Xuất khẩu gạo tăng nhưng doanh nghiệp thiếu hụt vốn

Thứ Sáu, 28/04/2023, 08:35

Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu (XK) gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, thị trường Philippines tiếp tục duy trì vị thế nhập khẩu (NK) gạo truyền thống và hàng đầu của Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm, Philippines đã NK từ Việt Nam 893 ngàn tấn gạo các loại (tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2022). Thị trường NK lớn thứ hai là Trung Quốc khoảng 340 ngàn tấn (tăng hơn 91% so với năm trước). Tiếp đó là Indonesia với 149 ngàn tấn, chủ yếu là những hợp đồng đã ký từ năm 2022 chuyển sang. Ngoài ra, gạo Việt Nam XK sang Malaysia 77 ngàn tấn, giảm 11,83% và Ghana 59 ngàn tấn, giảm 44,97% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu gạo tăng nhưng doanh nghiệp thiếu hụt vốn -0
Xuất khẩu gạo tăng tại các thị trường xuất khẩu chính.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình XK gạo quý I/2023 và phương hướng điều hành XK gạo trong thời gian tới do Bộ Công Thương vừa tổ chức, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, thị trường XK gạo trong quý I/2023 ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống lẫn thị trường tiềm năng. Chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính, cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Tuy nhiên, để XK gạo đạt kết quả tốt trong thời gian tới, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cần phải giải quyết những khó khăn mà các DN cũng như người nông dân hiện đang gặp phải. Khó khăn lớn nhất là vốn tín dụng. Toàn bộ vốn DN thu mua lúa gạo của nông dân là vốn vay, đặc biệt sản xuất lúa gạo thì theo tính mùa vụ. Khi đến mùa vụ thu hoạch DN cần số tiền lớn để mua dự trữ XK, nhưng thời gian qua các DN kinh doanh gạo đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng; Bên cạnh đó, theo quy định đối với DN kinh doanh gạo phải đảm bảo dự trữ lưu thông 5% số lượng gạo XK 6 tháng trước đó. Với những DN XK lớn thì mức 5% này rất là lớn, điều này gây áp lực khá lớn lên các DN XK gạo. Mặc dù đây là mặt hàng có thành tựu lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng cung - cầu trong sản xuất thiếu ổn định.

Việc liên kết giữa nông dân và DN thu mua còn nhiều khó khăn, do tập quán mua bán của nông dân và DN vẫn còn nhiều khác biệt. Trong khi chi phí để DN tổ chức liên kết và vận hành bộ máy thu mua quá tốn kém. Chính vì vậy, về cơ chế chính sách cần ghi nhận vai trò của bên trung gian là hàng xáo trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA kiến nghị: Đối với vấn đề tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, chính sách đặc thù hỗ trợ về vốn cho các DN kinh doanh XK gạo nhằm tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn lực tài chính để thu mua tạm trữ, góp phần ổn định giá lúa đầu ra cho bà con nông dân trong thời gian thu hoạch chính vụ, đồng thời góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh cho cộng đồng DN; Đối với các vấn đề hạ tầng, logistics, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào khai thác cảng Cái Cui tại TP Cần Thơ. Đồng thời mở rộng mạng lưới logistics nhằm tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh lúa gạo có thể XK trực tiếp gạo từ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

T.Hà – T.Giang
.
.