Kiểm soát để tránh tăng giá khi tăng lương

Thứ Bảy, 17/06/2023, 07:13

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2023 diễn ra chiều 16/6, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết để tránh tình trạng tăng giá theo lương từ ngày 1/7, cơ quan này đã có kế hoạch để kiểm soát giá, trong đó nhấn mạnh công tác truyền thông.

Thông tin tại cuộc họp, Bộ Tài chính cho biết trong 2 quý đầu năm, công tác thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương. Theo đó, tổng thu cân đối NSNN lũy kế đến ngày 15/6/2023 ước đạt 810,2 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán, trong đó: Thu nội địa đạt 49,8% dự toán, thu từ dầu thô đạt 67,7% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 48,9% dự toán.

Về chi NSNN thực hiện đến ngày 15/6/2023 ước đạt 707,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34,1% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt 23,3% dự toán Quốc hội, chi trả nợ lãi ước đạt 46,1% dự toán, chi thường xuyên ước đạt 41,8% dự toán... Bộ Tài chính khẳng định đáp ứng các nhu cầu chi theo dự toán để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản chi trả nợ đến hạn, đảm bảo chi trả kịp thời các khoản lương, lương hưu, trợ cấp xã hội từ NSNN.

gia-thit-lon-tang.jpg -0
Bộ Tài chính cho biết đã có kế hoạch kiểm soát giá, tránh tình trạng tăng giá khi tăng lương. Ảnh minh họa.

Cũng tại cuộc họp báo nhiều vấn đề dư luận quan tâm đã được đặt ra, trong đó thời điểm tăng lương từ ngày 1/7 đã rất cận kề, vậy, công tác điều hành giá sẽ được chú trọng như thế nào để tránh tình trạng tăng giá theo lương?

Trả lời câu hỏi này, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, điều hành quản lý giá là hoạt động thường xuyên, liên tục. Theo đó, giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ trong công tác này là Ban chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái là Trưởng ban, Bộ Tài chính là cơ quan thường trực. Ban chỉ đạo đã thường xuyên họp để đưa ra các kịch bản trong điều hành giá từ đầu năm đến nay. Bộ Tài chính cũng đã chủ trì xây dựng các báo cáo về điều hành giá, đưa ra những kế hoạch, tình huống sẽ triển khai trong quá trình điều hành như tăng lương cơ sở và một số vấn đề khác. Vì thế, về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý giá cho hay, Bộ Tài chính đã có những báo cáo để ngay từ đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 03/CT-TTg về đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về điều hành giá.

Một số giải pháp về điều hành giá cụ thể như bám sát diễn biến thị trường giá cả, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu mà Quốc hội đưa ra, đặc biệt chú ý đến mặt hàng chiến lược là xăng dầu, tập trung chú ý nắm bắt tình hình. Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá thì thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành thận trọng phù hợp từng thời kỳ. Các cơ quan chức năng cũng sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động kê khai thông báo giá, việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý giá, tránh việc găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt, thời gian tới cũng sẽ chú trọng thông tin truyền thông, công khai minh bạch trong quản lý giá, để làm sao đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết các giải pháp để kiểm soát lạm phát, giữ mặt bằng giá và hướng tới mục tiêu kiểm soát tốt hơn mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra trong năm 2023 là xuyên suốt cả năm, trong đó tính tới cả nhiệm vụ, chính sách khi từ 1/7 tăng lương cơ sở.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Chi đã nhấn mạnh tới giải pháp quan trọng cần làm tốt là truyền thông để giải quyết vấn đề tâm lý khi thời điểm tăng lương 1/7 đã cận kề, để cả xã hội, tất cả người tiêu dùng ổn định tâm lý. Bởi chính sách tăng lương cơ sở nằm trong chính sách được định trước, nên để không ảnh hưởng tâm lý, phải nhờ đến đội ngũ báo chí, cơ quan truyền thông, cơ quan làm chính sách trong đó có Bộ Tài chính, giúp làm giảm bớt những ảnh hưởng tâm lý.

"Tâm lý của người dân bị ảnh hưởng càng nhỏ càng tốt, nếu không bị ảnh hưởng thì các giải pháp về kiểm soát giá nêu trên sẽ phát huy tác dụng, giá cả ổn định, hướng tới những mục tiêu đề ra", Thứ trưởng nêu rõ.

Cũng là câu chuyện giá cả, liên quan đến đề xuất về tăng trần vé máy bay của Bộ Giao thông - Vận tải, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, giá vận chuyển hàng không được quy định là mặt hàng do nhà nước định giá, thẩm quyền thuộc Bộ Giao thông - Vận tải. Việc định giá sẽ được thực hiện theo quy trình, trình tự đã được quy định; Bộ Giao thông - Vận tải sẽ đánh giá rõ và tính toán mức tăng dựa trên các yếu tố cấu thành giá; nên tăng ở mức nào sẽ tùy theo cơ sở đánh giá về chi phí, tình hình thị trường… Bộ Giao thông - Vận tải sẽ có quy định cụ thể.

Một vấn đề khác đó là về kết quả thanh tra hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của một số doanh nghiệp bảo hiểm, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết quá trình thanh tra đã hoàn tất. Hiện đơn vị này đang hoàn thiện kết luận thanh tra để báo cáo cấp có thẩm quyền và dự kiến có kết luận ngay trong tháng 6 này. Sau khi có kết luận thanh tra sẽ công khai theo quy định. Riêng về việc Công ty Bảo hiểm Manulife Việt Nam đã hoàn trả bao nhiêu tiền cho khách hàng khi bị tư vấn mập mờ trong việc gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với gói bảo hiểm "Tâm an đầu tư", lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết chưa nắm được con số cụ thể.

Phía Bộ Tài chính thời gian qua cũng đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, giám sát nhằm chấn chỉnh hoạt động của thị trường bảo hiểm. Trong đó, chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng. Yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Hà An
.
.