn, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp để sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Nhà nước cho nông nghiệp. Song để phát triển nông nghiệp thông minh, Việt Nam cần có cách tiếp cận thông minh, phù hợp dựa trên nhiều yếu tố khác nhau để đảm bảo phương thức sản xuất được tối ưu nhất và hài hòa nhất và hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Nhật Uyên
.
.