Trái phiếu doanh nghiệp đã qua cơn bĩ cực?

Thứ Tư, 06/12/2023, 08:39

Phát hành khởi sắc, thỏa thuận gia hạn hiệu quả hơn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã sôi động trở lại sau một thời gian dài ảm đạm với nhiều tai tiếng. Các chuyên gia cho rằng, thị trường TPDN sẽ rộn ràng hơn trong năm 2024.

Niềm tin trở lại

Chia sẻ tại tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường TPDN hiệu quả, an toàn, bền vững" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều 4/12, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08, trong đó có chính sách hoãn thực hiện số quy định của Nghị định 65 cũng như chính sách cho phép DN và nhà đầu tư có thể có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, DN đã quay lại phát hành được trái phiếu.

Quý I hầu như không có đợt phát hành nào nào, từ quý II trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, có 77 DN phát hành khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng. Đặc biệt, căn cứ các quy định của Nghị định 08, DN và nhà đầu tư trái chủ đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn.

“Chúng tôi theo dõi, có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 DN thì đến nay đã có phương án đàm phán, tỉ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023. Ngoài ra, những DN bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn”, ông Dương thông tin.

Trái phiếu doanh nghiệp đã qua cơn bĩ cực? -0
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã khởi sắc trở lại.

Nhận định niềm tin đã quay lại thị trường, ông Nguyễn Anh Phong, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, khi hệ thống giao dịch tập trung TPDN riêng lẻ đi vào hoạt động, thị trường đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận với khoảng 2/3 các DN cũng như trái phiếu trên thị trường đã được đăng ký trên hệ thống giao dịch tập trung này. Hiện nay, quy mô giao dịch trung bình một phiên trên 3.000 tỷ.

“Qua quan sát của chúng tôi, rất mừng là hệ thống kể từ ngày đi vào hoạt động đến giờ rất suôn sẻ, qua đó tạo được niềm tin cho nhà đầu tư. Và chúng tôi cũng thấy kể từ tháng 7 trở lại đây, cùng với tác động của Nghị định số 08, thì việc đưa hệ thống tra cứu riêng lẻ này vào hoạt động, các hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp đã quay trở lại tích cực hơn. Thống kê của chúng tôi trong 5 tháng, tính từ tháng 7 đến nay thì số lượng khoảng hơn 180 nghìn tỷ, tức là gấp 5 lần so với 6 tháng đầu năm. Điều này cũng thể hiện chính sách đã đi vào cuộc sống và thị trường có niềm tin trở lại”, ông Phong thông tin.

Cũng cho rằng thị trường TPDN đã “hạ cánh mềm”, bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI chia sẻ, từ cuối năm 2022, toàn bộ các thành viên thị trường có chung một mối quan ngại là liệu rằng đến năm 2023 điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

“Đến thời điểm này, tôi cũng như tất cả các anh ở đây, chúng ta đều có thể nói rằng đã có "hạ cánh mềm" cho sự việc này. Trước tiên, Bộ Tài chính đã quyết liệt đưa ra Nghị định 08 để có cơ sở pháp lý giúp các bên cùng đàm phán và gia hạn. Thứ hai là việc đưa vào vận hành thị trường trái phiếu riêng lẻ thứ cấp trong một thời gian thật sự nhanh chưa từng có tiền lệ cũng giúp hỗ trợ rất lớn cho việc xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư và thị trường. Tôi nghĩ rằng, thời điểm sắp kết thúc năm 2023 cũng là thời điểm tất cả chúng ta đều thấy rằng một năm rất khó khăn đã đi qua và thực sự đây là cơ hội, tiền đề để sang năm 2024 sẽ có những tăng trưởng vượt bậc trong thị trường này”, bà Anh phân tích.

Kinh nghiệm cho cả chính sách và người tham gia mua trái phiếu

Tuy nhiên, dù lạc quan, song các chuyên gia đều cho rằng những sự việc vừa qua là bài học để chúng ta rút kinh nghiệm khi vận hành thị trường TPDN. Nhìn từ góc độ người tham mưu và làm chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các trường hợp vi phạm pháp luật trong phát hành trái phiếu thời gian qua là điều rất đáng tiếc, có ảnh hưởng, thậm chí có những giai đoạn ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin thị trường, đến việc phát hành, thanh khoản. Nhưng nhìn ở chiều tích cực, chính một số trường hợp vi phạm như vừa qua, cộng với một số hạn chế, tạm gọi là những đặc điểm riêng, cho chúng ta rất nhiều bài học quý giá, cả cho người làm chính sách và cả người đầu tư mua trái phiếu.

Đối với người làm chính sách, thứ nhất, về vi phạm pháp luật, đầu tiên chúng ta phải hiểu nguyên nhân trước hết là do thực thi pháp luật. Nếu do khâu thực thi thì chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào cải thiện việc thực thi, giám sát chính sách, chứ không phải sửa đổi chính sách. Thứ hai, từ những sự kiện vừa qua, nhu cầu hoàn thiện pháp luật có thể có, ví dụ như có thể chúng ta cần rõ ràng hơn về quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư, của người phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu bị vi phạm. Như vậy, nhà đầu tư biết khi xảy ra trường hợp này, họ có quyền và lợi ích gì, và khi không thanh khoản được trái phiếu do rủi ro của thị trường thì quyền và lợi ích của nhà đầu tư như thế nào. Nhờ đó, nhà đầu tư có thêm kênh để quyết định”, ông Hiếu nói. Ngoài ra, theo ông Hiếu, bản thân nhà đầu tư cần tự rút ra bài học, thậm chí phải ra quyết định đầu tư nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn của mình.

Góp ý về kỹ thuật, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần rút kinh nghiệm về 2 bài học. Thứ nhất, với Nghị định 08, đây là quyết sách chưa từng có trong tiền lệ, cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi tiền hàng, tức là cho phép hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm là bất động sản (BĐS) hoặc thứ khác, cái này chưa từng có. Đây là tháo gỡ rất quan trọng cho thị trường BĐS. Thứ 2 là tính liên thông giữa thị trường tài chính và BĐS, tức là song song với Nghị định 08 phải tháo gỡ cả kênh tín dụng, cả kênh thị trường BĐS. Với hai thị trường này Thủ tướng đã ban hành nhiều công điện, nhiều chỉ thị, nhiều quyết sách trong thời gian vừa qua. Như vậy, trong thời gian tới, cần phải đảm bảo tính đồng bộ giữa tài chính và BĐS…                           

Hà An
.
.