Nỗi lo của người chăn nuôi chuẩn bị nguồn thực phẩm Tết

Thứ Ba, 14/12/2021, 09:13

Chỉ còn hơn 1,5 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nên thời điểm này, người chăn nuôi gia súc, gia cầm tại “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai đang tất bật cho vụ hàng Tết sắp tới. Do ảnh hưởng của dịch COVID -19 nhiều tháng qua, năm nay đàn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường Tết ít hơn những năm trước.

Những ngày này, hàng ngàn hộ chăn nuôi đang tất bật với công việc tại các chuồng trại với mong muốn có được nguồn hàng dồi dào và giá cả ở mức cao trong dịp Tết sắp tới.

Trang trại gà của anh Trần Bảo Lộc với quy mô lớn tại xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, vừa chịu thất thu với lứa gà thịt trong đợt dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 8 vừa qua, nhưng nay mọi thứ đang được chủ trại bắt tay làm lại cho lứa gà phục vụ Tết. Chủ trại gà này đã đầu tư mua hơn 10 nghìn con gà giống nuôi lứa mới. Hiện đàn gà của anh đã được hơn 1 tháng và sẽ kịp xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Nỗi lo của người chăn nuôi chuẩn bị nguồn thực phẩm Tết -0
Chủ một trang trại với lứa lợn hàng nghìn con phục vụ Tết.

Trang trại nuôi lợn của hộ ông Trần Đức Linh ở huyện Thống Nhất cũng đang tập trung cho lứa lợn cuối năm với hơn 2.000 con. Để chủ động nguồn giống nuôi, ông luôn duy trì khoảng 200 con lợn nái nên hầu như lứa lợn thịt đang nuôi phục vụ Tết năm nay cũng được ông tự gây giống.  Chủ trang trại lợn này cho biết, lứa lợn giữa năm 2021 xem như mất trắng, thậm chí lỗ nặng. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến ông và nhiều hộ chăn nuôi khác không tìm được đầu ra trong thời điểm việc lưu thông đi lại giữa các địa phương khó khăn do giãn cách xã hội. Đồng thời để phòng, chống dịch, chợ truyền thống cũng phải đóng cửa.

Đến nay khó khăn với người chăn nuôi cơ bản cũng đã được tháo gỡ, nhưng thực tế giá thức ăn tăng hơn 20%, thuốc thú y tăng đến 180% nên chi phí chăn nuôi cũng bị đẩy lên cao. Trong khi giá lợn bán có tăng so với những tháng trước, nhưng không đáng kể. Đây là điều khiến chủ trang trại này đang thấp thỏm lo âu về thị trường và giá cả khi đàn lợn của ông sẽ bán vào đúng dịp Tết.

Không chỉ anh Lộc, ông Linh mà hàng nghìn hộ chăn nuôi khác ở các huyện trọng điểm chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai như Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Long Thành, Xuân Lộc cũng đang tập trung phục hồi đàn gia súc, gia cầm để phục vụ nguồn thực phẩm Tết với hy vọng sẽ vớt vát một phần thua lỗ trong năm 2021 do ảnh hưởng dịch COVID -19.

Ông Ngô Hữu Phụng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ cho biết, mặc dù nhiều hộ dân đã mạnh dạn tái đàn gia súc, gia cầm sau ảnh hưởng lớn từ đợt dịch COVID-19 vừa qua, nhưng chính quyền vẫn khuyến cáo bà con không tăng đàn quá nhiều mà nên giữ ở mức ổn định. Để hỗ trợ người chăn nuôi, đơn vị cũng đề nghị hội nông dân hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện quy mô trang trại đảm bảo an toàn sinh học và phòng, chống dịch bệnh; kiểm soát được nguồn gốc con giống cũng như phối hợp cùng người chăn nuôi tìm liên kết ở đầu ra.

Đến đầu tháng 12/2021 “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai đã có tổng đàn lợn gần 2,4 triệu con và đàn gia cầm hơn 25,3 triệu con. Số lượng lợn thịt cung cấp ra thị trường đạt hơn 25 nghìn tấn/tháng; thịt gia cầm khoảng 10,5 nghìn tấn/tháng và 100 triệu quả trứng gia cầm/tháng. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh khoảng 14 nghìn tấn thịt các loại, còn hơn 20 nghìn tấn cung cấp cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Cao Tiến Sỹ cho biết, để hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn thời điểm cuối năm, bảo đảm phòng dịch trên đàn gia súc, gia cầm, Sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện ba đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các trang trại, hộ chăn nuôi, hạn chế tối đa sự lây lan của mầm bệnh. Sở cũng đã tổ chức tiêm phòng miễn phí cho đàn gia súc, gia cầm của các hộ nghèo; tăng cường giám sát sớm để phát hiện, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, kết nối cung cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở phối hợp Sở Công Thương và chính quyền các địa phương tổ chức hỗ trợ đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi thông qua hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, chế biến. Ông Sỹ khẳng định, việc người chăn nuôi đang đẩy mạnh tái đàn sau những tháng bị ảnh hưởng dịch COVID-19, nguồn cung thịt lợn, gà của Đồng Nai thời điểm cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán sẽ dồi dào và không lo thiếu.

Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, Nguyễn Kim Đoán bày tỏ sự lo lắng của người chăn nuôi vì cho rằng, nếu như người nuôi gà đang tập trung cao điểm thực hiện tái đàn để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, thì người nuôi lợn trên địa bàn tỉnh nói chung vẫn đang khá e dè. Nguyên nhân, người chăn nuôi đã quá khó khăn trong 2 năm qua vì giá bán ra không bằng giá thành sản xuất, khiến thua lỗ kéo dài, cạn nguồn vốn để tái đầu tư.

Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi đang chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất. Giá cám giữ mức “đỉnh” trong nhiều tháng gần đây và tăng khoảng 40% so với thời điểm cuối tháng 10 năm ngoái. Ngoài ra, các chi phí vận chuyển, nhân công... cũng tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tình trạng này nếu kéo dài mà không có cách tháo gỡ, các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó có thể cầm cự. Do đó, ông Đoán cho rằng Nhà nước nên có chính sách ưu đãi lãi suất vay vốn, khoanh nợ, giãn nợ để người chăn nuôi có thêm điều kiện khôi phục sản xuất trước, trong và sau Tết.

Bảo Sơn
.
.