Ai đem lại “ánh sáng” cho kẻ giết Che Guevara?
Vào năm 2004, Chủ tịch Fidel Castro tung ra một chiến dịch nhân đạo quy mô trên lục địa mang tên là “Chiến dịch Phép lạ”, được Venezuela hỗ trợ, để phẫu thuật miễn phí cho những người Mỹ Latinh nghèo khổ bị cườm mắt và các chứng bệnh nhãn khoa khác.
Trong vòng 30 tháng, có gần 600 nghìn người của 28 nước, kể cả Mỹ, đã tìm lại được thị giác nhờ lòng vị tha của các bác sĩ Cuba. Mục tiêu đề ra là sẽ phẫu thuật cho 6 triệu người từ đây đến năm 2016.
Tổng thống mới đắc cử vào tháng 12/2005 của Bolivia là Evo Morales có hoài bão sẽ thực thi một chính sách xã hội nhằm cải thiện cuộc sống nghèo khổ của người dân, nhờ vậy dân chúng Bolivia đã hưởng lợi được từ chiến dịch nhân đạo của Cuba. Gần 110 nghìn người Bolivia đã tìm lại được ánh sáng mà không phải tốn một xu nào.
Trong số đó có Mario Teran, gã này đã được chữa khỏi chứng cườm mắt nhờ các bác sĩ Cuba. Nhà báo Pablo Ortiz của tờ El Deber kể lại: “Gã này là một kẻ vô danh hoàn toàn. Chẳng ai biết hắn là ai. Hắn rất nghèo túng và đã đến bệnh viện của “Chiến dịch Phép lạ”. Người ta không biết hắn là ai nên đã phẫu thuật cho hắn. Chính con trai của hắn đã cho chúng tôi biết và đã đến tòa soạn để cho đăng lời cám ơn. Đó là vào tháng 8/2006”.
Lịch sử đôi khi dành cho chúng ta những bất ngờ. Như thế, kẻ đã sát hại Che Guevara lại được chữa khỏi bệnh cườm mắt nhờ các bác sĩ Cuba, những người công tác theo chỉ thị của Fidel Castro, người bạn thân nhất của Che Guevara.
Theo cựu nhân viên CIA Félix Rodriguez, người đã tham gia vào vụ bắt Che Guevara, Teran đã tình nguyện nhận công việc giết chết nhà lãnh tụ du kích. Trước đó hắn cũng đã giết tất cả các tù nhân. Nhưng đối diện với Che Guevara, hắn lại mất can đảm. Hắn kể lại:
“Khi tôi bước vào trong lớp học dùng làm phòng giam, Che đang ngồi trên băng ghế. Ông ấy nhìn tôi và hỏi: “Anh đến để giết tôi?”. Tôi cảm thấy rụt rè nên cúi đầu không nói. Ông ấy lại hỏi: “Những người khác nói thế nào?”. Tôi đáp rằng không ai nói gì cả, và ông nhận xét: “Thật là can đảm”.
Tôi không dám nổ súng. Lúc ấy tôi thấy Che rất vĩ đại, cao cả. Đôi mắt của ông sáng rực. Tôi cảm thấy ông đang đè bẹp tôi và khi ông chăm chú nhìn tôi, tôi hầu như choáng váng. Tôi nghĩ rằng nếu làm một động tác thật nhanh, Che có thể tước súng của tôi. Nhưng ông ấy bảo: “Cứ bình tĩnh đi. Và hãy nhắm thật kỹ, anh sắp giết một người đấy”.
Sau đó tôi bước lui một bước về phía cửa, nhắm mắt lại và bắn loạt đạn đầu tiên... Rồi tôi lấy lại can đảm và bắn thêm loạt đạn thứ nhì trúng vào cánh tay, vai và tim của Che. Ông ấy đã chết”. Sau khi qua đời, Che vẫn không nhắm mắt để tiếp tục lên án kẻ sát nhân.
Giờ đây tuy đã già nhưng Mario Teran có thể ngắm nhìn màu sắc của bầu trời và núi rừng, tận hưởng nụ cười của con cháu và xem những trận bóng đá. Nhưng chắc chắn rằng hắn sẽ không thể nhận thấy được sự khác nhau giữa suy nghĩ đã khiến hắn ra tay giết một lãnh tụ cách mạng điềm tĩnh với ý tưởng của con người vĩ đại đó, người đã ra lệnh cho các bác sĩ du kích chăm sóc những đồng chí cũng như các binh lính đối nghịch bị thương, những công việc mà họ từng làm trong dãy núi Sierra Maestra.
Mario Teran, kẻ được giáo dục với tư tưởng giết người nhưng đã tìm lại được thị giác nhờ các bác sĩ du kích, những người noi theo lý tưởng của chính con người đã bị hắn giết.
40 năm sau khi Mario Teran cố tiêu diệt một mơ ước và một lý tưởng, Che Guevara lại chiến thắng trong một cuộc chiến mới. Và ông sẽ tiếp tục chiến dịch của mình...