Nhiều nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên triển khai dự án tại Việt Nam

Thứ Hai, 15/08/2022, 06:44

Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 3,98 tỷ USD, chiếm 69,5% tổng vốn đăng ký cấp mới. Cùng với đó, lượng vốn FDI thực hiện trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt 8,87 tỷ USD, chiếm 76,7% tổng vốn FDI thực hiện. Điều này cho thấy, công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ đang là mũi nhọn trong quá trình phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

Kết quả này thể hiện đà phục hồi rõ nét và đáng ghi nhận trong bối cảnh bất lợi. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư- KH&ĐT) cho biết, sau sự gián đoạn do các biện pháp chống dịch và sự khó khăn trên phạm vi toàn cầu thì đó là kết quả khá tích cực. Tuy vậy, riêng lượng vốn của các dự án đầu tư nước ngoài điều chỉnh, tăng thêm vốn vẫn gia tăng mạnh, đạt 7,24 tỷ USD và tăng tới hơn 59% so với cùng kỳ. Đặc biệt, các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ.

Đây là kết quả cao nhất trong cùng kỳ 5 năm gần đây, rất ấn tượng bởi được xác lập trong bối cảnh giới đầu tư đối diện hàng loạt thách thức.  Những thông tin trên cho thấy niềm tin, định hướng tăng cường hiện diện, làm ăn lâu dài tại Việt Nam của giới đầu tư quốc tế rất rõ ràng. Họ đề cao thế mạnh, sức hấp dẫn về tiềm năng cũng như môi trường đầu tư-kinh doanh ở Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên triển khai dự án tại Việt Nam -0
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ mở rộng quy mô đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Hiện, hàng loạt tên tuổi nổi tiếng, giàu tiềm năng trong “làng” đầu tư quốc tế như Intel, Samsung, LG, Toyota… đều đã có mặt và xác định định hướng sẽ mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, lợi thế rất lớn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư chính là sự ổn định về chính trị, xã hội một cách bền vững như một “thương hiệu” và đặc điểm riêng có của Việt Nam. Đây cũng là điều kiện tối quan trọng để họ có đi đến quyết định đầu tư hay không. Trong khi đó, không phải khu vực, hay quốc gia nào đều có sẵn môi trường chính trị[1]xã hội và kinh tế ổn định với sự cởi mở, hội nhập quốc tế một cách chủ động và hiệu quả như nước ta…

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp trên nhiều quốc gia ở ASEAN về sự ổn định chính trị, lại ở gần các thị trường lớn và năng động cũng như có lợi thế cho hoạt động vận chuyển hàng hoá để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mới đây, đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam nhấn mạnh, các công ty nước này đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hiệu quả với đối tác Việt Nam trên nhiều lĩnh vực; trong đó có 3 lĩnh vực quan trọng gồm chuỗi cung ứng và hậu cần; phát triển kinh tế xanh và kinh tế số.

Với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế cùng với sự gia tăng niềm tin của nhà đầu tư, các chuyên gia nhận định Việt Nam tiếp tục duy trì uy tín cũng như đà tăng trưởng khá ấn tượng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực này có thể là điểm sáng của nền kinh tế năm 2022, tạo điểm tựa cho những năm tiếp sau.

Lưu Hiệp
.
.