Vẫn cam go cuộc chiến chống buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam: Giải quyết vấn đề từ gốc

Thứ Năm, 22/09/2022, 06:48

Dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống. Nhiều người đi làm ở các địa phương khác thất nghiệp quay trở về bị các đối tượng lợi dụng lôi kéo, mua chuộc tham gia vào hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Để giải quyết cái gốc của vấn đề, việc xây dựng thế trận lòng dân ở vùng biên giới Tây Nam cần được quan tâm, triển khai thực hiện thật sự có hiệu quả.

Cùng với đó, với phương châm "đánh mạnh, đánh trúng" vào các đường dây, đối tượng cầm đầu buôn lậu nhằm "xử lý một vụ có tác dụng răn đen, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực"…

"Đánh mạnh, đánh trúng", tạo tính răn đe

Thượng tá Nguyễn Đăng Khoa, Phó phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, việc thực hiện các Kế hoạch liên ngành giữa Công an tỉnh với Bộ đội Biên phòng - Quân sự tỉnh - Cục Hải quan tỉnh - Cục Quản lý thị trường - Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh An Giang đã đạt hiệu quả cao.

Công an tỉnh An Giang đã chủ động xác lập các chuyên án "đánh trúng, đánh đúng", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" đối với các đường dây, các đối tượng buôn lậu. Điển hình như chuyên án đấu tranh, bóc gỡ đường dây buôn lậu do Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) cầm đầu.

Vẫn cam go cuộc chiến chống buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam: Giải quyết vấn đề từ gốc -0
Công an tỉnh An Giang phát hiện, thu giữ hàng lậu.

Liên quan vụ án này, Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã chỉ đạo mở rộng điều tra với quyết tâm làm trong sạch lực lượng, xử lý cán bộ vi phạm, tiếp tay cho tội phạm buôn lậu. Qua đó đã phát hiện và khởi tố Nguyễn Văn Võ (SN 1968, cư trú: Ấp Bình Phú, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), nguyên cán bộ Công an tỉnh An Giang đã tham gia trực tiếp vào các giao dịch ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp nhiều tỷ đồng do Mười Tường phạm tội mà có. Hay chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu vàng và kinh doanh trái phép ngoại tệ, trốn thuế xảy ra tại tiệm vàng Phước Nguyên (TP Long Xuyên) do đối tượng Nguyễn Thanh Bình cầm đầu thực hiện.

Ngoài ra, vào tháng 3/2021, Công an tỉnh An Giang cũng đã điều tra, bắt giữ Trần Trí Mãnh về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" với hành vi sản xuất, buôn bán phụ tùng xe gắn máy và nhớt xe giả các loại với số lượng lớn. "Có thể thấy, thời gian qua, các đối tượng đầu nậu buôn lậu trên địa bàn co cụm hoặc ngưng hoạt động, không dám mua bán, tàng trữ và vận chuyển hàng với số lượng lớn, chủ yếu diễn ra nhỏ lẻ", lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang thông tin.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Trung, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an TP Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết, đơn vị đã phối hợp với Công an huyện Hồng Ngự và Đồn biên phòng Thường Phước, Cầu Muống và Bình Thạnh mở đợt cao điểm đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố và huyện Hồng Ngự. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Công an TP Hồng Ngự đã bắt giữ 160 vụ, 23 đối tượng, thu giữ trên 42.000 gói thuốc lá nhập lậu các loại, 15 tấn đường cát, 13 xe máy các loại. Với quyết tâm không để hình thành các điểm tập kết hàng hóa với số lượng lớn và hình thành điểm nóng trên địa bàn, Công an TP Hồng Ngự đã phân công lực lượng quản lý địa bàn, nắm chắc diễn biến hoạt động của các đối tượng, đồng thời phối hợp tốt với các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn để tuần tra kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi mua bán vận chuyển hàng cấm trên địa bàn.

Không để người dân vùng biên thành "lá chắn" cho tội phạm buôn lậu

Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang, cho biết: "Cái khó trong công tác phòng chống các loại tội phạm trên tuyến biên giới là An Giang có người dân đi lao động xa về quê tránh dịch bệnh nhiều, khi về quê không có việc làm ổn định, cộng thêm sau đại dịch cuộc sống người dân khó khăn hơn nên dễ bị các đối tượng đầu nậu dụ dỗ tham gia đai vác hàng hoá qua lại biên giới, hay canh gác lực lượng để báo tin ngày càng nhiều. Việc tuyên truyền, vận động người dân chưa đạt hiệu quả cao".

Người dân vùng biên bị các đối tượng đầu nậu buôn lậu lợi dụng triệt để, thậm chí làm "lá chắn", nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật thay cho những đối tượng chủ mưu. Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang xác định: "CBCS phải xuống gần dân, sát dân, làm cho dân tin, nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xử lý nguồn tin báo tố giác tội phạm, để mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống tội phạm buôn lậu. Đối với các xã vùng biên giới, CBCS Công an chính quy được bố trí về cơ sở phải có năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt quyết, biết "lấy dân làm gốc".     

Công an huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, qua đó nâng cao ý thức phòng ngừa, tố giác tội phạm của người dân trên tuyến biên giới. nguồn tin tố giác của người dân, Công an huyện đã phối hợp, bắt giữ vụ vận chuyển 45,342kg ma túy từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh; phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tuần tra kiểm soát, phát hiện thu giữ 14,994kg trên tuyến biên giới.

Công an huyện Tân Hồng cũng đã củng cố, duy trì có hiệu quả các mô hình như: Mô hình: "Tổ tự quản đường biên, mốc, quốc giới và ANTT khu vực biên giới", mô hình "Vùng biên phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phòng chống dịch bệnh COVID 19"; mô hình: "Tiếng loa an ninh, trật tự vùng biên". Lực lượng Công an đã tranh thủ, phát huy vai trò người có uy tín tại địa phương, tuyên truyền, vận động các các hộ dân sát biên tham gia tố giác tội phạm. Phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện đối tượng vi phạm pháp luật đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.

Thượng tá Lê Tấn Tài, Phó Trưởng Công an huyện Tân Hồng cho biết: "Trên địa bàn huyện có 24 mô hình đảm bảo ANTT đã và đang hoạt động hiệu quả, trong đó nổi bật mô hình vùng biên phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, mô hình tổ tự quản đường biên mốc quốc giới và ANTT khu vực biên giới." Song song với đó là công tác tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương tạo công ăn việc làm cho người dân nghèo tuyến biên giới, để họ không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật…

Trần Lĩnh - Văn Vĩnh
.
.