Hậu Black Pink: Vé, cấp phép và văn hóa

Thứ Bảy, 05/08/2023, 08:10

Sự kiện Black Pink trình diễn ở Mỹ Đình trong 2 đêm cuối tháng 7 vừa qua đã thổi bùng lên một xu hướng mạng xã hội (trend) trong nhiều ngày. Và khi cơn sốt Đen-Hồng qua đi, có những điều đọng lại mà dứt khoát chúng ta cần phải nghiêm túc mổ xẻ bởi nó chỉ ra những tồn đọng thực sự trên thị trường giải trí Việt hôm nay…

Giấy phép và sở hữu trí tuệ

Chưa có show diễn nào ở Việt Nam mà người hâm mộ lại phải thấp thỏm như Born Pink của Black Pink vừa rồi. Cho tới tận những giờ cuối cùng, khán giả vẫn còn hoang mang không biết liệu show có thể được sáng đèn hay không. Chuyện bắt nguồn từ thông tin bên phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Họ cho biết, cho tới tận ngày 28/7/2023, VCPMC vẫn chưa nhận được tiền tác quyền từ ban tổ chức và nếu không nhận được tiền, rất có thể nhiều ca khúc sẽ không được phép trình diễn.

Hậu Black Pink: Vé, cấp phép và văn hóa -0
Black Pink trong concert tại Hà Nội.

Ban đầu, cư dân mạng "sôi lên" cho là VCPMC làm quá. Thực tế, VCPMC đã làm đúng chứ không làm quá. Là một đơn vị đã ký kết nhiều thoả thuận hợp tác với các cơ quan quản lý bản quyền của các quốc gia, VCPMC luôn phải đảm lãnh trách nhiệm thay mặt đối tác thu tiền bản quyền các sản phẩm âm nhạc quốc tế lưu hành ở thị trường Việt Nam. Và đối tác của VCPMC lần này là Hiệp hội Bản quyền Âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA), một đối tác lớn và chưa bao giờ biết khoan nhượng.

Ngày 21/7, KOMCA gửi thư cho Ban tổ chức (Công ty TNHH Âm nhạc IME) khẳng định rõ VCPMC là đại diện uỷ quyền hợp pháp duy nhất của KOMCA ở Việt Nam quản lý việc thu tiền bản quyền các sản phẩm âm nhạc mà KOMCA quản trị. Trong thư, KOMCA cũng khẳng định luôn nếu IME không trả tiền thì không được trình diễn. IME đã có cuộc gặp gỡ thương thảo với VCPMC và rốt cuộc ngày 1/8/2023, tức là 1 ngày sau đêm diễn cuối cùng, tiền bản quyền cũng chảy về tài khoản của VCPMC.

Nhưng câu chuyện kể trên đã để lại hai dư vị khá… đắng. Thứ nhất, tại sao việc nộp tiền bản quyền chậm trễ như vậy (và còn đứng trước nguy cơ có thể không thu được tiền bản quyền) mà IME vẫn sớm có giấy phép biểu diễn từ Sở Văn hoá- Thể thao Hà Nội? Theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP, ở khoản d, điều 4, chương 1 có quy định rất rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật là "Thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan". Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định này lại đang mỗi nơi mỗi phách. Có địa phương sẵn sàng cấp phép khi đơn vị tổ chức chưa thương thảo tác quyền trong khi có những địa phương thì bắt buộc phải có hợp đồng khai thác bản quyền mới tiến hành cấp phép.

Sở dĩ có sự mỗi nơi mỗi phách này là do năm 2016, Bộ VH-TT&DL có Thông tư 01 hướng dẫn Nghị định 15 về nghệ thuật biểu diễn với 3 lựa chọn để hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gồm: Hợp đồng với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm; Thỏa thuận với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm; và Văn bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thông tư 01 là lỗ hổng để nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn khai thác. Họ cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách dễ dàng để có thể được cấp phép nhưng sau đó, họ quỵt tiền tác quyền và pháp luật thì… chưa tìm đến họ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu như IME không đạt được thoả thuận với VCPMC? Thực tế, để dừng một đêm diễn đã bán vé và được lấp kín các khán đài một sân vận động là cực khó. Các phản ứng của đám đông là khó lường. Cái hậu quả khó lường này không khó để hình dung nhưng chưa ai chịu hình dung. Và vô tình, đơn vị cấp phép đã chuyền một đường bóng quá khó sang chân VCPMC đúng theo kiểu "thả gà ra rồi đuổi". Thiết nghĩ, cần phải có thay đổi bằng văn bản pháp quy nhằm định rõ trách nhiệm "hồ sơ xin cấp phép phải có hợp đồng khai thác tác quyền kèm khoản thanh toán trước (phong toả ở ngân hàng) và khoản thanh toán này sẽ được giải toả để chuyển về đơn vị thụ hưởng sau khi buổi diễn được tiến hành".

Nhưng may mắn thay cho Born Pink là IME đi đến thoả thuận với VCPMC đồng thời việc thanh toán được hoàn thành. Song, chính việc thanh toán đó lại lòi ra một bất cập khác. IME công bố bán được 67.000 vé cho cả hai đêm nhưng họ mặc cả được với VCPMC là chỉ thanh toán phần trăm trên tổng số 40.000 vé cho cả 2 đêm. Đây là một thoả thuận không thể chấp nhận được bởi quyền lợi liên quan đến các tác giả âm nhạc chứ không phải chỉ có 2 bên IME và VCPMC đơn thuần. Ở các nước tiên tiến và có bề dày về bảo vệ sở hữu trí tuệ, việc một trung tâm tương tự như VCPMC hoàn toàn có quyền giảm trừ vài phần trăm cho nhà tổ chức do các lý do khách quan (chi phí phân phối vé, chi phí in ấn vé…) nhưng không có chuyện nhượng bộ về số lượng vé bán ra. Lượng bán ra là bất khả điều chỉnh và sự khai thác tác quyền phải được tính trên từng tấm vé một. Có lẽ, cũng do "ca khó" nên VCPMC đành phải nhượng bộ thay vì làm căng quá thì không thể đòi được tiền chăng?

Cho đến chuyện vé

Chuyện vé của Born Pink cũng là một nan giải khác mà chúng ta nên đề cập tới. Trước buổi diễn đầu tiên vài ngày, ở Mỹ Đình đã xuất hiện các nhân vật bán lại vé với thậm chí cả bảng quảng cáo được bày ra lộ thiên. Còn trước đó rất lâu thì trên mạng xã hội đã nhan nhản các đăng tải. So sánh với các nước trong khu vực, ta sẽ nhận thấy Việt Nam đang bỏ trống một mảng lẽ ra cần quản lý rất chặt.

Từ nhiều năm trước, người Việt Nam đã bắt đầu thói quen đi sang các nước trong khu vực xem các show, concert quốc tế. Và nhiều người Việt đã thấy ngỡ ngàng khi ở các điểm diễn tại Bangkok có các bảng cảnh báo in hình cảnh sát Thái Lan với dòng chữ "Nghiêm cấm bán lại vé dù ở bất kỳ mức giá nào". Và thực tế, tình trạng phe vé ở đó gần như là không có. Còn ở Việt Nam, mỗi khi có các sự kiện lớn như ĐTVN đá ở sân vận động nào, lập tức phe vé xuất hiện ở SVĐ đó bất chấp việc phân phối vé đã được số hoá có vẻ rất khoa học. Rồi phổ biến hơn nữa là vé tàu, vé xe mỗi dịp Tết Nguyên đán. Vấn nạn này dường như chưa được giải quyết rốt ráo vì nó có vẻ quá nhỏ so với nhiều chuyện lớn khác trong xã hội thì phải?

Nhưng nói đến chuyện vé, phải nói đến việc còn lớn hơn nữa. Đó là chuyện đăng ký với bộ phận ấn chỉ của cơ quan thuế. Vé được xem như một dạng hoá đơn và theo luật, các đơn vị phát hành vé đều phải đăng ký ấn chỉ với mức giá và số lượng cụ thể. Từ quá nhiều năm nay, việc in vé là tự tung tự tác. Và ở trong thời kỳ mà các sân khấu ca nhạc mini bùng nổ như hiện nay, bộ phận ấn chỉ đang để thất thoát thuế quá nhiều khi không thể tiếp cận được các đơn vị phát hành vé.

Nếu như khoảng hơn 20 năm trước, muốn xin phép tổ chức một sự kiện có bán vé, đơn vị tổ chức phải có văn bản xác nhận từ ấn chỉ rồi thì mới được cấp phép thì hiện nay gần như không một Sở VH-TT&DL địa phương nào đòi hỏi điều kiện này. Do vậy, việc đăng ký ấn chỉ cần phải được luật hoá trở lại và được tuyên truyền rộng rãi để các đơn vị tổ chức phải có ý thức trong việc khai thác doanh thu bán vé trên thị trường giải trí.

Và cuối cùng là văn hoá

Sự kiện Born Pink lại lần nữa gây tranh cãi về văn hoá thần tượng. Lại có những người mỉa mai giới trẻ về chuyện thần tượng các ngôi sao nước ngoài tới mức cuồng nhiệt quá.

Thực tế, Black Pink đã tạo ra một sức nặng Hàn Quốc thực sự trên thị trường giải trí quốc tế hiện nay. Và kéo theo đó sẽ là những lợi ích cụ thể về kinh tế mà Hàn Quốc đạt được. Chính điều này đặt ra một câu hỏi đối với giới nghệ sĩ, giải trí Việt Nam. Đó là họ đã và đang hoạt động theo phương thức nào để cùng đảm lãnh một trách nhiệm xã hội chung. Đồng ý là việc dùng văn hoá như một vũ khí mở đường cho kinh tế là việc đại sự, đòi hỏi sách lược mang tính quốc gia nhưng những nhà hoạch định sách lược khó có thể nào đưa ra được phương châm hành động đúng đắn khi chính giới nghệ sĩ, giải trí lại đang bị sa lầy trong sự lệ thuộc nước ngoài về tư duy sáng tạo.

Đa số ca sĩ trẻ Việt Nam hiện nay đang hát như bản sao của Hàn Quốc hoặc của Mỹ; phim Việt thì cũng quay theo phong cách hoặc Hàn Quốc, hoặc Hongkong với rất nhiều kịch bản "làm lại" từ sản phẩm nước ngoài. Với những mặt hàng văn hoá như thế, rõ ràng chúng ta khó có thể bước chân ra thị trường bên ngoài và tồn tại như một sản phẩm độc lập chứ đừng nói đến chuyện làm mũi nhọn dẫn đường.

Hà Quang Minh
.
.