Sự thật đằng sau vụ án:

Bác sỹ giết người trong trận bão Katrina ở Mỹ

Thứ Bảy, 08/09/2007, 11:45
Trong trận bão Katrina cách đây 2 năm, hơn 1.000 xác chết được tìm thấy trong thành phố New Orleans (Mỹ). Trong số các nạn nhân có 34 bệnh nhân của Trung tâm Y khoa Memorial - một bệnh viện nằm cách biệt, bị nước ngập tới 3 mét.

Cách đây 1 năm, Charles Foti - người đứng đầu Cơ quan Tư pháp của bang Louisiana - đã làm cả thành phố choáng váng khi tuyên bố 4 cái chết tại Bệnh viện Memorial không phải do bệnh tật hay tai họa mà là họ đã bị sát hại! Thông tin gây sốc hơn nữa là vị nữ bác sĩ đáng kính và 2 y tá của bệnh viện đã bị cảnh sát bắt giữ.

Vụ án gây xôn xao dư luận và nổi bật lên một số vấn đề về đạo đức ngành y.  Bác sĩ Pou và 2 y tá Cheri Landry và Lori Budo bị buộc tội đã giết chết 4 bệnh nhân bằng 2 mũi tiêm thuốc khác nhau.

Theo lãnh đạo Cơ quan Tư pháp Louisiana, khi sử dụng kết hợp 2 loại thuốc này với nhau, nó sẽ trở thành thứ hợp chất giết người. Có thật là 4 bệnh nhân bị sát hại? Hay đây chỉ là cái chết ân huệ (euthanasia)? Cơ quan tư pháp nhận định đây không phải là ân huệ mà là giết người!

Về phần mình, bác sĩ bị cáo Anna Pou nói: “Tôi muốn mọi người biết rằng, chúng tôi không phải là những kẻ giết người. Vụ án làm tim tôi đau nhói. Bởi vì cả đời tôi luôn cố gắng làm điều thiện, làm tất cả những gì trong khả năng để chăm sóc cho bệnh nhân”.

Nữ bác sĩ Anna Pou phục vụ trong ngành y trong hơn 15 năm, là chuyên gia phẫu thuật chữa trị bệnh nhân ung thư. Khi trận bão Katrina đến gần, Anna Pou là người lãnh đạo Trung tâm Y khoa Memorial.

Tổng cộng khoảng 2.000 người có mặt tại bệnh viện, trong đó nhiều người tìm đến chỉ để nương náu trước thiên tai. Khi cơn bão ập đến, toàn bộ hệ thống thông gió, điện thoại bị tê liệt, thức ăn hạn chế và điều tệ hại nhất là nhiệt độ lúc đó vô cùng khắc nghiệt.

Đội ngũ y tá bệnh viện phải mở toang hết mọi cửa sổ và quạt cho bệnh nhân. Tình trạng ở tầng thứ 7 là thảm hại nhất vì đó là nơi tiếp nhận người bệnh nặng. Đêm xuống, Memorial tối đen như mực và bác sĩ chỉ có thể dùng đèn pin để khám cho bệnh nhân.

Tình hình càng thê thảm hơn khi bệnh viện mất nguồn nước sạch. Bác sĩ Anna Pou nói: “Phải hiểu rằng trong bệnh viện có những người bệnh rất nặng. Chúng tôi thiếu tất cả những công cụ mà chúng tôi thường sử dụng. Nhiều người đã chết trong điều kiện tồi tệ do họ không còn sức khỏe để chống chọi”.

Theo Charles Foti đó là lúc nữ bác sĩ Pou và y tá tiêm cho 4 bệnh nhân những liều thuốc gây chết người. Trong bản khai tuyên thệ trước tòa, Foti cho biết, một vài nhân chứng tuyên bố nhìn thấy Anna Pou cùng với 2 y tá Budo và Landry làm việc trên tầng thứ 7, nơi có 9 bệnh nhân quá nặng cần được chuyển đi.

Foti nói rõ bác sĩ Anna Pou đã nói với nhân viên bệnh viện rằng, thời gian không còn nữa và họ cần được sơ tán ngay. Sau đó người ta cho rằng Pou đã ra quyết định sử dụng liều thuốc chết người cho số bệnh nhân nặng có lẽ không có cơ may sống sót. Các nhân chứng khai nữ bác sĩ Pou có nói bà sẽ “chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

Cũng theo bản khai tuyên thệ trước tòa của Foti, người ta nhìn thấy bác sĩ Pou và y tá bước vào phòng bệnh nhân với kim tiêm và các lọ thuốc. Foti nói: “Người ta xác nhận những gì mà họ thấy và  những gì nghe thấy. Sau đó chúng tôi đã bỏ ra hơn 10 tháng để điều tra vụ việc. Cuối cùng chỉ có thể đi đến kết luận rằng, họ đã phạm tội”.

Foti cho biết, ông có bằng chứng chứng minh 2 nạn nhân nam và 2 phụ nữ trong độ tuổi 61 đến 90 đã bị tiêm liều cao morphine và thuốc giảm đau gây chết người. Tuy nhiên, bằng chứng chưa được tiết lộ.

Trong khi đó, một số bác sĩ đưa  mấy trường hợp chứng minh: sự chỉ định dùng thuốc này hoàn toàn có thể chấp nhận được nhằm mục đích đem lại tình trạng khỏe khoắn cho bệnh nhân. Nhưng Foti vẫn khăng khăng đó là những liều thuốc chết người đối với trường hợp 4 bệnh nhân trên.

Charles Foti nói tình trạng sức khỏe của 4 bệnh nhân rất nguy kịch và lập luận: “Không làm hồi phục được không có nghĩa là không cứu được”. Về sau Foti còn cho rằng số bệnh nhân bị giết chết có thể là 9 người!

 Nữ bác sĩ Pou và 2 y tá đồng ý nói chuyện với báo chí, song luật sư bào chữa không cho phép họ nói ra bất cứ hành động đặc biệt nào của họ trong những ngày định mệnh đó, bởi còn nhiều thân nhân của người chết chưa tranh tụng trước tòa.

Trước sự buộc tội của Charles Foti, nữ bác sĩ Pou nói: “Tôi không giết số bệnh nhân này. Tôi đã làm hết khả năng của mình. Tại sao bỗng dưng tôi lại đi giết người? Điều này thật lố bịch”. Anna Pou cũng cho biết, bà không thể chấp nhận bất cứ hình thức ân huệ nào.

Có giết người hay không thì vụ việc cũng đã gây nhiều tai tiếng cho bác sĩ Pou, và không chỉ nội bộ bệnh viện biết. Và, mặc dù không còn phải chịu án tù, song cả 3 phụ nữ trong ngành y này vẫn phải đối mặt với sự kiện cáo dân sự của gia đình những người chết.

Cho dù vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Memorial cách đây 2 năm có thế nào đi nữa, thì điều đó cũng đã cho thấy sự yếu kém của thành phố, tiểu bang và chính quyền liên bang đã đặt nữ bác sĩ Pou và các y tá vào tình huống vô vọng - và điều tồi tệ nhất đối với bác sĩ Pou là viễn cảnh có thể không bao giờ được làm công việc của người "mẹ hiền" được nữa.

Bác sĩ Pou nói: “Đó là điều đau đớn nhất cho tôi. Tôi rất yêu công việc của tôi, vì đó là điều tốt nhất cho đời tôi”. Cách đây khoảng 1 tháng, cả 3 người đã được bồi thẩm đoàn New Orleans tuyên bố vô tội, song Charles Foti vẫn tin rằng bà có tội

Diên San (theo CBS)
.
.