Ấn Độ: Vụ tham nhũng Barak lớn nhất

Thứ Bảy, 23/01/2010, 07:40
Barak không phải là tên gọi của một nhân vật mà là tên gọi của loại tên lửa địa-không do Công ty Rolling Airframe, một liên doanh giữa Pháp và Israel thiết kế, Công ty Rafael của Israel chế tạo.

Vào năm 2000, theo đề nghị của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, chính phủ nước này đã chấp thuận giải ngân để mua tên lửa Barak, cùng hệ thống điều khiển trang bị cho hải quân để thay thế cho loại tên lửa địa-không Phalam CIMS đang được trang bị cho hải quân từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước có một số nhược điểm như khó điều khiển, bắn chệch mục tiêu.

Trong khi đó, hệ thống tên lửa Barak lại bắn theo đường thẳng nên dễ dàng bắn trúng mục tiêu là máy bay chiến đấu và cả máy bay không người lái của đối phương. Hơn nữa, Barak được kiểm tra bằng máy tính, trọng lượng chỉ có không quá 1.000kg nên dễ dàng khi sử dụng.

Để giúp chính phủ có được quyết định đúng đắn trước khi chi một số tiền lớn mua sắm tên lửa Barak, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã cử một phái đoàn quân sự cao cấp do Bộ trưởng Quốc phòng George Fernandes phụ trách đến Israel để nghiên cứu các tác dụng của hệ thống tên lửa Barak. Tham gia đoàn còn có Tổng tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Sushil Kumar và một chuyên viên quân khí của Hải quân là Đại tá Suresh Nanda. Từ báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng George Fernandes và Tổng tham mưu trưởng Hải quân Sushil Kumar, Chính phủ Ấn Độ chấp thuận chuẩn chi một số tiền lên đến 270 triệu USD để mua 6 hệ thống tên lửa Barak trị giá 200 triệu USD và 200 tên lửa Barak trị giá 70 triệu USD.

Trong khi những công đoạn của thương vụ mua bán hệ thống tên lửa Barak giữa Ấn Độ và Công ty Rafael của Israel đang diễn biến thuận lợi cho cả hai bên, thì đến tháng 3/2001 bắt đầu xuất hiện trên một số phương tiện thông tin đại chúng ở Ấn Độ thông tin về việc đã xảy ra hiện tượng tham nhũng, bòn rút  tiền bạc của ngân sách nhà nước thông qua thương vụ này.

Tháng 12/2001, vụ việc càng thu hút sự quan tâm của dư luận hơn khi báo Tehelka phát hành tại Ấn Độ cho công bố nội dung một cuộn băng ghi âm cuộc trao đổi cá nhân giữa chuyên viên quân khí hải quân Suresh Nanda và đại diện Công ty Rafael tại thủ đô Dehli của Ấn Độ. Nội dung cuộc trao đổi bí mật này xoay quanh việc Công ty Rafael sẽ chi mức tiền hoa hồng cho các cá nhân tham gia thương vụ mua bán tên lửa Barak từ 0,5% đến 3%.

Tên lửa Barak.

Những cá nhân tham gia thương vụ này gồm có cả Bộ trưởng Quốc phòng George Fernandes, Tổng tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc Sushil Kumar và Suresh Nanda, và một số người khác làm việc tại Bộ Quốc phòng và Hải quân. Cuộc trao đổi này còn lộ ra việc nâng giá bán của tên lửa Barak và hệ thống tên lửa Barak để những người có liên quan cùng nhau chia chác số tiền chênh lệch.

Tiết lộ của báo Tehelka giống như quả bom tấn nổ tung trong đời sống xã hội Ấn Độ và sau đó lan nhanh khắp nơi. Dư  luận yêu cầu chính phủ phải nhanh chóng kiểm tra nội dung của cuộn băng  ghi âm mà báo Tehelka đã tiết lộ. Kết quả, một ủy ban điều tra đặc biệt của chính phủ đã được thành lập để phối hợp điều tra với Cục Điều tra trung ương của Ấn Độ (CBI) để làm sáng tỏ vụ việc.

Do tính chất quan trọng của vụ việc có liên quan đến nhiều quan chức cao cấp của chính phủ, Bộ Quốc phòng, nên Quốc hội Ấn Độ đã thành lập một ủy ban điều tra có sự tham gia của Tổng thống Ấn Độ Abduk Kalam và Thủ tướng Atal Bihari Valpayee.

Tháng 10/2006, sau gần 4 năm tích cực điều tra, Ủy ban điều tra đặc biệt này đã cho công bố những cáo buộc đầu tiên, trong đó xác định việc đã diễn ra các cuộc thương lượng bí mật giữa một số quan chức của Bộ Quốc phòng, của Hải quân với đại diện của Công ty Rafael để bàn việc chia chác hoa hồng và nâng giá mua, giá bán hệ thống tên lửa Barak để chia nhau số tiền chênh lệch lên đến hàng chục triệu USD. Kết luận điều tra cũng đã buộc Bộ trưởng Quốc phòng George Fernandes có trách nhiệm đến vụ việc bao gồm cả trách nhiệm của Đô đốc Sushil Kumar, Tổng tham mưu trưởng Hải quân.

Kết luận điều tra của Ủy ban điều tra đặc biệt còn buộc tội Suresh Nanda chính là người đã môi giới và đứng sau vụ tham nhũng Barak, là người có nhiệm vụ nhận những khoản tiền hoa hồng và chia chác số tiền chênh lệch phát sinh. Với quyền hạn của mình, Ủy ban điều tra đặc biệt đã buộc Bộ trưởng Quốc phòng George Fernandes và Tổng tham mưu trưởng Hải quân Sushil Kumar phải từ chức

V.H. (theo The Hindu Times)
.
.