“Loạn danh hiệu”: Cần loại bỏ các cuộc thi không cần thiết

Chủ Nhật, 14/07/2019, 09:02
Tình trạng loạn danh hiệu đang tiếp tục khiến dư luận “dậy sóng” với những tai tiếng xung quanh hàng loạt danh hiệu dành cho nhan sắc, trong đó có danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam và cuộc thi “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019”. Vì sao có sự lạm dụng danh hiệu tràn lan và làm gì để khắc chế tình trạng này?


Nhập nhèm “đánh lận con đen”

Sau khi cộng đồng mạng lan truyền hình ảnh tấm thiệp mời chung kết và trao giải cuộc thi “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” vào tối 13-7 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, Hà Nội với tâm điểm hình ảnh là Nữ hoàng văn hóa tâm linh, báo chí truyền thông và cơ quan quản lý nhà nước tích cực vào cuộc điều tra, xử lý, nhiều sự thật khác tiếp tục được phơi bày.

Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Thái Bình khẳng định không hề tồn tại cái gọi là danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh cũng như nhiều danh hiệu Nữ hoàng gắn với nhiều ngành nghề khác.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đến lúc này mới phát hiện sự bất thường của một chương trình biểu diễn mà Sở tiếp nhận giấy phép từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thì chương trình dự kiến diễn ra vào tối ngày 13-7 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô Hà Nội chỉ là “Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu 2019”, không phải là chung kết và trao giải cuộc thi “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” như thông tin trên tấm thiệp mời.

Để làm rõ vấn đề này, Hà Nội đã có công văn đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc rà soát lại việc thẩm định hồ sơ, nội dung chương trình đảm bảo việc cấp Giấy phép tổ chức chương trình đúng các quy định pháp luật; tiến hành tổng duyệt chương trình trước khi biểu diễn, xử lý theo thẩm quyền nếu phát hiện sai phạm; phối hợp thông tin với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trước ngày 13-7.

Ngay cùng ngày, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã có văn bản trả lời khẳng định Vĩnh Phúc chỉ cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang tại chương trình “Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam năm 2019” với 2 tiết mục: “Sống như những đóa hoa” của Tạ Quang Thắng và “Thương hiệu Việt Nam” của Phạm Đăng Lương.

Tấm thiệp mời chung kết và trao giải “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” và danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh – tâm điểm chỉ trích của cộng đồng hiện nay.

Chương trình “Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam năm 2019” và các nội dung khác của chương trình này, Vĩnh Phúc không cấp phép và cũng không có thẩm quyền. Như thế có nghĩa là chương trình “Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam năm 2019” chưa được cấp phép và sự kiện tổ chức chung kết và trao giải “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” như trên thiệp mời đã ghi là nhập nhèm đánh lận con đen.

Nhan sắc đáng giá bao nhiêu?

Không chỉ “Nữ hoàng văn hóa tâm linh”, còn hàng loạt danh hiệu khác của các cuộc thi như: Nữ hoàng thực phẩm, Nữ hoàng ngành thép… Có danh hiệu còn nghi vấn được quy thành tiền với những con số rõ ràng, từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng.

Những lùm xùm quanh các danh hiệu Nữ hoàng, hiện tượng lạm dụng danh hiệu, đặc biệt là danh hiệu phong tặng cho các nhan sắc đã bị dư luận chỉ trích khá nhiều. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã kiến nghị và có động thái “xiết” lại các cuộc thi hoa hậu, người đẹp. Sau một thời gian tạm lắng và các cuộc thi có sự chuyển dịch từ trong nước ra nước ngoài, hàng loạt các danh hiệu khác được gắn mác khu vực và quốc tế,  ngược về Việt Nam. Công chúng chỉ biết cô này, cô kia là hoa hậu, á hậu còn quy mô, chất lượng của các cuộc thi thực tế ra sao thì đều mù mờ.

Thậm chí có những cuộc thi vốn được mặc định là những sân chơi uy tín dành cho nhan sắc như Hoa hậu Trái đất cũng vướng vào tai tiếng khi người đẹp Việt Nam - Phương Khánh đăng quang rồi bị tố mua giải. Người đẹp này cũng tố ngược lại Leading Star – đơn vị đầu tư đưa cô đi thi đòi nhiều tỷ đồng. Người mẫu Mâu Thủy tiếp tục xới lại vụ việc khi chia sẻ rằng cô cũng từng bị đơn vị nắm giữ bản quyền Leading Star mời gọi dự thi Hoa hậu Trái đất với cái giá 5 tỷ.

Mặc dù sau đó, đại diện của Leading Star đã đưa bằng chứng chứng minh lời nói của Mâu Thủy là vô căn cứ nhưng cũng chính những khẳng định về các khoản tiền kèm theo như 25.000USD cho bản quyền, các khoản đầu tư khác cho thí sinh trong quá trình huấn luyện, đào tạo, dự thi ít nhiều cho thấy câu chuyện lợi ích đằng sau các danh hiệu mỹ miều tôn vinh nhan sắc.

Ông bầu Phúc Nguyễn, một trong số các gương mặt lâu năm gắn bó với showbiz Việt còn khẳng định rằng, không chỉ có các danh hiệu mà ngay cả những tai tiếng từ các danh hiệu này cũng mang lại những lợi lộc nhất định cho nhan sắc. Đã có rất nhiều vụ việc, mặc cho công chúng đang chỉ trích gay gắt, các nhân vật chính vẫn bận rộn với các dự án, công việc mới, thậm chí thảnh thơi nghỉ ngơi. 

Làm gì để hạn chế tình trạng loạn danh hiệu?

Trao đổi về vấn nạn loạn danh hiệu, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, đây là một chỉ báo cho thấy trong xã hội tồn tại nhu cầu tìm kiếm danh hiệu, trong đó có cả cách tìm kiếm danh hiệu bằng bất cứ cách nào. Các cá nhân mong muốn mình có tên tuổi, thương hiệu để chứng minh giá trị của mình.

Trong kinh tế thị trường, thương hiệu gắn liền với giá trị hàng hóa, là yếu tố vô cùng quan trọng để tạo ra giá trị cho hàng hóa. Nhưng nhiều khi, chúng ta tiêu thụ hàng hóa dựa vào thương hiệu chứ chưa hẳn do chất lượng thực sự hay trải nghiệm trực tiếp của chúng ta về các hàng hóa này. Thương hiệu cá nhân hiện nay cũng thế. Thói háo danh cũng là một lý do.

Khi những giá trị của xã hội chưa được định hình vững chắc, hiện tượng “thật giả lẫn lộn” tồn tại khắp mọi nơi, khiến cho danh hiệu thật, có tác dụng định hướng đạo đức xã hội và những danh hiệu giả, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức xã hội có thể cùng tồn tại song song, nói cách khác là loạn danh hiệu đã để lại nhưng hệ lụy vô cùng lớn đối với cá nhân và xã hội. Người dân mất lòng tin vào các danh hiệu, trong đó có cả những danh hiệu thực sự có ích cho sự phát triển xã hội, kéo theo nhiều hệ lụy khác về đạo đức, lòng tin…

Để khắc phục tình trạng loạn danh hiệu, nạn háo danh thì cần nhấn mạnh những đức tính tốt đẹp của người Việt, tạo môi trường tích cực để phát triển văn hóa, đánh giá cao nỗ lực thành công bằng năng lực, trí tuệ thực sự, đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc lên án những thói hư tật xấu trong đó có thói háo danh. Để ngăn chặn hiện tượng loạn danh hiệu, cần có những quy định cụ thể hơn cho cuộc thi và cách thức công nhận danh hiệu, loại bỏ bớt các cuộc thi, hội thi không cần thiết.

Đối với thói háo danh, cần có quy định về bằng cấp rõ ràng hơn, theo đó, những ngành nghề gì không cần bằng cấp thì không nên có qui định, kể cả như một hình thức khuyến khích. Cá nhân nên được đánh giá trên thành tích thực tế hơn là chỉ dựa vào bằng cấp, danh hiệu. Cần có những noi gương trong xã hội để thay đổi các thói quen xấu. Những người có ảnh hưởng xã hội nên tiên phong thực hiện.

Truyền thông nên lan tỏa thông điệp từ những tấm gương này, từ đó, làm thay đổi các thói quen xấu trong xã hội. Ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

N.Nguyễn
.
.