Phát hiện móng tường, om lạ tại khu vực tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung

Thứ Ba, 11/10/2016, 17:41
Đoàn thám sát đã phát hiện một nền móng được sắp xếp từ các viên đá kích cỡ lớn và một om nghi dùng an táng người chết tại 2 vị trí thăm dò dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở TP Huế.

Ngày 11-10, đoàn thăm dò của Viện khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục đào 1 hố thám sát tại vị trí số 13/120 Điện Biên Phủ, gần chùa Vạn Phước và 1 hố tại chùa Thiền Lâm, TP Huế.

Công tác thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân, khu vực nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhận định là nơi chôn cất lăng mộ vua Quang Trung được tiến hành cẩn trọng.

Tại ví trí hố thám sát nằm trong sân nhà dân tại số 13/120 Điện Biên Phủ, các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện nền móng lạ có diện tích trên 1m2 được sắp xếp bằng những viên đá có kích cỡ lớn ở độ sâu 0,4m. 

Quan sát việc đào hố thăm dò, nhiều người dân địa phương cho biết đây là những viên đá thường được người xưa dùng để xây móng, làm bờ tường.

Các chuyên gia khảo cổ bóc tách từng lớp đất để thực hiện thăm dò.

Trước đó, tại vị trí thăm dò này, đoàn khảo cổ đã tiến hành đào theo hình chữ L dọc theo bức tường bao quanh sân nhà và phát hiện một số viên đá được sắp xếp ngay ngắn nói trên, nên tiến hành mở rộng phạm vi đào thăm dò trong sáng hôm nay. Ngay sau đó, các chuyên gia đã cho lấy sạch lớp đất trên bề mặt và khoanh vùng để nghiên cứu.

Một nền móng có các viên đá lớn xếp thành được phát hiện tại hố thăm dò ở số nhà 13/120 Điện Biên Phủ.

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện khảo cổ học cho biết, đây có thể là nền móng của bức tường thành cổ xưa nên việc thăm dò khảo cổ sẽ được tiến hành cẩn trọng.

Trong khi đó, tại một hố thám sát khác trong vườn chùa Thiền Lâm, đoàn thăm dò khảo cổ đã phát hiện một om nghi dùng để an táng người chết nằm ở độ sâu 1m. 

Hiện trạng chiếc om này đã bị vỡ phần trên nhưng phía dưới vẫn còn nguyên vẹn, đất ở bên trong om có màu đen khác lạ so với đất thường. 

Trước đó, từ ngày 7-10 đến nay, đoàn thăm dò khảo cổ của Viện khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tiến hành thăm dò tại 5 vị trí ở chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước và nhà dân ở phường Trường An, TP Huế. 

Tại các hố thăm dò, các chuyên gia đã phát hiện nhiều mảnh sành, sứ và dấu hiệu nghi có dấu tích của công trình kiến trúc.

Các hiện vật được phát hiện qua công tác thăm dò khảo cổ sẽ được giám định để phục vụ nghiên cứu.

Vị trí thăm dò khảo cổ gò Dương Xuân là nơi mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhận định từng có sự tồn tại phủ Dương Xuân, cung điện Đan Dương và là nơi chôn cất thi hài vua Quang Trung.

Được biết các hiện vật tìm thấy trong quá trình thăm dò khảo cổ sẽ được kiểm tra, giám định để phục vụ công tác nghiên cứu.

 
Anh Khoa
.
.