Sản phẩm xuất khẩu có “dấu chân carbon” sẽ đối mặt với thuế suất cao

Thứ Sáu, 15/09/2023, 07:50

Ông Nguyễn Ngọc Hoà - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí  Minh (HUBA) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo, bắt đầu từ ngày 1/10/2023, EU sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở giai đoạn chuyển tiếp.

Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu (NK) vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu (XK).

Theo đó, cơ chế này được chia thành 3 giai đoạn thực hiện. Cụ thể, từ tháng 10/2023-2025 là giai đoạn chuyển tiếp, doanh nghiệp (DN) sẽ phải báo cáo về tổng phát thải tích hợp trong hàng hóa theo loại và không chịu phí CBAM. Từ năm 2026-2034, DN cần mua 1 chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO2 tương đương có trong sản phẩm. EU cũng sẽ loại bỏ dần việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Đến năm 2034, các DN sẽ phải nộp 100% phí CBAM. Bước đầu EU sẽ áp dụng cơ chế này đối với các hàng hóa nhập khẩu (NK) nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), với cơ chế này chi phí sản xuất của ngành thép, nhôm, xi măng của Việt Nam sẽ bị tăng thêm khoảng 36 tỷ USD mỗi năm khi XK hàng hoá vào thị trường EU. Không chỉ vậy, những lĩnh vực sản xuất khác như dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ, nông thuỷ hải sản… cũng được khuyến cáo sẽ phải thích ứng với chính sách này trong thời gian tới. 

Sản phẩm xuất khẩu có “dấu chân carbon” sẽ đối mặt với thuế suất cao -0
Ngành da giày cũng bị khuyến cáo sẽ bị đánh thuế carbon trong thời gian tới.

Trong khi đó, khái niệm tín chỉ carbon vẫn còn khá mới mẻ đối với đa số DN trong nước, trong khi thời gian để các DN áp dụng đã cận kề. Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 16/19 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này đã mở ra thêm nhiều cơ hội trong thị trường XK rộng lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị phần cho DN trong nước. Theo thống kê từ Bộ Công thương, hiện hàng hoá XK Việt Nam đã hiện diện ở 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó đặc biệt có 50 thị trường XK tiềm năng và chủ lực. Tuy nhiên, cùng với những lợi thế mà FTA mang lại, DN trong nước phải đối mặt với hàng rào phi thuế quan ngày càng khắt khe do các nước NK dựng lên, mà đáng lo ngại nhất là rào cản kỹ thuật về môi trường.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn TP Hồ Chí Minh khẳng định: Xanh hoá đã trở thành “luật chơi” mới trên thị trường trong nước và quốc tế, DN bắt buộc phải chuyển đổi xanh nếu muốn tồn tại, phát triển và hoà nhập với thị trường toàn cầu. Điều này không ngoài mục tiêu giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Hiện các thị trường NK quan trọng đã triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có “dấu chân carbon” lớn, với nền kinh tế định hướng về XK như Việt Nam, việc đi theo con đường này của các DN là tất yếu.

Ths Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết 98 có hiệu lực từ ngày 1/8 đã mở ra một số cơ hội cho TP Hồ Chí Minh, bao gồm quy chế mới trong quản lý ngân sách nhà nước và thí điểm thị trường carbon. Do vậy, TP Hồ Chí Minh cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường, kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà – Chủ tịch HUBA cho biết, Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh với chủ đề “Tăng trưởng xanh, hành trình tiến tới giảm phát thải ròng bằng không” diễn ra từ ngày 13/9 đến 16/9, HUBA được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Bộ tiêu chí và xét chọn các DN xanh của TP Hồ Chí Minh. Sau khi xét duyệt, đã có 90 DN đạt tiêu chí “DN xanh TP Hồ Chí Minh 2023” và được tôn vinh vào tối 13/9. Đây là những DN đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chí xanh trong sản xuất kinh doanh, tuân thủ các qui định về môi trường, góp phần cùng thành phố xây dựng môi trường sống và làm việc trong lành, thân thiện với môi trường góp phần ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

“Việc tổ chức xét chọn và trao danh hiệu chính là "Tấm hộ chiếu xanh" giúp DN vượt qua các “rào cản”, vươn mình mở rộng thị phần XK tại các thị trường trên thế giới, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho thị trường nội địa. Thêm vào đó, chuyển đổi xanh sẽ là cơ hội để DN “đi tắt, đón đầu”, vượt qua thách thức và bắt kịp được đà phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão trên toàn cầu”, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nói.

Thúy Hà
.
.