Quản lý kênh thanh toán đối với game không phép

Thứ Sáu, 24/03/2023, 07:49

Tại hội nghị triển khai các giải pháp quản lý kênh thanh toán đối với game online không phép diễn ra tại Hà Nội ngày 23/3, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, sẽ tăng cường quản lý đối với dịch vụ game với hàng loạt biện pháp mạnh nhằm “chặn” đường đi của game lậu, game không phép đang tràn lan trên không gian mạng.

Game không phép thanh toán quá dễ dàng

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT cho biết: Vấn đề đặt ra trong quá tình thúc đẩy phát triển doanh nghiệp game hiện nay chính là tình trạng bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp game trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Trong khi các doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ nhiều quy định của pháp luật thì các doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam bất chấp tất cả, thu hút nhiều người dùng. Điều này khiến các doanh nghiệp game trong nước ngày càng “teo tóp”. Theo ước tính, doanh thu trong lĩnh vực game tại Việt Nam trong năm 2022 là hơn 500 triệu USD thì game không phép chiếm 30%. Game không phép chủ yếu cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam qua ứng dụng Google Play và Apple Store.

Quản lý kênh thanh toán đối với game không phép -0
Doanh nghiệp game trong nước gặp khó do game lậu cung cấp xuyên biên giới tràn lan trên không gian mạng. Ảnh minh họa

Theo ông Lê Quang Tự Do, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do việc thanh toán cho các game không phép quá dễ dàng với sự “hậu thuẫn” của các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử, tài khoản viễn thông, thậm chí thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ…. Mặc dù theo quy định, các bên trung gian thanh toán trong trò chơi điện tử phải chủ động từ chối, tạm ngừng thanh toán với các doanh nghiệp phát hành game chưa được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản hoặc chưa thông báo cung cấp dịch vụ. Nhưng trên thực tế việc người dùng thanh toán cho các game lậu vẫn rất dễ dàng. Các trung gian thanh toán không kiểm tra tính hợp pháp của game khi tiến hành giao dịch nạp game, có thể là họ không chủ động kiểm tra hoặc không kiểm tra được, dẫn đến nạp tràn lan cho game lậu. Bên cạnh đó, người dùng vẫn còn thiếu ý thức cảnh giác trong quá trình lựa chọn và sử dụng dịch vụ, ứng dụng game không phép.

Thực trạng trên chính là nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp game nội không thể cạnh tranh được với game không phép cung cấp xuyên biên giới ngay trên sân nhà. Hệ quả là mặc dù hiện Việt Nam có hơn 220 doanh nghiệp kinh doanh game được cấp giấy phép ở Việt Nam nhưng số doanh nghiệp còn thực sự hoạt động, cung cấp game ra thị trường chỉ còn 30 đơn vị, còn lại “thoi thóp” hết vì không thể cạnh tranh với game nước ngoài.

Sẽ định kỳ cung cấp danh sách game không phép để “chặn” thanh toán

Tại hội nghị, mặc dù đồng thuận với các chủ trương, giải pháp mà Bộ TT&TT đưa ra nhằm hạn chế game lậu, tạo lập sự cạnh tranh công bằng cho game trong nước song một số đơn vị thanh toán cho rằng, với trạng thái bây giờ, rất khó để xác định game nào là game lậu để “chặn” thanh toán. Do đó, các đơn vị này kiến nghị, thay vì chặn giao dịch với game lậu khi phát hiện, thì cần buộc Apple, Google chỉ cho phép thanh toán những trò chơi đã được cấp phép ở Việt Nam. Ngoài ra, Cục PTTH&TTĐT cũng nên cung cấp danh sách cụ thể các game lậu, game không phép hoặc cách thức nhận diện game để biết game đó có được cấp phép hay không.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cũng đồng tình với một số đơn vị trung gian về việc nếu chặn ngay từ nguồn là các cửa hàng Apple, Google thì sẽ không có chuyện có hàng hóa bất hợp pháp để thanh toán nữa. Mặt khác, ông Tuấn cũng đề nghị Bộ TT&TT hay cụ thể là cục PTTH&TTĐT thường xuyên cập nhật danh sách các game không phép. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có cơ sở để chỉ đạo sát sao đến từng đơn vị trung gian thanh toán và chặn các giao dịch này.

Nhìn nhận về thực trạng game hiện nay, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm thẳng thắn chỉ ra, giá trị gia tăng của phía Việt Nam trong ngành game là không cao. Gần 90% game ở thị trường là nhập khẩu hoặc có xin phép, còn nếu tính cả game lậu không phép trên mạng thì tỷ lệ này có thể còn lớn hơn nữa.Ngoài ra, một số nước ở gần Việt Nam khi thay đổi chính sách, có các biện pháp siết chặt ngành game trong nước thì các game đó lại tràn vào Việt Nam. Các doanh nghiệp game trong nước đã khó khăn, nhiều chi phí trong khi vòng đời game ngắn lại bị cạnh tranh không lành mạnh nên gặp khó khăn ngay trên chính sân nhà.

Để ngăn chặn, khắc phục tình trạng này, Bộ TT&TT đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán nghiêm túc tuân thủ đầy đủ các quy định về thanh toán và pháp luật chuyên ngành có liên quan khi kết nối và thanh toán cho dịch vụ game. Các đơn vị này phải thực hiện các giải pháp ngăn chặn, không kết nối và thanh toán cho các game không phép qua hệ thống thanh toán của đơn vị mình hoặc khi nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước; trường hợp thanh toán qua IAP phải yêu cầu Apple, Google cung cấp đầy đủ các thông tin về giao dịch để thực hiện các biện pháp ngắt kết nối hoặc chặn thanh toán cho game không phép.

Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo Cục PTTH&TTĐT gửi định kỳ hàng tháng danh sách các game đã được cấp phép, game không phép để các trung gian thanh toán đối chiếu, không thanh toán hoặc kết nối thanh toán tới các game không phép. Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu đơn vị trung gian thanh toán tiếp tục thanh toán cho game không phép.

Huyền Thanh
.
.