Người dân ý thức được sức mạnh du lịch nông thôn vùng sông nước

Chủ Nhật, 22/07/2018, 08:53
Với mong muốn góp phần cùng địa phương tạo ra sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách, những năm gần đây nhiều nông dân ở TP Cần Thơ đã tận dụng diện tích đất canh tác của gia đình để… làm du lịch.


Điều này tạo thêm dấu ấn đặc sắc trên bản đồ du lịch Tây Đô, mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Không chỉ vậy, những người nông dân quanh năm “chân lấm tay bùn” giờ trở thành “Sứ giả văn hóa”, góp phần đưa du lịch địa phương ngày càng phát triển.

Những con đường liên ấp phong quang, sạch đẹp với hàng cau cao vút; những con rạch phủ đầy hoa súng uốn lượn, len lỏi giữa những vườn cây ăn trái xanh mướt… khiến xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) càng đẹp đẽ. 

Ở đây, du khách không chỉ được hòa mình với thiên nhiên, mà còn được trải nghiệm những công việc của nhà nông, như: hái ca cao, chế biến ca cao; tát giòn bắt cá; làm bánh dân gian, trèo cây hái trái; nghe những câu vọng cổ say đắm lòng người, trò chuyện cùng người nông dân trong chính căn nhà của họ… 

Khách du lịch trải nghiệm tát giòn bắt cá ở Cồn Sơn, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ).

Mỹ Khánh có nhiều điểm vườn phục vụ khách du lịch, trong đó có vườn ca cao 1,2 ha của ông Lâm Thế Cương (hay còn gọi là Mười Cương, ấp Mỹ Ái). Ông Cương đã trồng và duy trì vườn ca cao trong 60 năm qua. Trong khu vườn, ông Cương cất những căn nhà nhỏ để khách đến tham quan có thể nghỉ qua đêm. Mỗi năm ông đón hàng ngàn lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế. 

Hiện ông đã hợp tác với 50 hãng lữ hành để đưa khách tới tham quan. Khách đến vườn ca cao của ông Cương sẽ được trải nghiệm làm nông dân. Đặc biệt, là trực tiếp tham gia vào quá trình biến hạt ca cao thành sôcôla, bột ca cao, rượu ca cao... và thưởng thức các sản phẩm do chính mình làm ra. 

Ngoài ra, du khách được thưởng thức các món ăn đồng quê đậm chất Nam Bộ: canh chua, canh tép, cá tai tượng chiên cuốn bánh tráng, chả giò, lẩu mắm, bánh hỏi, bánh xèo gấc… các loại trái cây theo mùa và nghỉ lại tại nhà ông theo hình thức Homestay. 

Ông Mười Cương chia sẻ: “Tôi làm du lịch để giới thiệu đến bạn bè thế giới về cây ca cao ở Việt Nam nói chung và ở Cần Thơ nói riêng. Trung bình, mỗi tháng tôi đón tiếp trên 100 khách nước ngoài đến tham quan. Chúng tôi nhiệt tình, quý khách như người trong nhà nên họ rất thích. Tôi rất mừng là thời gian qua, được sự giúp đỡ của Trung tâm Xúc tiến thương mại du lịch huyện Phong Điền và Sở VH-TT&DL TP.Cần Thơ nên khách du lịch đến ngày càng đông”. 

Không chỉ tiếp khách nước ngoài, gia đình ông Cương còn đón đông đảo du khách trong nước, đồng thời là nơi thực tập của rất nhiều sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Còn tại Cồn Sơn (quận Bình Thủy), một số nông hộ thu nhập thấp nhưng giỏi nấu món ngon đã tham gia CLB “Bếp ngon Phương Nam”. Thành viên câu lạc bộ chủ yếu là nhóm người cao tuổi làm du lịch. Họ đón du khách thích sinh cảnh nông thôn trên một cù lao xanh giữa sông Hậu. Họ làm du lịch trên cơ sở định vị thương hiệu gắn với món sở trường của từng nhà rồi liên kết trong thực đơn để cung cấp món ngon theo yêu cầu của du khách. 

Cụ thể, khách tới một điểm có thể gọi nhiều món ăn. Các thành viên trong câu lạc bộ sẽ làm những món ngon không “đụng hàng” và hoàn thành bữa tiệc theo ý khách với giá rẻ hơn các nhà hàng bên đất liền. Không chỉ có thế, trong khi gia chủ đàn ca vọng cổ cùng với khách thì trẻ em đi theo được cư dân địa phương chỉ cách làm bánh ăn tại chỗ. 

Điển hình như bà Phan Kim Ngân, từ tài khéo tay làm bánh của mình, bà như là “sứ giả” cho ẩm thực Cần Thơ. Bà Ngân còn chinh phục du khách bởi sự duyên dáng, hào sảng của người phụ nữ miệt vườn, tươi cười, thân thiện và mến khách.

Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm phát triển du lịch TP Cần Thơ cho biết, toàn thành phố hiện có khoảng 50 hộ nông dân làm du lịch, tập trung ở quận Cái Răng, quận Bình Thủy và huyện Phong Điền. Loại hình du lịch nông dân thu hút khoảng 30% - 40% lượng khách du lịch của Cần Thơ và chiếm từ 20%- 25% doanh thu ngành du lịch thành phố. Đa số những điểm du lịch này khai thác tối đa tài nguyên bản địa, như: vườn sinh thái; nghề truyền thống; ẩm thực dân gian… đáp ứng kịp thời những nhu cầu của du khách, nhất là khách quốc tế. Đồng hành cùng nông dân làm du lịch, thành phố đã hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi phát triển du lịch. 

Theo bà Nguyễn Hoàng Diễm, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ), nếu như năm 2016, năm đầu tiên triển khai, chỉ có 10 tỉ đồng được phát vay, thì con số ấy tăng lên 30 tỉ đồng vào năm 2017 và hiện đã phát vay xong năm 2018 trên 40 tỉ đồng.

Đức Văn
.
.