Cái chết của nhà độc tài Trujillo khiến nhân dân Dominicana thở phào nhẹ nhõm vì từ đây họ sẽ có một cuộc sống tự do hơn chứ không bị bóp nghẹt bởi luật lệ hà khắc do Trujillo ban hành. Lãnh đạo nhiều quốc gia trong khu vực cũng phấn khởi vì việc loại trừ Trujillo đã giúp họ không còn canh cánh lo ngại những hành động khiêu khích mang tính xâm phạm chủ quyền quốc gia mà Trujillo từng làm.
Còn đối với Mỹ, quốc gia từng bảo trợ cho chế độ của Trujillo, thì cái chết của ông ta là điều mà cả Tổng thống Eisenhower và Kennedy mong muốn vì Trujillo đã trở thành một nhân vật quá khích, một nhà độc tài mang lại tai tiếng cho Mỹ với những hành động bị dư luận quốc tế lên án.
Vậy thì ai đã tổ chức sát hại Trujillo? Phải chăng đó là phe đối lập ở Dominicana? Phải chăng đó là một trong những quốc gia lân cận? Phải chăng là Mỹ? Cho đến tận bây giờ cái chết của Tổng thống Trujillo vẫn còn là một bí ẩn của lịch sử, cho dù vào đầu năm 1962, chính phủ mới ở Dominicana đã có kết luận chính thức là Tổng thống Rafael Trujillo đã bị một nhóm người vũ trang lạ mặt sát hại vào chiều tối ngày 30/5/1961
Rafael Trujillo sinh ngày 24/10/1891 tại thành phố San Cristobal trong một gia đình công nhân nghèo. Năm 1919, Trujillo gia nhập quân đội và chỉ 9 năm sau, năm 1927, đã trở thành một trong những viên tướng trẻ của Dominicana.
Năm 1930, Trujillo làm binh biến lật đổ chế độ của Tổng thống Horacio Vasquéz.
Năm 1937, Trujillo gây nên một vụ tai tiếng lớn và trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên ở châu Mỹ bị tố cáo là có hành vi diệt chủng khi ra lệnh sát hại 20.000 dân thường Haiti làm việc tại các đồn điền trồng mía ở Dominicana lấy lý do trả đũa việc Chính phủ Haiti giúp đỡ một tổ chức của người Dominicana lưu vong chống lại chế độ của Trujillo.
Hành động này không những khiến các quốc gia Trung Mỹ phê phán mà còn khiến cả Mỹ, quốc gia hậu thuẫn cho Trujillo, lên án và yêu cầu Trujillo phải bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân. Trước áp lực của Mỹ, Trujillo phải rút lui vào hậu trường trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1939.
Tháng 10/1942, Trujillo nắm trở lại chiếc ghế tổng thống Dominicana trong một cuộc bầu cử trước thời hạn đầy tai tiếng và đẫm máu. Và trong suốt 10 năm cầm quyền sau đó, Trujillo đã đưa đất nước vào một cuộc khủng hoảng chính trị, ngoại giao trầm trọng khi bùng nổ các cuộc đối đầu giữa phe đối lập và chính phủ, giữa chính phủ và các quốc gia lân cận. Trong tình hình như vậy, Trujillo lại phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác.
Vào năm 1957, tại Dominicana đã xảy ra vụ tai tiếng Mirabel khi Trujillo ra lệnh cho mật vụ bắt giữ và thủ tiêu toàn bộ gia đình gồm 6 người của nhà hoạt động chính trị đối lập Pedro Mirabel. Khi vụ việc bị phát giác đã dấy lên một làn sóng phản đối hành động sát nhân của Trujillo ở Dominicana. Đến năm 1959, Trujillo lại gây khó chịu cho Chính phủ Mỹ khi tổ chức bắt cóc một cựu nhân viên tình báo Mỹ tên Jesus de Galindez tại thành phố New York đưa về Dominicana để tra tấn và thủ tiêu vì dám viết sách tố cáo chính sách độc tài của Trujillo. Đây chính là hành động làm cạn sức chịu đựng của Chính phủ Mỹ đối với Trujillo.
Hơn nữa, Trujillo còn gây thù chuốc oán với Tổng thống Betancourt của Venezuela khi cho người tổ chức ám sát ông.
Vụ mưu sát không thành này đã khiến cho Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) thi hành biện pháp cấm vận đối với Dominicana. Trong tình hình như vậy đã xảy ra vụ phục kích sát hại Trujillo vào chiều tối ngày 30/5/1961.
Điều tra và kết luận của Bộ Nội vụ Dominicana cho biết, chính phe đối lập ở Dominicana đã tổ chức vụ sát hại Trujillo sau khi đã mua chuộc được một nhân viên cận vệ để biết được giờ giấc di chuyển của đoàn xe chở Trujillo từ thành phố San Cristobal về lại thủ đô Santo Domingo. Thế nhưng nhiều người lại cho rằng đó là đòn trả thù của Tổng thống Romulo Betancourt sau khi thoát chết trong vụ mưu sát mà Trujillo gây ra đối với ông vào tháng 6/1960.
Tuy nhiên, đáng tin cậy nhất là những tiết lộ của nhà báo người Mỹ Bernard Diederich, làm việc cho nhật báo Washington Post. Theo tiết lộ này thì ngay dưới thời Tổng thống Eisenhower, Chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch loại trừ Trujillo. Vào năm 1959, Tổng thống Eisenhower đã yêu cầu Đơn vị đặc biệt của Hội đồng An ninh quốc gia (NSCSG), một đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc lật đổ bên ngoài lãnh thổ Mỹ, lên kế hoạch loại bỏ Trujillo ngay lập tức.
Tưởng đâu kế hoạch này bị ngưng trệ khi Tổng thống Kennedy lên nắm quyền vào tháng 1/1961. Thế nhưng vị tổng thống trẻ này lại bật đèn xanh cho NSCSG tiếp tục triển khai kế hoạch loại bỏ Trujillo. Từ tháng 2/1961, vũ khí được bí mật đưa vào lãnh thổ Dominicana bằng các chuyến bay quân sự của không quân Mỹ. Cũng trong thời gian này, nhân viên tình báo dưới lốt cố vấn quân sự Mỹ trong Chính phủ Trujillo dùng tiền mua chuộc được một số sĩ quan quân đội và mật vụ thân cận với Trujillo kể cả vệ sĩ để nắm bắt đường đi nước bước của Trujillo.
Đầu tháng 5/1961, một toán lính đánh thuê từ Haiti vượt biên vào lãnh thổ Dominicana giả dạng thành một đơn vị quân đội Dominicana di chuyển trên các xe quân sự do Mỹ viện trợ để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ sát hại Trujillo. Vào ngày 28/5/1961, khi nắm bắt được nguồn tin rằng Trujillo sẽ đi công cán tại thành phố San Cristobal và trở về lại thủ đô Santo Domingo vào chiều tối ngày 30/5/1961, NSCSG liền triển khai vụ phục kích do toán lính đánh thuê thực hiện ở khu ngoại ô Lachaise. Được sắp đặt hết sức kỹ càng, nhà độc tài Rafael Trujillo đã không thoát khỏi được vụ mưu sát