Giữ mỹ tục dân tộc qua xin chữ đầu xuân

Thứ Sáu, 17/01/2020, 08:36
“Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua...”. Bài thơ “Ông đồ” quen thuộc của Vũ Đình Liên gợi nhớ về tục cho chữ đầu xuân với câu kết ngân vọng, nhưng đầy luyến tiếc khi mỹ tục ấy dần phôi pha. Giờ đây, trong cái Tết của nhịp sống hiện đại hối hả, đáng mừng thay hồn dân tộc đã được lưu truyền, gìn giữ bởi những “anh đồ”, “cô đồ” trẻ trung.


Cùng với Đường mai vàng, Phố ông đồ đã trở thành một đặc sản của thành phố mang tên Bác mỗi dịp Tết đến xuân về. Cứ tầm ngày 20 tháng Chạp, khi Lễ hội Tết Việt khai mạc tại Nhà Văn hóa Thanh niên – quận 1, hàng chục gian hàng của các “ông đồ” mọc lên. Mỗi gian hàng đều trưng bày các bức thư pháp độc đáo, công phu níu chân người dạo phố. Khách du xuân đến tham gia Lễ hội Tết Việt đa phần để tham quan, xin chữ và thưởng thức tài múa bút “phượng múa rồng bay” của các “ông đồ”.

Ca sĩ người Mỹ Kyo York xin chữ ở Phố ông đồ, quận 1, TP Hồ Chí Minh ngày cận Tết Canh Tý 2020. 

Dịp Tết Canh Tý 2020, Phố ông đồ quy tụ khá nhiều “ông đồ”, “bà đồ” thế hệ 9X, 10X. Đặc biệt, số lượng các “bà đồ” tăng vọt với gần chục người. Mỗi người mỗi nghề khác nhau, từ bác sĩ, kỹ sư, lễ tân, thiết kế, giáo viên, sinh viên... nhưng cứ gần giáp Tết, họ gác công việc thường ngày lại để rủ nhau ra phố bày gian hàng. Thư pháp là niềm đam mê của họ, cho họ say trong tinh hoa dân tộc, học được bao lời hay ý đẹp mà cha ông răn dạy.

“Bà đồ” Huỳnh Ngân Đình (26 tuổi) cho biết cô đã có thâm niên 5 năm cho chữ dịp đầu xuân. Là thành viên CLB Thư pháp của thành phố, cô được rèn luyện viết thư pháp theo nhiều trường phái. 

Ngân Đình cho biết: “Mặc áo dài khăn đóng ra Phố ông đồ, tôi có cơ hội để cọ xát nâng cao tay nghề. Đây là nơi để những ông đồ, bà đồ trẻ như chúng tôi tập cách nhìn gương mặt và thần sắc mỗi vị khách mà cho chữ, câu đối hoặc thơ chúc Tết phù hợp với họ. Thư pháp là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo và đậm tính bác học. Viết thư pháp khá khó, mình phải thả hồn và thư thái thì mới viết được con chữ có thần để mang đến may mắn, lộc phúc tốt đẹp cho gia chủ. Có người luyện một tháng là viết được nhưng cũng có người mất đến cả năm”.

Thư pháp ngày nay chủ yếu được viết bằng chữ Latin chứ ít dùng chữ Hán Nôm. Bởi đa phần người xin chữ là khách trẻ. Chỉ những vị khách cao tuổi am hiểu về Hán Nôm thì mới yêu cầu viết chữ xưa. Thậm chí, để đáp ứng tinh thần đương đại, phù hợp với thời hội nhập, một số “ông đồ” trẻ sẵn sàng viết thư pháp tiếng Anh phục vụ khách ngoại quốc không rành tiếng Việt. 

Vốn là sinh viên Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ông đồ trẻ Võ Đức Dự (24 tuổi) tự mày mò kết hợp thư pháp với tranh 3D thú vị, hút mắt. Đó là điểm sáng tạo độc đáo của thế hệ trẻ giúp thư pháp Việt vừa giữ được nét truyền thống, vừa mang hơi hướng hiện đại đầy hấp dẫn, phong phú.

Theo nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Xuân Sơn, nghệ thuật thư pháp của dân tộc đã phát triển hàng ngàn năm. Nét chữ là nết người, mỗi “ông đồ” với khí phách và tính cách khác nhau sẽ cho những con chữ riêng biệt. Tục xin chữ thể hiện sự quý chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt. Ngoài ra nét chữ là lộc đầu xuân, gắm ước vọng trong cả một năm ứng với câu “Minh niên khai bút, bút khai hoa” (Đầu năm thì khai bút, từ nét bút đó sẽ khai hoa). Tuy vậy, đã có một thời gian dài nét đẹp văn hóa này bị mai một.

Vài năm trở lại đây, lực lượng “ông đồ” tại Lễ hội Tết Việt ngày càng trẻ hóa. Để được bày mực tàu giấy đỏ tại Đường mai vàng, các “ông đồ”, “bà đồ” phải trải qua nhiều phần sát hạch của Ban tổ chức Lễ hội Tết Việt. Phải đạt đến một trình độ nào đó, các “ông đồ” mới được phép cho chữ du khách. Dù tuổi đời mới đôi mươi, nhưng họ rất giàu kinh nghiệm. 24 tuổi nhưng “ông đồ” Võ Đức Dự đã bén duyên với thư pháp hồi học cấp 2. Hơn 10 năm khổ công dùi mài, tài nghệ múa bút của anh điêu luyện không thua kém những bậc lão làng.

Tự nhận kiếp trước mình là người Việt Nam, ca sĩ người Mỹ Kyo York rất yêu văn hóa Việt, trong đó có nghệ thuật thư pháp. Nói rất sỏi tiếng Việt nên Kyo khá hào hứng mỗi khi ra Phố ông đồ xin chữ. Năm nào anh cũng ghé Đường mai vàng để ngắm hoa, ngắm tài nghệ điêu luyện của các “ông đồ”. 

“Tôi thấy rất vui khi các thư pháp gia ngày càng trẻ hóa. Điều đó chứng tỏ giới trẻ rất yêu thích văn hóa của cha ông và chủ động giữ gìn. Là người nước ngoài, tôi thấy đây là tập tục đẹp cần được duy trì và phát huy. Bản thân là ca sĩ nên mỗi lần ra Phố ông đồ, tôi thường được tặng chữ “Tài” với lời chúc tài năng của mình sẽ ngày càng phát triển, tỏa sáng hơn nữa để phục vụ khán giả. Đây cũng là chữ mà tôi thích nhất bên cạnh các chữ may mắn khác”, ca sĩ Kyo York tâm sự.

Quỳnh Nga
.
.