Tình thầy trò cảm động của nghệ sĩ Việt

Chủ Nhật, 13/11/2016, 09:20
Nhắc đến làng giải trí Việt, không ít người chỉ nghĩ ngay đến những vụ tai tiếng, sự hào nhoáng của thế giới phù hoa, nhưng với những người trong cuộc, kể cả những gương mặt đã, đang nổi tiếng khắp cả nước thì showbiz Việt cũng không ít câu chuyện ấm áp tình người.


Nhiều sao Việt tâm sự, họ thành danh như ngày hôm nay là nhờ sự hỗ trợ kịp thời và rất lớn của những người thầy, người nghệ sĩ thế hệ trước.

Ca sĩ Khánh Linh chia sẻ, người thầy suốt đời cô mang ơn là NSND Quang Thọ. Đây cũng là người thầy duy nhất dạy cô từ trung cấp đến đại học. Khánh Linh còn nhớ rất rõ, năm 17 tuổi, cô tốt nghiệp phổ thông trung học, bước chân vào nhạc viện.

Ca sĩ Khánh Linh chia sẻ rằng, NSND Quang Thọ luôn là người có mặt trong các sự kiện quan trọng của cuộc đời cô.

Đây cũng là thời điểm cha Khánh Linh ốm nặng. Lòng rối bời vì cha đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, Khánh Linh còn tủi thân vì thời điểm ấy các thầy cô đều bận. Đang bơ vơ thì Khánh Linh nhận được sự giúp đỡ của NSND Quang Thọ. Ông là người cùng thế hệ với mẹ Khánh Linh nên cô luôn coi ông như người thân trong gia đình.

Bản thân NSND Quang Thọ cũng đặt rất nhiều kỳ vọng ở Khánh Linh. Trong quá trình học, thầy dành nhiều thử thách khó với học sinh, dạy những chương trình trên cấp học và mong Khánh Linh đi theo con đường giảng dạy của mình. Tuy nhiên cô lại say mê biểu diễn nên không theo nghề của thầy.

Nhớ ơn thầy, hiện tại, Khánh Linh vẫn vừa biểu diễn, vừa tích cực hỗ trợ các bạn trẻ mới vào nghề. Khánh Linh cũng cho biết, mỗi khi nhắc đến NSND Quang Thọ, không chỉ cô mà nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn cũng đều nói về thầy với đầy sự kính trọng và biết ơn.

Trong ký ức của NSƯT Quốc Hưng, hình ảnh người thầy đáng kính và thân thiết nhất là NSND Trần Hiếu. Từng gắn bó với ông trong suốt chặng đường dài từ trung cấp lên đại học, cho đến tận hôm nay, trong hành trang mang theo của anh luôn ăm ắp những kỷ niệm về người thầy đặc biệt này.

Anh nhớ lắm, thời còn là sinh viên, cuộc sống nghèo khó, sinh viên đói, thầy cũng không khá hơn bao nhiêu. Biết hoàn cảnh của Quốc Hưng, dù khó khăn, thầy vẫn dành dụm tiền giúp trò.

Mùa đông, lạnh quá, anh trốn học, thầy lên tận ký túc xá gọi: “Hưng ơi, dậy đi học”. Đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại ngày trốn học ấy và cách gọi trò rất trìu mến trong hoàn cảnh đáng bị phạt ấy, anh vẫn chưa hết xúc động…

Sau này khi trở thành giảng viên thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NSƯT Quốc Hưng tự hào khi giữ lại được những gì thầy truyền dạy và luôn cố gắng học cách ứng xử với trò của NSND Trần Hiếu. Nhiều lúc, chính Quốc Hưng cũng giật mình vì tác phong, giọng hát rất giống thầy khi xưa.

Trong sự nghiệp “trồng người” của mình, NSƯT Quốc Hưng có khá nhiều học trò thành tài như Mạnh Hoạch, Quang Hà, Đỗ Tùng Lâm, Nguyễn Trần Trung Quân. Sau này, thầy và trò còn có nhiều dịp đứng biểu diễn chung trên sân khấu.

Nhớ về kỷ niệm với người thầy - NSƯT Quốc Hưng, ca sĩ Trung Quân kể rằng: "Tôi là một ca sĩ nhạc nhẹ nhưng kiến thức về âm nhạc cổ điển, thính phòng của tôi rất chắc.

Tôi phải cảm ơn thầy trong giai đoạn 8 năm qua luôn động viên tôi học tập tốt về thanh nhạc cổ điển, dù có những lúc tôi đã gần như rất nản và muốn bỏ cuộc với phong cách âm nhạc cổ điển này để “chạy theo” nhạc nhẹ. Những lúc ấy, thầy lại là người kéo tôi vào đúng quy trình chuẩn của đào tạo thanh nhạc.

Tôi thực sự biết ơn và trân trọng công sức và sự tận tuỵ của thầy dành cho tôi. Tôi là một người bướng bỉnh, đôi khi sống bản năng, có những giai đoạn của tuổi mới lớn, tôi đã có những lỗi lầm nhưng thầy vẫn luôn là người bao dung và động viên tôi vượt qua".

Với giọng ca thành Nam – Nhật Thủy thì người thầy đáng  nhớ nhất là NSƯT Thanh Xuân. Nhật Thủy nhớ rất rõ, ngày tốt nghiệp phổ thông trung học, cô lên Hà Nội học thử để thi đại học. Lúc ấy, Nhật Thủy rất gầy, nhìn không có chút phong cách nào của học sinh nghệ thuật.

Nhiều bạn còn xầm xì to nhỏ rằng, không hiểu tại sao một người như tôi lại thi vào Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Các bạn khác đến nhờ cô dạy học đều quà lớn quà nhỏ, trong khi Nhật Thủy ra mắt cô với hai bàn tay trắng. Nhật Thủy không ngờ cô lại chọn mình và hỗ trợ tận tình. Khi vào đại học, cô vẫn tiếp tục là người thầy, người đồng hành cùng Nhật Thủy.

Trong suốt 4 năm học, cho đến tận khi thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam, cô vẫn luôn động viên học trò của mình. Nhật Thủy cũng tâm sự, ngoài giải quán quân Thần tượng âm nhạc Việt Nam, tất cả các giải thưởng lớn nhỏ của Nhật Thủy đều có công lớn từ cô giáo Thanh Xuân. Nếu không có cô Thanh Xuân đã không có Nhật Thủy  của ngày hôm nay.

N.H – H.Đ
.
.