Phim truyền hình về đề tài an ninh trật tự

Thành công và hấp dẫn hơn nhờ sự hỗ trợ từ "người trong cuộc"

Thứ Sáu, 04/08/2023, 07:10

Vài năm trở lại đây, nhiều bộ phim truyền hình về đề tài an ninh trật tự được phát sóng, thu hút đông đảo khán giả. Đây là những "trái ngọt" sau nhiều nỗ lực, sự nhập cuộc tích cực của đội ngũ làm phim, từ các tác giả kịch bản, đạo diễn, nhà sản xuất ở trong và ngoài lực lượng CAND cũng như sự hỗ trợ của các đơn vị, Công an nhiều địa phương trên cả nước.

Sau gần 3 tháng kể từ ngày khởi quay, phần đầu tiên của dự án phim truyền hình dài tập "Đội điều tra số 7" đang bước vào giai đoạn hậu kỳ. Đây là bộ phim do Điện ảnh CAND thuộc Cục Truyền thông CAND sản xuất và được kỳ vọng về mức độ hấp dẫn khán giả, đồng thời đáp ứng nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Thành công và hấp dẫn hơn nhờ sự hỗ trợ từ
Nhiều CBCS Công an tham gia phim "Đội điều tra số 7".

Về dự án này, Thiếu tá, biên kịch Vũ Liêm, Phó Giám đốc Điện ảnh CAND - tác giả kịch bản 10 tập phim đầu tiên của "Đội điều tra số 7" tiết lộ, phim sử dụng chất liệu từ những vụ án có thật và có những tình tiết rất đặc biệt trong những vụ án nổi tiếng sẽ được khai thác trong phim. Ví dụ, ê kíp làm phim khai thác nguyên mẫu Trung "Thộn" - đối tượng rất manh động, gây ra nhiều vụ cướp của, giết người, đã bị Công an TP Hà Nội tiêu diệt nhiều năm trước.

Ngoài đời, Trung "thộn" là một kẻ rất mê tín. Các cán bộ chiến sĩ (CBCS) nắm bắt được đặc điểm này cùng quy luật hoạt động của đối tượng nên dù hắn vô cùng liều lĩnh, gian xảo, nguy hiểm nhưng cuối cùng đã sa lưới pháp luật. Vụ án này từng được Điện ảnh CAND khai thác trong các phim chuyên đề, nhưng ở thể loại phóng sự, tài liệu, nên đa phần mô tả hành trình phá án, sự mưu trí của các CBCS. Phim "Đội điều tra số 7" tập trung khai thác yếu tố tâm lý của nhân vật Trung "thộn" khá sâu, chi tiết, đặc biệt là những ám ảnh tâm linh của hắn và lý giải ngọn nguồn của tội ác.

"Đội điều tra số 7" cũng là dự án phim truyền hình nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị, Công an địa phương. Trong phim có nhiều đại cảnh lớn. Ấn tượng nhất với biên kịch Vũ Liêm là trường đoạn giải cứu con tin người Nhật. Mặc dù nhân vật chỉ là một tên tội phạm khống chế người mẹ, cô con gái bằng dao nhưng liên quan đến yếu tố người nước ngoài. Theo đúng quy chuẩn nghiệp vụ, khi có vụ án liên quan đến người nước ngoài, lại có ý kiến của lãnh sự nước đó về việc phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công dân của họ thì lực lượng triển khai phải hết sức đầy đủ, bao gồm nhiều bộ phận chuyên trách đặc thù.

Ở các phim khác mà biên kịch Vũ Liêm từng tham gia, khi có trường hợp tương tự xảy ra, thường chỉ có một tiểu đội Cảnh sát cơ động được huy động. Tuy nhiên ở "Đội điều tra số 7", cảnh quay này có sự tham gia của 13 xe thuộc nhiều lực lượng, trong đó có xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe bọc thép, xe bắn thang…

Đại cảnh thứ 2 là một tên tội phạm rất ngông cuồng, điên loạn, có súng, lựu đạn, mìn, cố thủ trong nhà thường dân. Một cuộc đấu súng diễn ra. Hắn cho nổ tung một nhà nhỏ, nhằm mục đích liều chết với các CBCS.  Đại cảnh này huy động lực lượng Công an khá lớn, đặc biệt là sự tham gia của nhiều CBCS Cảnh sát Cơ động của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Bắc ở Điện Biên. Ở phần 3 có cảnh bắt một tên trùm tội phạm ở trên đảo Đông Phong (địa danh giả tưởng trong phim), liên quan đến giao dịch ma túy. Khi có lệnh tổng tấn công, lực lượng Công an đã chia nhiều mũi truy bắt. Trường đoạn này cũng có sự tham gia của rất nhiều chiến sĩ Công an.

Trước đó, đã có nhiều bộ phim truyền hình dài tập về đề tài an ninh trật tự, về lực lượng CAND thành công. "Bão ngầm" - phim truyền hình ăn khách do hãng phim Phương Sáng sản xuất, kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Thượng tá, nhà văn Đào Trung Hiếu.

Trong quá trình sản xuất, bộ phim đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn cả về nhân lực và vật lực từ lực lượng CAND. Phim "Đấu trí" do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất, với sự phối hợp của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an. Bộ phim lấy cảm hứng từ những sự kiện mang tính thời sự, những đại án tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu sinh phẩm y tế, phơi bày nhiều mưu mô thủ đoạn, những hoạt động ngầm của nhóm tội phạm "cổ cồn trắng", những liên minh lợi ích giữa doanh nghiệp và quan chức.

Đây cũng là một trong những hoạt động văn hóa trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND. Phim "Phố trong làng" - dự án phim truyền hình đầu tiên khai thác chủ trương đưa Công an chính quy về xã, từng để lại nhiều ấn tượng đẹp về người chiến sĩ Công an trong lòng người xem do VFC sản xuất với sự phối hợp của Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an.

Chia sẻ về các dự án phim có sự hỗ trợ từ CBCS CAND, nhiều người làm phim đều cho biết, đó là sự giúp đỡ quý báu. NSƯT Mai Hồng Phong - đạo diễn nhiều phim Cảnh sát hình sự thành công thời gian qua cho biết, ê kíp làm phim của ông từng nhiều lần được "đặc cách" vào quay phim tại số 7 Thiền Quang - trụ sở của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội. Không gian của trụ sở, từ cách bố trí các phòng làm việc, những tủ hồ sơ cũ kỹ, các giấy khen, bằng khen treo trên tường cho đến chiếc cổng vào rất hẹp tạo thành bối cảnh rất đặc biệt, "có 1 không 2" với những người làm phim.

Với các diễn viên, từ diễn viên trẻ như Thanh Sơn, Phạm Tuấn Anh, Duy Khánh, Đức Hiếu, Hà Việt Dũng cho đến NSND Nguyễn Hải, NSND Trung Anh cũng đều cho biết, mỗi lần tham gia đóng phim về lực lượng CAND, họ đều có những ấn tượng đặc biệt và cả những tình huống "dở khóc dở cười".

Là diễn viên lão luyện nhưng khi tham gia phim "Đấu trí", NSND Trung Anh từng chia sẻ vui rằng, ông phải học thoại đến "trẹo cả mồm" vì mấy trang giấy toàn thuật ngữ chuyên ngành với tên vụ án dài dằng dặc. NSND Nguyễn Hải từng phải trở lại Yên Bái khi đã nửa đêm chỉ vì lỡ quên đeo bảng tên trong 1 cảnh quay phim "Bão ngầm" lúc chập tối. Ê kíp làm phim "Đội điều tra số 7" từng mướt mồ hôi ngồi chờ chỉ vì đạo diễn phát hiện bằng khen - đạo cụ làm phim là của hiện tại, trong khi mẫu bằng khen ở trong phim phải là của vài chục năm trước…Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ cũng nhận định, sự hỗ trợ của lực lượng CAND, sự tham gia cố vấn của CBCS Công an không chỉ giúp ê kíp yên tâm về mặt nghiệp vụ, tránh những sai sót đáng tiếc về mặt chuyên môn mà còn chuyển tải hình tượng người chiến sĩ Công an chân thực, thuyết phục người xem hơn.

Hoa Nguyễn
.
.