Để Tây Nguyên phát triển bền vững: Những bất cập cần tháo gỡ (Kỳ 3)

Thứ Bảy, 10/06/2017, 09:05
Nhận thức đúng vị thế của Tây Nguyên trong tổng thể chiến lược phát triển chung của đất nước, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương vẫn còn để xảy ra những sai phạm, nảy sinh một số bất cập, chưa đạt được những kết quả như mong muốn nên cần phải tháo gỡ, khắc phục...


Một số dự án chưa đạt hiệu quả đề ra

Thế mạnh của đất đai và rừng Tây Nguyên được xem là nguồn tài nguyên rất lớn để phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, ổn định cuộc sống nhân dân. Tuy nhiên, những năm qua các tỉnh Tây Nguyên đã quản lý và khai thác chưa thực sự hiệu quả các thế mạnh về đất, rừng, khoáng sản... còn để thất thoát, lãng phí.

Chuyện mất rừng, lãng phí đất đai và gây bất ổn về trật tự xã hội tại một số địa phương ở Tây Nguyên trong những năm vừa qua đã cho thấy còn nhiều bất cập cần giải quyết. Cụ thể, năm 2007, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông được thành lập. Đây là một huyện biên giới được xác định có nhiều tiềm năng về đất đai, đặc biệt là nguồn tài nguyên rừng phong phú. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, rừng ở vùng đất này đã “biến” mất gần hết, để xảy ra nhiều vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai, gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do không giải quyết được tình trạng di dân tự do, cấp dự án đầu tư ồ ạt cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đầu tư vào các dự án trồng rừng, trồng cao su nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Hàng ngàn ha rừng tại huyện Tuy Đức bị tàn phá.

Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, phần lớn các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn đều chưa có kinh nghiệm trồng cao su, trồng rừng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp năng lực tài chính hạn chế và hậu quả là không thể triển khai hoặc mua đi bán lại dự án.

Còn tại địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai đã triển khai hàng chục dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su với mục đích thu hút lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo… Tuy nhiên, việc triển khai dự án một cách ồ ạt, không theo đúng quy hoạch, không đánh giá đúng thực tế tác động môi trường dẫn đến nhiều dự án phá mất rừng nhưng cao su không phát triển, có trường hợp chuyển đổi, mua bán dự án, việc sử dụng người dân tộc thiểu số vào làm công nhân rất ít dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp.

Những dự án gây thất thoát, bất cập lớn ở Tây Nguyên còn phải kể đến việc năm 2002, Tổng Công ty 16 được UBND tỉnh Đắk Lắk bàn giao cho hơn 29.000ha đất tại địa bàn các xã Ia Rvê, Ia Lốp (Ea Súp, Đắk Lắk) để thực hiện dự án khai hoang phát triển cây điều. Đầu năm 2003, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 2.300 hộ dân với gần 10.000 nhân khẩu vào vùng dự án. 

Để giải quyết công ăn việc làm cho các hộ dân này, Tổng Công ty 16 đã khai hoang, đầu tư trồng hơn 16.000ha điều, giao khoán cho dân. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, đến kỳ thu hoạch thì hầu hết diện tích điều này lại không có quả, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, chỉ tính riêng việc triển khai dự án trồng điều của Tổng Công ty 16 tại địa bàn huyện Ea Súp đã gây lãng phí hơn 143 tỷ đồng tiền của Nhà nước, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước về đầu tư...

Bài học trong quá trình đầu tư

Nhiều chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước ưu tiên cho vùng Tây Nguyên đã được triển khai ở các xã nghèo như hệ thống đường, điện, trường, trạm, thủy lợi, các công trình công cộng, phúc lợi xã hội... Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được các địa phương quan tâm thực hiện. Người dân được đào tạo nghề hoàn toàn miễn phí; nhiều nguồn giống cây trồng, vật nuôi được hỗ trợ tới những gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Sau nhiều năm tham gia vào dự án trồng điều, nhiều hộ dân tại huyện Ea Súp đang lâm vào cảnh nợ nần.

Có thể nói, tuy nhiều chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng Tây Nguyên là cần thiết và đúng đắn nhưng trong việc thực thi cụ thể hóa ở các địa phương chưa chặt chẽ và có trường hợp bị lợi dụng để trục lợi cá nhân. Trong khi đó trình độ sản xuất, điều kiện phát triển kinh tế của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, làm theo thói quen, tự phát, thiếu tính tập trung nên bài toán xóa nghèo ở nhiều địa phương hết sức nan giải. 

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho vùng Tây Nguyên đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, triển khai liên tục, rộng khắp và bằng nhiều giải pháp. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, toàn vùng đã xóa gần 181.000 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18,92% xuống còn 7,34%. Hiện toàn vùng có 225.030 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 17,14%), 90.599 hộ cận nghèo (chiếm 6,9%). Trong 5 năm qua, đã đào tạo nghề cho hơn 428.000 người, giải quyết việc làm cho gần 536.000 lao động, trong đó có trên 31% là lao động đồng bào dân tộc thiểu số. 

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay, vùng Tây Nguyên vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn, hạn chế trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Công tác quản lý và sử dụng đất đai một thời gian dài có nhiều bất cập và thiếu sót nhưng khắc phục chưa kiên quyết và kém hiệu quả. Công tác quy hoạch và sử dụng đất rừng, phát triển các nông trường, lâm trường, quy hoạch phát triển thủy điện, phát triển trang trại, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường... còn nhiều sơ hở, hạn chế. Về quy mô, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, của doanh nghiệp nói riêng còn yếu và nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập.

Từ những khó khăn, bất cập trên cho thấy cần phải khảo sát kỹ về đất đai, năng lực tài chính, vấn đề tác động môi trường... trước khi giao dự án đầu tư cho doanh nghiệp. Việc giao dự án đầu tư, thực hiện các chính sách đầu tư kinh tế hạ tầng... phải đảm bảo thực hiện theo quy định pháp luật, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, không để chi phối lợi ích nhóm... Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực hiện dự án, tránh câu chuyện phát triển nông nghiệp chạy theo phong trào dẫn đến chuyện được giá thì trồng, mất giá thì chặt phá...

Minh bạch, công khai dự án đầu tư để nhân dân và các ngành chức năng giám sát trong quá trình thực hiện, cũng như việc giám sát các chính sách phát triển kinh tế-xã hội đối với các tỉnh Tây Nguyên là những vấn đề cần thiết để tránh sai sót, lạm quyền, gây thất thoát lãng phí trong đầu tư...                                    

Theo số liệu thống kê của tỉnh Đắk Nông, chỉ trong vòng 7 năm (2007-2013), toàn huyện Tuy Đức đã có 34 doanh nghiệp thuê gần 24.000ha đất rừng để thực hiện 35 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. 

Theo dự án được phê duyệt, các doanh nghiệp trên sẽ phải trồng 10.433ha rừng, cao su và một số cây trồng khác. Tuy nhiên, đến cuối tháng 12-2016, các doanh nghiệp này mới chỉ trồng vỏn vẹn được hơn 4.100ha rừng và cao su nhưng lại để mất trắng hơn 4.300ha rừng tự nhiên được giao quản lý. 

Không chỉ để mất rừng, hiệu quả kinh tế mang lại từ các dự án không đáng kể, các doanh nghiệp còn để xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai với người dân địa phương, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Ngọc Như-Văn Thành
.
.