Đầu tư 60,71 tỷ đồng để quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích thành Cổ Loa

Thứ Năm, 09/08/2018, 17:24

Di tích thành Cổ Loa -  kinh đô của nhà nước Âu Lạc, thời An Dương Vương được xác định có diện tích khoảng 860,4ha và sẽ được đầu tư trên 60,7 tỷ đồng nhằm quản lý, bảo tồn, phát huy trong giai đoạn 2018-2020.



Di tích thành Cổ Loa là kinh đô của nhà nước Âu Lạc, thời An Dương Vương, vào khoảng  thế kỷ III trước Công nguyên và là kinh đô của nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền, thế kỷ X sau Công nguyên. Hiện nay, trong lòng đất, trên mặt đất của khu di tích và vùng phụ cận còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa, lịch sử của thời kỳ tiền – sơ sử… 

Năm 1962, thành Cổ Loa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ. Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, cố gắng bảo tồn nhưng di tích vẫn bị các nhà nghiên cứu cho là đang bị xâm hại, có nhiều bất cập trong công tác quản lý, hoạch định bảo tồn, phát huy giá trị. Kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vấn đề này.

Di tích Cổ Loa thành

Kế hoạch nói trên của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội vừa được thành phố thông qua. Theo đó, di tích thành Cổ Loa và các vùng phụ cận sẽ có diện tích khoảng 860,4ha, nằm trên địa bàn các xã: Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ, huyện Đông Anh. Cùng với việc bảo tồn nguyên vẹn tình trạng hiện tại các các công trình, phục hồi một số đoạn tường thành, Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch bảo tồn phù hợp với mỗi loại hình, xác định các nguy cơ làm ảnh hưởng đến giá trị khu di tích và đề xuất các giải pháp triệt để. 

Cũng theo kế hoạch này, Cổ Loa thành sẽ được xây dựng thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, hoạt động bảo vệ di tích phải hài hòa với nhu cầu phát triển về môi trường, du lịch, đảm bảo điều kiện sống của cư dân trong di tích, gắn với quyền lợi và trách nhiệm của người dân địa phương, tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân địa phương thông qua những hoạt động không gây hại cho di tích. Để thu hút khách tham quan, các câu chuyện lịch sử sẽ được kết nối, tái hiện lại dưới nhiều hình thức…

 Dự kiến, kinh phí dành cho các hoạt động này là 60,71 tỷ đồng, trong đó có 60,41 tỷ đồng là ngân sách nhà nước, 300 triệu đồng còn lại là từ nguồn thu phí, lệ phí.


N.H
.
.