Bà Hứa Thị Phấn đã thâu tóm ngân hàng Đại Tín như thế nào?

Thứ Tư, 09/05/2018, 16:08
Lợi dụng là cổ đông lớn, bà Phấn đã nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của ngân hàng Đại Tín, thâu tóm toàn bộ HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu chi tiền mặt, lạm dụng tín nhiệm để rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng trái pháp luật, gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín hàng nghìn tỷ đồng.


Thâu tóm ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng

Ngày 8-5, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên toà xét xử vụ án "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (tiền thân của ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, hiện nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB). Có 28 bị can bị truy tố và đưa ra xét xử.

Bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ), Hoàng Văn Toàn (55 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín), Trần Sơn Nam (49 tuổi, nguyên thành viên HĐQT, Tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín) được xem như những bị cáo đầu vụ...

Bà Phấn tại phiên xử ông Phạm Công Danh giai đoạn 1.

Toà án còn triệu tập 178 người, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng trong đó có bị án Phạm Công Danh.

Theo cáo trạng, được ngân hàng Nhà nước chấp thuận, năm 2007 ngân hàng nông thôn cổ phần Rạch Kiến  đổi tên thành Ngân hàng Đại Tín. Tính đến tháng 6-2010, Đại Tín có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng và người đại diện trước pháp luật là ông Hoàng Văn Toàn (chủ tịch HĐQT), TGĐ là ông Trần Sơn Nam.

Tuy nhiên, ông Nam và ông Toàn chỉ là người quản lý và điều hành trên danh nghĩa. Đầu năm 2007, bà Hứa Thị Phấn cùng công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ) đã tham gia mua 254.751.970 cổ phần, tương đương trên 2.547 tỷ đồng, chiếm 84,92% vốn điều lệ ngân hàng Đại Tín và giữ chức cố vấn cao cấp HĐQT tại ngân hàng này.

Bà Phấn đã chỉ đạo nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bán cho ngân hàng Đại Tín chiếm đoạt và gây thiệt hại 1.105 tỷ đồng; hạch toán thu - chi khống để bị can Phấn sử dụng trái pháp luật 5.256 tỷ đồng; thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ chiếm đoạt và sử dụng 3.581 tỷ đồng; chỉ đạo ngân hàng Đại Tín đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng 1.037 tỷ đồng và nâng khống giá trị 25 bất động sản (BĐS) bán cho ngân hàng Đại Tín để chiếm đoạt và sử dụng 1.024 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tài chính ngân hàng Đại Tín rất xấu. Đến ngày 29-2-2012, tổng tài sản thực của ngân hàng còn 20.846 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2.845 tỷ đồng và lỗ luỹ kế 6.061 tỷ đồng, gấp hai lần vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Nguyên nhân chủ yếu là do hành vi phạm tội của bà Phấn và các đồng phạm gây ra.

Trong phạm vi phiên toà lần này, Toà án chỉ xét xử hành vi nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và hạch toán thu - chi khống để chiếm đoạt 6.361 tỷ đồng của bà Hứa Thị Phấn.

Theo hồ sơ, căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có diện tích đất là 622m², diện tích xây dựng là 270m², diện tích sử dụng là 309m², kết quả giám định giá trị thì căn nhà này chỉ có giá 155 tỷ đồng. Thông qua Lâm Kim Dũng (con rể của chị gái bà Phấn), Bùi Thị Kim Loan, Ngô Kim Huệ, bà Phấn chỉ đạo công ty TrustAsset của ngân hàng Đại Tín tiến hành thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà lên tới 1.268 tỷ đồng, cao gấp 8 lần giá thị trường.

Bị án Phạm Công Danh cũng được triệu tập trong phiên tòa.

Sau đó, bà Phấn chỉ đạo Lâm Kim Dũng mua bán lòng vòng lấy tiền ra sử dụng rồi bán lại cho ngân hàng Đại Tín với giá 1.260 tỷ đồng, hạch toán thu chi khống để hợp thức hoá việc mua bán trước đó chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt trên là tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng Đại Tín, không phải tiền của các cổ đông, không phải tiền của bà Phấn bởi theo kết luận thanh tra thì thời điểm trên ngân hàng đã âm vốn.

Bà Phấn đã chỉ đạo lãnh đạo và các cán bộ, nhân viên thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc lập và hạch toán chứng từ thu, chi khống không sử dụng tiền mặt, thực hiện giao dịch, hạch toán khống trên hệ thống smartbank, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục... giúp bà Phấn lấy được tiền và sử dụng bất hợp pháp số tiền 5.256 tỷ đồng.

Lợi dụng công ty Phương Trang là doanh nghiệp có nhiều BĐS dùng làm tài sản đảm bảo, muốn vay tiền mở rộng kinh doanh, bà Phấn đã chỉ đạo buộc công ty Phương Trang ký trước hồ sơ vay và giải ngân không thông báo cho Phương Trang.

Thực tế, bà Phấn đã không giải ngân hoặc giải ngân không đủ tiền vay cho công ty Phương Trang, lấy tiền sử dụng, sau đó lập các chứng từ chi khống để cấn trừ với các chứng từ thu khống để không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách hạch toán, che giấu hành vi phạm tội. Hậu quả của hành vi này đã đẩy dư nợ khống cho công ty Phương Trang lên đến 5.256 tỷ đồng.

Các bị cáo tại phiên toà.

Quá trình điều tra đến nay xác định, công ty Phương Trang chỉ thực nhận hơn 3.936 tỷ đồng. Số tiền gốc còn lại là 5.465 tỷ đồng, ngân hàng hạch toán là khoản dư nợ vay của công ty Phương Trang đến nay không thu hồi được.

Trước khi bị khởi tố, ngày 6-3-2017, bà Phấn nhập viện. Cơ quan điều tra Bộ Công an, VKSND Tối cao nhiều lần đến bệnh viện xác định tình trạng sức khoẻ để hỏi cung nhưng bà Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời. Các luật sư của bà Phấn kiến nghị hoãn buổi hỏi cung cho đến khi sức khoẻ của bị can tốt nên CQĐT chưa thể hỏi cung để làm rõ thêm các nội dung liên quan đến hành vi phạm tội của bà Phấn, đơn tố giác và kiến nghị của bị can về các nội dung có liên quan.

Tuy nhiên, bà Phấn vẫn ký đơn tố cáo, kiến nghị và đơn kháng cáo nên CQĐT cho rằng cần xem xét, đánh giá thái độ không hợp tác của bà Phấn trong quá trình xét xử để quyết định hình phạt.

Trước đó bà Phấn bị TAND hai cấp tại TP Hà Nội xét xử vắng mặt và tuyên 17 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Kê biên khối tài sản "khủng"

Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kê biên 44 bất động sản (BĐS) tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Long An, là tài sản đảm bảo cho 47 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu của công ty Phương Trang, giao cho ngân hàng TM TNHH MTV xây dựng Việt Nam (CB) và công ty Phương Trang tiếp tục quản lý, bảo quản cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Có 114 BĐS là tài sản đảm bảo cho 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ của bà Phấn cũng bị kê biên giao cho CB tiếp tục quản lý, bảo quản cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa.

Bên cạnh là  BĐS đứng tên bị can Ngô Kim Huệ (cháu bà Phấn) gồm: 3 căn hộ chung cư tại dự án Sài Gòn Pearl; biệt thự A1 - 06 tại khu biệt thự SG Pearl, phường 22, quận Bình Thạnh; 2 bất động sản tại huyện Củ Chi (TP HCM, cùng 1.665 m² đất tại quận Thủ Đức và 7 căn hộ chung cư tại dự án LaCasa, quận 7 do bị can Hứa Thị Bích Hạnh đứng tên sở hữu giúp Hứa Thị Phấn.

Danh sách bị kê biên còn được nối dài: BĐS và tài sản gắn liền với đất tại số 13 đường Công Lý, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức và 6 căn hộ tại dự án Sài Gòn Pearl do bị can Ngô Nguyễn Đoan Trang đứng tên;  các BĐS đứng tên Hồ Văn Tân, Huỳnh Thị Xuân Dung, Ngô Minh Quân, công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phú Mỹ (công ty của bà Phấn); xe ô tô hiệu Maybach 62 mang tên chủ xe công ty TNHH Thương mại và công nghiệp Thiên Tân...

Ngoài ra, CQĐT còn phong tỏa 620.775 cổ phần chứng khoán của bà Phấn tại trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, hơn 1 triệu cổ phần SSG (công ty cổ phần tập đoàn SSG) và hơn 3,1 tỷ đồng cổ tức thuộc sở hữu của bà Phấn. Phong tỏa tài khoản chứng khoán của các bị can Ngô Thị Kim Huệ, Hứa Thị Bích Hạnh, Hứa Xường và Trần Sơn Nam, Nguyễn Thị Kim Thanh.

Cơ quan CSĐT cũng phong tỏa 1.044 tỷ đồng và 11.884 USD của 7 cá nhân và 3 công ty của bà Phấn. Đồng thời, cơ quan điều tra đã kê biên nhiều tài sản khác tại quận 1 TP HCM.

A.Huy
.
.