Du lịch Hải Phòng loay hoay tìm hướng phát triển đột phá

Thứ Tư, 24/08/2022, 06:26

Hải Phòng là đầu mối giao thông quan trọng, lại có đến hơn 125km bờ biển và cũng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, cùng tài nguyên thiên nhiên phong phú. Dù được định hướng phát triển bền vững, trở thành một trong những trọng điểm, tuy nhiên trong những năm qua, du lịch Hải Phòng không những không giữ được vị thế mà còn… tụt hạng so với nhiều địa phương khác.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hải Phòng, với 5 loại hình giao thông, bao gồm đường biển, đường sông, đường bộ, đường sắt, và đường hàng không, kết nối đồng bộ, thông suốt, Hải Phòng là một trong số ít địa phương có được sự hội tụ đầy đủ này.

Cùng với đó, Hải Phòng còn có lợi thế rất lớn về du lịch biển đảo. Trong đó, khu du lịch Cát Bà nổi tiếng với việc sở hữu quần thể gồm 367 đảo với kho lưu trữ sinh học tự nhiên vô giá, được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Thiên nhiên ban cũng tặng cho khu du lịch Đồ Sơn địa thế lý tưởng, với dãy núi 9 ngọn kéo thành một bán đảo dài hơn 20km trên miền thềm lục địa, được ví như con rồng hướng ra biển, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình. Hải Phòng tự hào là địa phương có huyện đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ nằm giữa vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh giá trị đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh biển, đảo, Bạch Long Vỹ còn sở hữu hệ sinh vật biển phong phú…

Du lịch Hải Phòng loay hoay tìm hướng phát triển đột phá -0
Bãi biển Đồ Sơn thu hút rất đông khách vào mỗi dịp hè.

Hải Phòng còn sở hữu nguồn khoáng nóng tự nhiên có giá trị tại đảo Cát Bà và huyện Tiên Lãng. Việc khai thác và đưa khoáng nóng vào phục vụ du lịch, đặc biệt là vào các tổ hợp du lịch lớn sẽ tạo ra những sản phẩm chăm sóc sức khỏe rất tốt, làm phong phú và là một phần quan trọng đối với du lịch nghỉ dưỡng...

Vùng đất cửa biển Hải Phòng còn lưu giữ khá nhiều những di sản lịch sử, văn hóa có giá trị, với hơn 470 di tích được xếp hạng, trong đó có các di tích đặc biệt cấp quốc gia là khu danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải) và đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo). Ngoài ra, đặc thù miền biển cũng hình thành cho Hải Phòng một nền văn hóa lễ hội, văn hóa ẩm thực hấp dẫn…

Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhưng Hải Phòng chưa tận dụng, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh. Trong một thời gian dài du lịch Hải Phòng chỉ quen với việc khai thác những gì có sẵn, phần lớn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, mà kết quả đạt được không những không tương xứng mà còn tụt hậu nhiều so với các địa phương khác. Cụ thể như năm 2019, Hải Phòng thu hút khoảng khoảng hơn 9 triệu lượt khách, cao nhất từ trước đến nay, nhưng doanh thu cũng chỉ bằng 27% so với Quảng Ninh. Trong đó, mới đón được khoảng 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong tổng số 18 triệu khách của cả nước.

Loay hoay tìm lại… vị thế

Từ năm 2016, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở định hướng chiến lược của các Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ cũng như các Nghị quyết liên quan khác. Đây là những điểm nhấn về cơ chế, chính sách, nhằm phát động một cuộc cách mạng để phát triển du lịch Hải Phòng.

Trong giai đoạn 3 năm trước khi bùng phát dịch bệnh COVID-19, Hải Phòng đã tập trung rất cao vào phát triển du lịch, từ hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa… gắn với hạ tầng tự nhiên, bước đầu đã đạt được những thành tựu tích cực. Đánh giá về kết quả của du lịch Hải Phòng giai đoạn này, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, thành phố đã thu hút được hàng tỷ USD từ các dự án FDI và hàng trăm nghìn tỷ đồng từ các doanh nghiệp lớn trong nước. Trong đó phải kể đến Tập đoàn VinGroup và SunGroup đầu tư và đảo Vũ Yên và quần đảo Cát Bà. Đến nay Hải Phòng có 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1 tổ hợp nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao hoàn thành và được đưa vào khai thác. Trong năm 2022, Hải Phòng sẽ xúc tiến 2 công trình trọng điểm về trung tâm thương mại…

Tuy nhiên, ngành kinh tế này Hải Phòng vừa được đưa lên bệ phóng, thì cũng như cả nước, bị chìm sâu trong vòng xoáy của đại dịch, gần như bị tê liệt trong hai năm 2020 và 2021. Bước sang năm 2022, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Hải Phòng lại bắt tay vào rà soát, củng cố, xốc lại tinh thần với tham vọng tái khởi động bứt phá cho ngành du lịch.

Song, khách quan mà nói, kết quả đạt được dù ấn tượng nhưng cũng chỉ đặt trong bối cảnh so sánh với những thành tựu trước đó của Hải Phòng. Thực tế còn rất khiêm tốn so với tổng thể du lịch của cả nước. Cụ thể là trong những năm trở lại đây, Hải Phòng không có tên trong bảng xếp hạng đánh giá chỉ số cạnh tranh theo tiêu chí WEF do Tổng cục Du lịch Việt Nam thực hiện. Du lịch Hải Phòng cũng không xuất hiện trong kết quả khảo sát của các tổ chức quốc tế và những trang truyền thông uy tín toàn cầu.

Nguyên nhân có thể chỉ ra du lịch Hải Phòng mới chỉ tập trung khai thác mạnh về tiềm năng biển, chủ yếu ở Đồ Sơn và Cát Bà. Một trong những yếu tố hạn chế hiện chưa có lời giải của du lịch biển là tính mùa vụ, vì đặc thù của các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng nghiêng về mùa hè, nên gần như tiềm năng chỉ được khai thác phân nửa. Chưa kể đi sâu vào chi tiết, như tốc độ phát triển hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, môi trường du lịch chưa được xử lý dứt điểm, nhất là vào dịp cao điểm khách du lịch nội địa. Các dịch vụ bổ trợ, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu mua sắm đẳng cấp quốc tế, khu triển lãm, hội nghị... còn thiếu, chưa tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế.

Bên cạnh những nguyên nhân nội tại, Hải Phòng cũng đang gặp lúng túng khi đề xuất chiến lược khai thác du lịch ở 2 trung tâm chính. Cụ thể là ở Đồ Sơn, phần lớn các vị trí đắc địa hiện đang tồn tại sự chiếm hữu, sử dụng của các cơ quan Trung ương, được hình thành từ thời kinh tế bao cấp đến nay. Nên dù mang danh là chủ, nhưng Hải Phòng đành ngậm ngùi trước sự ì ạch của hệ thống này, không những tạo ra lực cản lớn và cũng không đóng góp được nhiều vào ngân sách địa phương.

Còn đối với Cát Bà, vì là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nên việc khai thác cũng đặt trong sự kiểm soát ngoại biên. Trong đó một trong những khó khăn lớn nhất là phát triển các cơ sở lưu trú cũng như cải thiện hệ thống giao thông du lịch kết nối trên đảo. Có lẽ chính vì vậy nên đến nay, cứ đến mùa du lịch tuyến đường ra Cát Bà lại bị ùn ứ dài đến vài cây số vì phải đợi qua phà Gót - Cái Viềng. Trong khi tuyến cáp treo hiện đại bậc nhất thế giới của Tập đoàn SunGroup còn hoạt động cầm chừng và rất khó khăn khi gặp thời tiết xấu…

Trở lại với mục tiêu phát triển du lịch mà Hải Phòng đang kỳ vọng, theo nhận xét của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang, dù bước đầu đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng việc đầu tư vẫn chưa thoát khỏi tính đơn lẻ, manh mún, chưa tạo ra đột phá. Nói như vậy, nghĩa là Hải Phòng cần tiếp tục có những đợt rà soát sâu hơn, đánh giá đầy đủ tác động, rút ra những bài học cả thành công và chưa thành công để đề xuất những giải pháp mới hiệu quả hơn.

Cùng nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch đã và đang được triển khai tại Hải Phòng, Tập đoàn Geleximco đang đầu tư xây khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng. Dự án hoàn thành sẽ tạo ra sản phẩm du lịch mà Đồ Sơn chưa có, khắc phục được những tồn tại, tính chất mùa vụ, đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ mát, vui chơi giải trí của du khách trong nước và quốc tế…

Bên cạnh đó, Hải Phòng đã thành công khi làm mới sản phẩm du lịch nội đô bằng cách công bố danh sách bản đồ món ăn ngon và địa điểm tham quan, chụp ảnh khu vực nội thành Hải Phòng (Foodtour). Tiếp nối thành công, ngành Du lịch Hải Phòng lại công bố thêm bản đồ "Hải Phòng lòng vòng check in", để thu hút du khách đến tham quan các điểm du lịch trong thành phố.

V. Huy
.
.