Nhiều ngân hàng bứt phá về lợi nhuận và tăng trưởng

Thứ Ba, 03/05/2022, 09:28

Được đánh giá là một trong những nhóm ngành duy trì được đà tăng trưởng tốt trong thời kỳ dịch bệnh, lợi nhuận của khối ngân hàng luôn được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, bức tranh lợi luận quý I/2022 cho thấy, không phải nhà băng nào cũng giữ được “phong độ”.

Không phải là cái tên xa lạ gì trên bảng tổng soát nên lợi nhuận của Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng - VPBank luôn tạo được sự chú ý. Quý I năm nay, “bank xanh lá” đã lập thành tích ngoạn mục khi báo lãi kỷ lục hơn 11.146 tỷ trong quý I, gần gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận được từ trước đến nay, góp phần đưa vốn chủ sở hữu của ngân hàng vượt lên trên 95 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 đạt trên 15%. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất của VPBank tăng 65% so với cùng kỳ, đạt 18.270 tỷ đồng. Trong đó, TOI của ngân hàng mẹ tăng trên 133%.

Nhiều ngân hàng bứt phá về lợi nhuận và tăng trưởng -0
Ảnh minh họa.

Cũng mang màu xanh lá và được xem là “anh cả” trong khối ngân hàng, Vietcombank dù đánh mất ngôi quán quân nhưng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ quý I vẫn đạt 9.650 tỷ đồng, tăng 16,2%  so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận hợp nhất đạt 9.950 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ và vượt tiến độ trình cổ đông. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, đến hết quý I, tổng tài sản tăng 3,4% với dư nợ tín dụng tăng 7%. Huy động vốn 3,8% và nợ xấu ở mức 0,8%.

Cũng là một “ông lớn”, nằm trong nhóm “big 4”, VietinBank dù đạt lợi nhuận trước thuế 5.822 tỷ đồng, song so với cùng kỳ năm trước, mức lợi nhuận này đã giảm 28%. Nguyên nhân chủ yếu được lãnh đạo ngân hàng thông báo là do đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro lên hơn 4.400 tỷ, gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, dù lợi nhuận quý I chỉ đạt 809 tỷ đồng, song Eximbank cho thấy nỗ lực “vượt lên chính mình” khi tăng trưởng tới 278% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng trưởng cao nhất được ghi nhận trên bảng tổng soát 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính trên sàn chứng khoán. Trong khi đó, một loạt ngân hàng khác cũng tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2021 có thể điểm danh như OCB tăng trưởng âm 35%, Kienlongbank âm 82%, Vietbank âm 9%, NCB âm 6%. Một điều đáng chú ý đó là nếu đặt lợi nhuận của ngân hàng cao nhất là VPBank với mức lợi nhuận 11.146 tỷ đồng, bên cạnh lợi nhuận của ngân hàng cuối bảng là NCB với lợi nhuận 25,5 tỷ đồng thì mức chênh lệch lợi nhuận lên tới gần 500 lần.

Tính trung bình từ 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2022, tổng lợi nhuận đạt gần 68.000 tỷ đồng, tăng hơn 16.000 tỷ so với quý I/2021, tương đương tăng 31%. Trong số này duy nhất 2 ngân hàng lợi nhuận trong quý đạt gần 10.000 tỷ đồng trở lên (VPBank và VCB); có 5 ngân hàng lợi nhuận từ 5.800 tỷ đồng trở lên; có 11 ngân hàng lợi nhuận hơn 2.000 tỷ đồng trở lên và 15 ngân hàng lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.

Theo đó, Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất là: VPBank, Vietcombank, Techcombank, MB, VietinBank, BIDV, ACB, SHB, HDBank, Sacombank. Còn xét về tốc độ tăng trưởng, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý I/2022 lại là Eximbank với mức tăng 278%, tiếp theo là VPBank tăng 178%, BacABank tăng 171%, SHB tăng 94%, SeABank tăng 87%, Sacombank tăng 70%, Saigonbank tăng 69%, LienVietPostBank tăng 61%, PGBank tăng 54%, NamABank tăng 40%.  

Hà An
.
.