Vụ Công ty Cường Hưng bị Tòa tuyên phải trả hơn 421 tỷ đồng:

Sớm đưa quỹ đất dự án vào khai thác để tránh lãng phí

Chủ Nhật, 14/06/2020, 11:16
TAND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã tuyên buộc Công ty TNHH Cường Hưng phải trả nợ cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) số tiền hơn 421 tỷ đồng.

Sau nhiều năm tranh chấp, ngày 9-6 vừa qua, TAND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa dân sự, xét xử sơ thẩm và tuyên buộc Công ty TNHH Cường Hưng do ông Đỗ Tịnh, chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai làm đại diện pháp luật phải trả nợ cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) số tiền hơn 421 tỷ đồng. 

Trong đó có hơn 261 tỷ là tiền nợ gốc và hơn 159 tỷ đồng là tiền lãi phát sinh trong nhiều năm qua. Vụ việc tranh chấp này cũng cho thấy hơn 91ha đất được giao cho doanh nghiệp (DN) không có thực lực để đầu tư làm khu dân cư đã hầu như bị bỏ hoang cả chục năm qua.

Trước đó, từ những sai phạm kéo dài xảy ra tại dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ ở xã Phước Tân, TP Biên Hòa do Công ty TNHH Cường Hưng làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và có kết luận về những sai phạm tại dự án này. 

Theo Thanh tra Chính phủ, ngay từ năm 2012, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư trên cùng với việc thực hiện dự án tuyến đường Long Hưng - Phước Tân. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Song Khuê (nay là Công ty TNHH Cường Hưng) với số vốn pháp định 225 tỉ đồng, do 3 cổ đông sáng lập, trong đó ông Đỗ Tịnh nắm giữ 40% cổ phần; bà Nguyễn Thị Diễm Kiều và bà Lữ Thị Thanh Xuân mỗi người nắm 30% cổ phần. Trong quá trình quản lý điều hành DN để triển khai dự án, giữa các thành viên góp vốn xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài. 

Mặt khác, do DN không có thực lực phải đi huy động vốn của Donacoop khiến dự án đến nay mới chỉ mới triển khai đến công đoạn san lấp mặt bằng và mới chỉ đầu tư được phần thô tuyến đường trục chính vào dự án.

Sau nhiều năm, dự án khu dân cư do Công ty Cường Hưng làm chủ đầu tư vẫn ngổn ngang.

Dù đây là dự án khu dân cư lớn, nằm cạnh Quốc lộ 51, tiếp giáp với Khu kinh tế mở Long Hưng, sân golf Long Thành… nhưng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai và các sở, ngành liên quan có biểu hiện buông lỏng quản lý. 

Điều này dẫn đến các tồn tại, sai phạm từ quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, việc chấp hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng, thẩm tra năng lực tài chính, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 

Việc thực hiện dự án của Công ty Cường Hưng cũng có nhiều sai phạm tồn tại trong chấp hành quy định về đầu tư xây dựng, chế độ kế toán và quản trị doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ xác định, để xảy ra những sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước về triển khai dự án này, trách nhiệm thuộc về các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trong việc tham mưu nhưng trước hết và trực tiếp là trách nhiệm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và là người ký các văn bản hành chính của UBND tỉnh. 

Cụ thể, bà Thanh đã ký nhiều quyết định của UBND tỉnh thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của… chồng (như văn bản chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án Khu dân cư thương mại ở xã Phước Tân; cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng…) trong khi những lĩnh vực này đều không thuộc thẩm quyền được UBND tỉnh phân công cho bà Thanh phụ trách. 

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc bà Thanh ký quyết định cho phép đầu tư dự án chưa đúng quy định pháp luật; ký văn bản báo cáo xin ý kiến Bộ Xây dựng chưa đúng sự thật, chưa đúng với tiến độ thực hiện dự án, ký văn bản cho phép Công ty Cường Hưng được tính chi phí xây lắp tuyến đường vào chi phí hợp lý của dự án Khu dân cư chưa đúng với chủ trương chung của tỉnh Đồng Nai.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Công ty Cường Hưng tạo dựng hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không đúng quy định pháp luật; không thực hiện việc thuê kiểm toán độc lập, hệ thống sổ sách kế toán không thực hiện theo quy định của Nhà nước; hoạt động không theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty; tổ chức hoạt động xây dựng khi chưa có giấy phép, chưa được phê duyệt thiết kế cơ sở tại dự án là trái quy định pháp luật. 

Trong đó, nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp vốn giữa các thành viên kéo dài là do không rõ ràng, minh bạch về sổ sách, kế toán, chứng từ đã khiến hoạt động của công ty bị ngưng trệ, làm chậm tiến độ dự án.

Từ các sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đối với những sai phạm, khuyết điểm tại dự án này. 

UBND tỉnh Đồng Nai cũng phải tạm dừng các hoạt động về đầu tư xây dựng cơ bản san lấp mặt bằng tại dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ của Công ty Cường Hưng cho đến khi hoàn tất cả thủ tục pháp lý của dự án và của doanh nghiệp. Từ đó đến nay, dự án bất động sản này vẫn “bất động”. 

Một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai cho biết dự án đã kéo dài nhiều năm và đã có nhiều đơn thư khiếu nại của người dân gửi tới các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai cũng như một số bộ, ngành Trung ương. 

Sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát lại thủ tục pháp lý đối với dự án. Kết quả kiểm tra rà soát cho thấy, dự án vẫn còn một số tồn tại chưa được giải quyết. 

Dù Sở TN&MT đã phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương tổ chức đối thoại với người dân để tháo gỡ tồn tại vướng mắc về công tác hỗ trợ đền bù, tái định cư, song đến nay, nhiều người dân vẫn chưa đồng thuận do giá đền bù thấp. 

Theo một số người dân trong diện giải tỏa, việc thu hồi hàng chục ha đất của người dân giao cho doanh nghiệp đầu tư thương mại nhưng áp giá đền bù quá rẻ là chưa phù hợp. Hiện Sở TN&MT đang tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai xin ý kiến chỉ đạo về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho dự án.

Sai phạm tại dự án này đã quá rõ. Thực lực của DN làm chủ đầu tư dự án lại càng rõ hơn khi theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Đỗ Tịnh đã lấy pháp nhân Công ty Cường Hưng để vay tiền của Donacoop và bà Xuân chứ không có đủ tiền để đầu tư vào dự án. 

Dự án “đắp chiếu” đã nhiều năm do tranh chấp và thiếu vốn, nay Công ty Cường Hưng phải gánh khoản nợ “khủng” theo phán quyết của tòa án, do đó UBND tỉnh Đồng Nai cần nhanh chóng rà soát, xử lý dứt điểm để sớm đưa quỹ đất của dự án vào khai thác nhằm hạn chế tình trạng lãng phí.

Bảo Sơn
.
.