Sẽ siết chặt việc thực thi bản quyền trên không gian mạng

Thứ Ba, 03/05/2022, 09:31

Sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trên không gian mạng.

Trao đổi trong tọa đàm “Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng” tại Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mới đây, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong 3 năm gần đây, cứ xảy ra vi phạm liên quan đến bản quyền trên không gian mạng là Cục bị phóng viên các cơ quan báo chí gọi điện hỏi liên tục. Mặc dù vấn đề liên quan đến bản quyền thì phải hỏi Cục Bản quyền, nhưng Cục Bản quyền không có công cụ gây sức ép với các đơn vị vi phạm nên cuối cùng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử vẫn phải “nhập cuộc” để xử lý.

Vi phạm bản quyền tràn lan, Cục Bản quyền xin “trợ giúp” -0
Nhiều phim Việt Nam bị phổ biến trên các website phim lậu.

Thực tế, muốn thực hiện tốt quy định về bản quyền phải có sự phối hợp tích cực từ 2-3 bên và muốn có sự phối hợp như mong muốn thì phải có… đấu tranh. Chưa kể, nhiều trường hợp, đơn vị cần phối hợp cũng bị động vì họ phát triển quá nhanh, không kiểm soát được người sử dụng. Ví dụ ứng dụng Tiktok, năm 2019 mới chỉ có 2 triệu người dùng, nhưng đến nay đã có đến 32 triệu người sử dụng. Khi phát triển quá nhanh, họ không quản lý được. Nhà quản lý, chủ sở hữu bản quyền, người dân phải luôn luôn giám sát và đấu tranh dựa trên căn cứ pháp lý.

Mặt khác, người sử dụng tác phẩm, mạng xã hội cũng cần có ý thức, sự hiểu biết hơn về bản quyền. Nhiều người dân vẫn thích sử dụng sản phẩm miễn phí, chấp nhận bỏ vài nghìn đồng đăng ký xem 1 trận đá bóng quốc tế hoặc xem phim từ các trang web “lậu” mặc dù có thể chất lượng, hình ảnh xấu, không rõ nét. Trong khi đó, chỉ cần bỏ ra 20.000 đồng đến 30.000 đồng mỗi tháng là có thể được xem thoải mái bản có bản quyền. Có trang mạng xã hội cho phép người dùng từ đăng tải video, thông tin lên, khi xảy ra vi phạm, họ đổ hết cho người sử dụng. Sau khi cương quyết đấu tranh, làm rõ, cơ quan quản lý phát hiện nhiều trường hợp là do chính họ đăng lên. Có mạng xã hội có đến 300 user chỉ chuyên đăng nhạc, phim…

Ông Lê Quang Tự Do còn cho biết, vi phạm bản quyền báo chí hiện nay rất phổ biến. Nhiều bài viết, hình ảnh của các báo chính thống bị các đối tượng ở nước ngoài lấy lại, cắt dán, đăng tải trên mạng xã hội, thậm chí làm clip đăng Youtube, lấy thu nhập từ quảng cáo của các nhãn hàng trong nước, có khi còn lồng ghép nội dung xuyên tạc. Các trường hợp này, cơ quan quản lý trong nước đang tích cực phối hợp để đấu tranh và giải pháp công nghệ là ưu tiên được lựa chọn trong phát hiện và xử lý sai phạm.

Đồng quan điểm về việc phải đấu tranh quyết liệt để bảo vệ “tài sản” của mình trên không gian mạng, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cho biết, thực thi tốt bản quyền tạo động lực, nguồn lực cho  chủ thể sáng tạo đầu tư, sản xuất nhiều tác phẩm chất lượng hơn, phục vụ cộng đồng, xã hội.

Hiện nay, Trung tâm đã thu được trên 1.000 tỷ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 100 tỷ, chưa kể phần thuế thu nhập cá nhân của các tác giả. Kết quả này là hành trình dài hành động quyết liệt. Trung tâm đã lập vi bằng tại chỗ gần 1.000 trường hợp. Có trường hợp xử lý tại chỗ. Trường hợp không thỏa thuận được thì xử lý theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cũng cho rằng, trong khi hành lang pháp lý còn có những vấn đề cần điều chỉnh, Luật Sở hữu trí tuệ sau 15 năm ban hành đã có những bất cập, có những điểm chưa rõ ràng, để bảo vệ tốt “tài sản” của chính mình trên không gian mạng, cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức uy tín của quốc tế và áp dụng công nghệ hiện đại để có công cụ kiểm soát tốt hơn.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ông Đoàn Văn Việt cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác chuyển đổi số và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Để tăng cường quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đã hoàn thành việc xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền hồ sơ đề xuất gia nhập 2 Hiệp ước về Internet của WIPO là Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Việt Nam vừa mới trở thành thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17/2/2022 và sẽ là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1/7/2022.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để trình Quốc hội thông qua trong tháng 5/2022.

N.Nguyễn
.
.