Australia: Một nghị sĩ lợi dụng chức quyền nhận hối lộ

Thứ Hai, 18/05/2009, 16:45

Vào ngày 24/3/1999, Kênh truyền hình Nine Network cho phát đi nhiều đoạn băng ghi âm nội dung một số cuộc trao đổi giữa Nghị sĩ Quốc hội Australia Andrew Theophanous và Frank Cheung gây chấn động dư luận. Sự kiện này đã khiến Cơ quan Điều tra hình sự quốc gia (NCA) phải tổ chức điều tra.

Cuốn băng ghi âm nội dung một số cuộc trao đổi giữa ông Andrew Theophanous và Frank Cheung - trùm một đường dây đưa người châu Á nhập cư lậu vào lãnh thổ Australia, xoay quanh việc Theophanous nhận hối lộ bằng tiền và gái đẹp để giúp Cheung có được những giấy thông hành để hợp pháp hóa cho những người châu Á nhập cư trái phép vào Australia.

Theophanous sinh ngày 24/3/1946, được bầu làm đại biểu Quốc hội vào năm 1980 và đến năm 1984 tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Là một chính khách luôn quan tâm đến vấn đề nhập cư của người châu Á vào Australia nên vào năm 1989, Theophanous được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Di cư của Quốc hội. Đến năm 1993, Theophanous được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề nhà ở và dịch vụ công cộng của Quốc hội.

Đến năm 1995, Theophanous được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Y tế. Từ năm 1996 cho đến khi bị NCA điều tra về việc xuất hiện các đoạn băng ghi âm được Kênh truyền hình Nine Network phát, Theophanous là đại diện Quốc hội bên cạnh nội các chính phủ của Thủ tướng Paul Keating.

Theo điều tra của NCA, từ năm 1992, khi còn làm Chủ nhiệm Ủy ban Di cư của Quốc hội, Theophanous đã có quan hệ với Cheung. Cheung là một người Australia gốc Hoa lúc đó đang điều hành một mạng lưới đưa người nhập cư trái phép từ các quốc gia châu Á vào Australia. Mạng lưới của Cheung có chân rết không chỉ tại nhiều thành phố lớn của Australia mà còn tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Philippines, Pakistan, Bangladesh...

Cứ đưa được một người nhập cư trái phép trót lọt vào lãnh thổ Australia, Cheung bỏ túi từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD (nếu được làm giấy thông hành hợp pháp). Và để có giấy thông hành hợp pháp bán cho người nhập cư lậu, Cheung đã tìm mọi cách để móc nối với Theophanous. Sau thời gian đắn đo, suy nghĩ, cuối cùng thấy đây là một công việc dễ dàng nhưng kiếm được nhiều tiền nên Theophanous chấp thuận làm ăn với Cheung.

Nhiệm vụ của Theophanous là lợi dụng quyền hạn để tác động đến Bộ Di trú để bỏ qua một số trình tự nhằm nhanh chóng cấp giấy thông hành cho các đối tượng nhập cư trái phép theo yêu cầu của Cheung. Đổi lại, Theophanous được trả công bằng tiền và gái đẹp. Ngay cả khi không còn làm Chủ nhiệm Ủy ban Di cư của Quốc hội và chuyển sang làm nhiệm vụ khác, Theophanous vẫn duy trì mối quan hệ làm ăn với Cheung.

Theo điều tra của NCA, chỉ từ năm 1992, là năm bắt đầu làm ăn với Cheung, cho đến năm 1999 khi vụ việc bị tiết lộ, Theophanous đã thu được hàng triệu USD tiền hối lộ từ Cheung. Số tiền bất minh này đã được Theophanous tẩy bẩn thông qua việc mua sắm nhiều bất động sản ở Australia và đảo Chypre, gửi vào nhiều tài khoản bí mật tại nhiều ngân hàng nước ngoài. Ngoài việc được Cheung đài thọ trọn gói những chuyến du lịch đến những địa điểm nghỉ mát nổi tiếng ở châu Á, Cheung còn cung cấp cho Theophanous nhiều gái bao trẻ đẹp.

Mối quan hệ làm ăn giữa Theophanous và Cheung bị sứt mẻ kể từ năm 1998 khi Theophanous tuy đã nhận tiền từ Cheung nhưng lại không tích cực tác động đến Bộ Di trú để cấp giấy thông hành theo yêu cầu của Cheung. Nhằm gây áp lực buộc Theophanous phải thực hiện đúng theo yêu cầu của mình, Cheung đã bí mật ghi âm một số cuộc đối thoại giữa y và Theophanous. Sau đó ra điều kiện buộc Theophanous phải thực hiện đúng cam kết đã thống nhất trước đây, nếu không Cheung sẽ cho công bố các đoạn băng ghi âm.

Cho rằng mình đang được áp dụng quy chế miễn trừ trách nhiệm hình sự do bản thân đang là đại biểu Quốc hội và có quan hệ thân thiết với nhiều quan chức cao cấp của chính phủ nên Theophanous phớt lờ các cảnh báo của Cheung. Tức giận, Cheung liền gửi nặc danh các đoạn băng ghi âm cho Kênh truyền hình Nine Network. Từ đó bùng nổ vụ tai tiếng lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ của Nghị sĩ Theophanous làm rúng động dư luận Australia. Đây là lý do khiến NCA phải mở một chuyên án đặc biệt có tên gọi Legume để điều tra vụ việc vào tháng 4/1999.

Để đối phó, Theophanous phủ nhận toàn bộ các tố giác và cả nội dung các đoạn băng ghi âm. Và chỉ cho đến khi ông trùm Cheung bị bắt giữ vào tháng 1/2000  tại thành phố Melbourne và khai báo hành vi đưa hối lộ cho Theophanous suốt một thời gian dài để được hợp pháp hóa việc nhập cư trái phép cho nhiều người châu Á vào Australia thì Theophanous hết đường chối cãi.

Việc thú tội của Theophanous đã gây chấn động dư luận vì ông ta không chỉ là một chính khách nổi tiếng mà còn là một giáo sư đại học uy tín, tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy ở Australia và Anh. Theophanous không chỉ bị truy tố về tội nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ để nhận hối lộ mà còn về tội câu kết với tội phạm mua chuộc nhân viên công quyền để làm trái.

Bị bãi miễn tất cả các chức vụ, vào ngày 5/6/2002, Theophanous bị Tòa án liên bang tại thành phố Melbourne tuyên phạt 6 năm tù giam và chỉ được xét giảm án sau khi đã thi hành 2/3 thời hiệu của bản án. Ông trùm Cheung phải lãnh án 12 năm tù giam về các tội đưa hối lộ và kinh doanh người nhập cư trái phép vào lãnh thổ Australia. Riêng 4 viên chức nhà nước làm việc tại Bộ Di trú phải lãnh mỗi người 18 tháng tù giam về tội cố ý làm trái

Hoàng Phú (theo Crimes Magazine)
.
.