Tài liệu lưu trữ quốc gia: Số lượng công bố còn quá ít

Thứ Ba, 23/08/2022, 09:05

Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc. Hiện nay, Lưu trữ lịch sử nhà nước ở Trung ương đang bảo quản hơn 33.000 mét giá tài liệu. Trong đó, khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945 - 1946 được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Thống kê mới nhất từ Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho thấy, tại Lưu trữ lịch sử nhà nước ở trung ương, khối tài liệu Hán - Nôm đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, II và IV. Trong đó, Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.619 tấm. Châu bản triều Nguyễn có 743 tập. Địa bạ triều Nguyễn có 17.000 tập. Nha Kinh lược Bắc Kỳ có 3.525 tập. Nha huyện Thọ Xương có 676 tập.

Tài liệu lưu trữ quốc gia: Số lượng công bố còn quá ít -0
Bảo quản Châu bản triều Nguyễn tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1.

Ngoài ra còn có Sổ bộ và các sưu tập tài liệu Hán – Nôm Nam bộ, một địa phương khác. Khối tài liệu tiếng Pháp (1858 - 1954) đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, II và IV bao gồm tài liệu hành chính của các cơ quan cấp Đông Dương, cấp kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ), cấp tỉnh; khối tài liệu kỹ thuật (xây dựng cơ bản) gồm gần 150 công trình kiến trúc như các dinh thự trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học, công trình thủy lợi, công trình giao thông trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam; hơn 20.000 bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương, bản đồ hành chính các tỉnh.

Bên cạnh đó còn có 1.000 mét giá tài của chính quyền thân Pháp (từ năm 1946 đến năm 1954); 7.150 mét giá tài liệu thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam (1954 - 1975) và gần 12.500 mét giá tài liệu của các cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước ở trung ương và một số địa phương từ tháng 8/1945 đến nay. Khối tài liệu nghe nhìn có khoảng 300.000 tấm ảnh, 362 tài liệu phim điện ảnh, 271 cuộn tài liệu ghi hình và tài liệu ghi âm dài khoảng 10.000 giờ phát. Khối tài liệu xuất xứ cá nhân bao gồm tài liệu của gần 120 cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực như văn hóa nghệ thuật, hoạt động chính trị, nghiên cứu khoa học và các dòng họ nổi tiếng; hơn 70.000 hồ sơ kỷ vật của cán bộ đi B trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Theo Bộ Nội vụ, tài liệu lưu trữ quốc gia là những bằng chứng lịch sử quý giá chứa đựng những thông tin xác thực về nhiều vấn đề, sự kiện thuộc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phản ánh thành tựu sáng tạo của nhân dân qua các thời kỳ, góp phần xác lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Những tài liệu này không chỉ có giá trị phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử mà còn có giá trị đặc biệt trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì lẽ đó, việc công bố tài liệu lưu trữ quốc gia là thực sự cấp bách và có ý nghĩa thiết thực.

Trong những năm qua, ngành Lưu trữ đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ, bảo quản an toàn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia. Hàng nghìn hồ sơ với gần một triệu trang tài liệu, tư liệu và hình ảnh lưu trữ được công bố thông qua hơn 100 ấn phẩm lưu trữ; trên 100 trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ ở trong nước và nước ngoài; 20 phim tài liệu và gần 300 clip, hơn 2.500 bài viết giới thiệu về tài liệu lưu trữ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc công bố tài liệu lưu trữ quốc gia còn nhiều hạn chế, bất cập.

Cụ thể, hoạt động công bố tài liệu lưu trữ còn ngắn hạn, phân tán, thiếu tính định hướng chiến lược, chưa khai thác được nhiều giá trị tiềm năng của tài liệu lưu trữ để đưa ra phục vụ xã hội đồng bộ và kịp thời. Số lượng hồ sơ, tài liệu đưa ra công bố, giới thiệu phục vụ xã hội còn quá ít so với khối lượng tài liệu đang được bảo quản và chủ yếu tập trung công bố, giới thiệu tài liệu tiếng Việt.

Việc công bố, giới thiệu tài liệu Hán - Nôm, tài liệu tiếng Pháp còn khiêm tốn đã làm hạn chế đáng kể tác dụng và hiệu quả tài liệu lưu trữ trong việc phục vụ cho các hoạt động thực tiễn cũng như nghiên cứu lịch sử, xã hội. Chưa huy động sự tham gia, đóng góp đầy đủ của các cơ quan, tổ chức, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học; thiếu sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương, chưa khai thác tối đa thế mạnh của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để ứng dụng trong hoạt động công bố tài liệu lưu trữ.

Về vấn đề này, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Chương trình được triển khai từ năm 2022 đến năm 2030. Theo đó, tài liệu lưu trữ quốc gia được công bố rộng rãi nhằm phát huy hiệu quả giá trị tài liệu góp phần phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng ngành, địa phương, vùng miền. Chương trình đồng thời nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Phương thức công bố tài liệu lưu trữ được tăng cường đổi mới theo hướng sáng tạo, hiện đại, phù hợp xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, tích hợp, chia sẻ các dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ quốc gia, góp phần xóa bỏ rào cản về thời gian, không gian địa lý để công chúng ở trong và ngoài nước có thể tiếp cận với thông tin tài liệu lưu trữ nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.

Ngành Lưu trữ cũng sẽ huy động mọi nguồn lực thực hiện hoạt động công bố tài liệu lưu trữ quốc gia bao gồm ngân sách nhà nước, xã hội hóa, hợp tác công - tư, hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực của từng ngành, cơ quan, tổ chức và địa phương. Bên cạnh đó, những bất cập trong chính sách pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ sẽ được tháo gỡ thông qua Luật Lưu trữ sửa đổi. Hiện tại, Luật Lưu trữ sửa đổi đang được triển khai xây dựng, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào tháng 10/2023...

N.Nguyễn
.
.