Giải pháp nào nâng cao chất lượng phim Việt thời hội nhập?

Thứ Sáu, 29/11/2019, 08:36
Hội nhập với điện ảnh thế giới là khát khao của các nhà làm phim Việt Nam. Nhưng, làm sao để hội nhập lại đang là bài toán khó đối với cả đội ngũ các nhà làm phim lẫn nhà quản lý điện ảnh Việt.


Theo TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, 3 năm trở lại đây, số lượng phim Việt Nam sản xuất và phát hành trên thị trường chiếu rạp có xu hướng tăng, chiếm khoảng 15% tổng số phim được phát hành tại rạp, mang về hơn 23% tổng doanh thu phim chiếu tại rạp (doanh thu phim Việt  hơn 700 tỷ đồng trong tổng số hơn 3.000 tỷ đổng doanh thu phim chiếu rạp).

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phim có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập. Đầu tư nước ngoài tăng lên kéo theo sự gia tăng của cơ hội việc làm cho người lao động, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.

“Cha cõng con” – một trong số phim Việt đạt giải thưởng quốc tế thời gian qua.

Sản xuất phim được tiếp cận với công nghệ làm phim mới tạo nên những tác phẩm điện ảnh vừa có tính nghệ thuật vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đội ngũ sáng tác trẻ, đa dạng trong cách thể hiện giúp điện ảnh Việt Nam có những màu sắc mới, nhiều phim thương mại doanh thu cao, một số phim được đánh giá tốt về tay nghề, kỹ thuật, kỹ xảo.

Những tác phẩm điện ảnh của thế hệ sáng tác mới đã có những thành công được ghi nhận tại các liên hoan phim quốc tế. Những bộ phim Việt được đánh giá cao và đón nhận được nhiều tình cảm của khán giả nước ngoài đều có nội dung nhân văn, nghệ thuật thể hiện sáng tạo, chạm tới cảm xúc của người xem.

Hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được thể hiện với tinh thần tự hào, yêu thương đối với quê hương, tạo nên một bức tranh về lịch sử xã hội Việt Nam từ quá khứ tới hiện tại, vừa phát huy được tính đa dạng văn hóa vừa bảo vệ, gìn giữ những đặc trưng văn hóa riêng của dân tộc, quốc gia. Nhưng, để điện ảnh Việt hội nhập được với điện ảnh thế giới lại là câu chuyện dài.

Nhà báo Việt Văn, một cây bút phê bình điện ảnh lâu năm cũng nhận định: Hội nhập với điện ảnh đương đại thế giới luôn là khát khao của các nhà làm phim Việt hiện nay. Chỉ có điều, các đạo diễn trẻ Việt có xu hướng tìm đường ra biển lớn - tham dự các LHP quốc tế bằng mọi cách. Nhiều phim dẫn dụ ngoại quốc bằng sex, bạo lực và lạ.

Phim  “Vợ Ba” dẫn dụ người xem bằng cảnh cắt tiết gà, bê con mới sinh, húp trứng gà trên bụng cô dâu, cảnh đỡ đẻ… và rất nhiều cảnh “nóng” trên giường, dưới suối phô bày sự nõn nã, thanh xuân của phụ nữ Việt. “Đập cánh giữa không trung” của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp cũng thuộc diện nhiều cảnh nóng nhất phim Việt. 

Phim “Bi, đừng sợ”, “Cha, con và những câu chuyện khác” của Phan Đăng Di cũng khá nhiều cảnh nóng và lạ. Khá nhiều dự án làm phim của các bạn trẻ trong chương trình “Gặp gỡ mùa thu” cũng đều có nhiều cảnh sex, bạo lực… và đồng tính. “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng có lẽ là một trong số ít phim không có sex và bạo lực hay đồng tính mà có giải quốc tế.

Tuy nhiên, số phim Việt Nam đoạt giải ở các LHP quốc tế chỉ loanh quanh ở một số cái tên và cũng chỉ mới chỉ đạt thành công ở một số LHP quốc tế khá và trung bình, chưa phải là những LHP hạng A thế giới. Một thực tế nữa là những đạo diễn trẻ năng động, giỏi công nghệ, nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng điện ảnh đương đại thế giới lại thiên về làm phim theo gu ban giám khảo ngoại quốc, nhiều khi lấn át tiếng nói từ trong nội tâm bản thân.

Một số khác làm phim khá sạch, thiên về truyền thống lại sa vào cách thể hiện cũ kỹ, lạc hậu, thậm chí như phim làm những năm 60. Điện ảnh Việt đang thiếu những phim có tính văn hóa bản địa mạnh mẽ, độc đáo, riêng biệt.

Về vấn đề này, Phó Ban Lý luận - Phê bình Hội Điện ảnh Việt Nam, ông Đoàn Minh Tuấn cho rằng, muốn hội nhập quốc tế một cách nghiêm túc, để công chúng quốc tế tôn trọng người Việt Nam, tôn trọng văn hóa Việt Nam, chỉ một con đường duy nhất: làm phim về vẻ đẹp văn hóa và con người Việt Nam.

Trong thời đại toàn cầu hóa, xu hướng chung là xóa nhòa ranh giới, xóa nhòa bản sắc. Vì vậy, bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia càng cần thiết để khẳng định mình và đóng góp vào bức tranh sinh động và giầu có về văn hóa của các dân tộc.

TS Trần Thị Minh Thu đến từ Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng nhấn mạnh, điện ảnh Việt chỉ có chỗ đứng trong nền điện ảnh thế giới khi nó không chỉ chứa đựng tính quốc tế vốn có của điện ảnh mà còn phải chứa đựng những giá trị cốt lõi thuộc về bản sắc văn hóa để làm nên thương hiệu điện ảnh của quốc gia dân tộc.

Để thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh mang “thương hiệu Việt”, gắn liền với bản sắc văn hóa Việt, không thể không chú trọng đến vai trò của nhà quản lý; sự hoàn thiện, bứt phá của cơ chế, chính sách; và nhận thức của những người làm điện ảnh.

Trong đó, nhà quản lý nghệ thuật điện ảnh có vai trò quyết định sự tồn tại, phát triển của nghệ thuật điện ảnh cách mạng Việt Nam. Hiện nay, các nhà quản lý điện ảnh cơ sở gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong việc thực hiện đường lối văn hóa của Đảng, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới của Đảng trong nghệ thuật điện ảnh ở cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.

Do đó, cần nâng cao năng lực quản lý, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý về điện ảnh cho phù hợp với yêu cầu của sự phát triển. Nhà nước cần nâng cao nhận thức cho văn nghệ sĩ ngành điện ảnh về đường lối lớn của Đảng trong phát triển ngành công nghiệp điện ảnh mang bản sắc văn hóa dân tộc.

Chỉ khi nhận thức đầy đủ và dựa trên nền tảng của văn hóa dân tộc, văn nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam mới có được bản lĩnh tiếp thu tinh hoa văn hóa nghệ thuật thế giới, làm cho những sáng tạo của mình vượt khỏi "ao làng", vươn ra "biển lớn", tham gia xây đắp những giá trị và hệ giá trị thẩm mĩ - nhân văn cho con người Việt Nam trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.

N.Nguyễn
.
.