Thị trường hàng hoá sôi động dịp cuối năm

Thứ Ba, 06/12/2022, 16:26

Thị trường hàng hóa tháng 11 khá sôi động để chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023. Tại nhiều địa phương, ngành Công Thương đang phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tìm kiếm nguồn hàng mới, đặc sản tiềm năng để phục vụ nhu cầu người dân.

Theo Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện nay, nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm… và sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm nhiều dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cơ bản dồi dào, giá các mặt hàng không có biến động lớn.

Thị trường hàng hoá sôi động dịp cuối năm -0
Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cơ bản dồi dào, giá các mặt hàng không có biến động lớn.

Trong 11 tháng năm 2022, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn. Lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi. Riêng mặt hàng xăng dầu, để bình ổn thị trường, hạn chế tác động khi giá xăng dầu biến động tăng giảm với biên độ lớn, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm nguồn cung cũng như phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 514,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%) và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch COVID-19). 

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, từng bước thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao. Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm.

Để đảm bảo hàng hóa cung ứng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết. Đồng thời, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều hành phù hợp; chú trọng tuyên truyền về tình hình cung cầu, giá cả để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” vào sâu trong nội địa trong thời gian cận Tết, Tổng cục QLTT  đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trong đó giao nhiệm vụ cho lực lượng QLTT các địa phương đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm nhập lậu vào nước ta. 

Trân Trân
.
.