Bài học cho những kẻ coi thường pháp luật ở Đồng Tâm

Thứ Tư, 01/07/2020, 12:52
Ngày 25/6, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố 29 bị can trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong 29 bị can này có 25 đối tượng bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đề nghị truy tố về tội Giết người, 4 đối tượng bị đề nghị truy tố tội chống người thi hành công vụ.

Bài 1: Vạch trần âm mưu chống đối chính quyền

Từng chứng kiến cảnh cha mẹ già, con thơ của 3 đồng chí Công an hi sinh trong vụ bảo vệ ANTT tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, chúng tôi không khỏi xót xa và căm phẫn tội ác của những kẻ mất hết tính người. Các đối tượng tập hợp lực lượng, đóng góp tiền mua vũ khí, họp bàn phân công nhiệm vụ cho từng đối tượng với mục tiêu sát hại những người thi hành công vụ, để đòi yêu sách.

Tội ác sẽ bị trả giá; nhưng nỗi đau sẽ không bao giờ nguôi ngoai đối với những gia đình của cán bộ bị hi sinh. Đó cũng là vết sẹo trong tâm của những người dân Đồng Tâm khi trên quê hương của mình có những kẻ man rợ, coi thường pháp luật.

Cố tình xuyên tạc sự thật

"Vụ Đồng Tâm" khởi phát từ việc đòi quyền lợi bất hợp pháp do Lê Đình Kình khởi xướng, dẫn dắt, lôi kéo, dụ dỗ các đối tượng khác tham gia. Lê Đình  Kình từng là Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm giai đoạn 1981-1982, hiểu rõ nguồn gốc đất nhưng vì lợi ích của bản thân, gia đình nên đã quyết liệt chống đối đến cùng để gây sự chú ý, nhận tài trợ của tổ chức khủng bố để thực hiện hành vi phạm tội.

Nguồn gốc đất ở xã Đồng Tâm đã được xác định từ ngày 14/4/1990, khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định về việc cấp 208 ha đất cho Quân chủng Phòng không - Không quân để thực hiện dự án sân bay Miếu Môn, trong đó phần diện tích của xã Đồng Tâm là 47,36 ha.

Một số đối tượng trong vụ án.

Ngày 10/11/1981, UBND tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) đã có quyết định giao đất đợt 1 cho Bộ Tư lệnh Công binh để thi công các công trình của sân bay Miếu Môn. Bộ Tư lệnh Công binh và UBND xã Đồng Tâm đã bàn giao đất nhiều đợt, đến ngày 25/9/1982 đã bàn giao được 34,06 ha, phần còn lại 13,3 ha do chưa thi công nên xã Đồng Tâm tạm thời sử dụng.

Năm 2012, Bộ Quốc phòng tiến hành đo lại toàn bộ khu đất được giao trên cơ sở 16 mốc giới sân bay Miếu Môn đã được xác lập. Ngày 21/10/2014, UBND TP Hà Nội đã có quyết định giao 236,7ha đất tại 4 xã (trong đó có Đồng Tâm) cho Bộ Quốc phòng để tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân.

Ngày 27/3/2015, Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng đã có quyết định giao 50,03 ha đất do quân chủng Phòng không - Không quân quản lý cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội xây dựng dự án Quốc phòng (trong đó, diện tích đất thuộc xã Đồng Tâm là 32,57 ha).

Tuy nhiên, từ năm 2013, một số đối tượng tại địa bàn xã Đồng Tâm do Lê Đình Kình, Lê Đình Công và Bùi Viết Hiểu cầm đầu đã thành lập "Tổ đồng thuận" để lôi kéo, kích động khiếu kiện về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm.

Bản thân Lê Đình Kình nguyên là Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Tâm giai đoạn 1981-1982 đã từng tham gia chứng kiến việc giao, nhận đất giữa đại diện xã Đồng Tâm với Bộ Tư lệnh Công binh, Kình biết rõ nguồn gốc đất là đất Quốc phòng nhưng lại tuyên truyền là đất của xã Đồng Tâm để kêu gọi người dân đấu tranh giữ đất.

Trong quá trình Tập đoàn Viễn thông Quân đội triển khai dự án quốc phòng, các đối tượng trong "Tổ đồng thuận" do Lê Đình Kình đứng đầu thường xuyên tập trung tại khu đất 32,57 ha, tự ý đo đạc, phân lô, thuê máy cày, máy xúc để san lấp đất, tự ý canh tác, gieo trồng, cản trở hoạt động xây dựng của Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Lê Đình Kình hứa hẹn khi đòi được đất sẽ chia đều cho các đối tượng tham gia "Tổ đồng thuận".

"Tổ đồng thuận" chỉ chuyên... gây rối

Sau khi thành lập, "Tổ đồng thuận" thường xuyên gây mất ANTT, chống đối, đập phá phương tiện của lực lượng chức năng, chiếm đoạt tài sản trái phép, bắt giữ người trái pháp luật, dùng vũ khí tấn công lực lượng chức năng...

Cụ thể, ngày 1/2/2017 và ngày 7/3/2017, Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức cử hai đoàn công tác đến làm việc với Đảng uỷ, HĐND xã Đồng Tâm để giải quyết ANTT tại địa phương. Khi cuộc họp diễn ra, một số đối tượng do Lê Đình Công cầm đầu đã kéo đến trụ sở UBND xã Đồng Tâm để tập trung đông người sau đó xông  vào phòng họp chửi bới, lăng mạ các thành viên trong đoàn công tác và cán bộ xã Đồng Tâm khiến cuộc họp phải dừng lại.

Khi đoàn công tác ra về, một số đối tượng chặn đầu xe, giải vờ ngất và hô hoán bị xe Công an đâm để kích động các đối tượng khác, một số đối tượng nhảy lên nắp capo xe và chửi bới, không cho xe của đoàn công tác về.

Số vũ khí, hung khí các đối tượng chuẩn bị để chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Ngày 30/3/2017, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số đối tượng về tội "Gây rối TTCC".

Ngày 15/4/2017, sau khi Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội phối hợp với Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan thi hành lệnh bắt giữ 4 đối tượng: Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Lê Đình Ba, Nguyễn Văn Doanh vì có hành vi gây rối TTCC thì các đối tượng đã chống đối quyết liệt, đập phá nhiều xe ô tô của lực lượng chức năng, chửi bới, lăng mạ cán bộ làm nhiệm vụ, chiếm đoạt tài sản của nhiều cán bộ, bắt giữ 34 CBCS của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động và Công an huyện Mỹ Đức.

Ngoài ra, 4 cán bộ Huyện ủy, Công an huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ đi qua, không liên quan đến vụ việc cũng bị các đối tượng bắt, giam giữ trái pháp luật.

Quá trình giam giữ 38 cán bộ, các đối tượng liên tục có hành vi gây áp lực, uy hiếp tinh thần bằng cách xích, khoá chân tay theo nhóm 4 đến 6 người, không tháo xích ngay cả khi ăn uống, vệ sinh cá nhân, mang chăn, đệm mút, 4-6 can xăng loại 50 lít, kíp nổ bom xăng, thùng gỗ có đấu dây điện, bình gas loại 20kg vào nơi giam giữ cán bộ để đe dọa. Thậm chí, chúng tưới 200 lít xăng quanh chỗ ngồi những CBCS bị bắt giữ, buộc thuốc nổ, bom xăng xung quanh người đồng thời đe dọa nếu giải cứu sẽ thành biển lửa.

Không hợp tác, không đối thoại

Ngày 19/4/2017, UBND TP Hà Nội giao Thanh tra TP Hà Nội thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm. Ngày 19/7/2017, Thanh tra TP Hà Nội ban hành kết luận thanh tra nêu rõ: "Sân bay Miếu Môn diện tích đất 236,7 ha trong đó có 64,03 ha đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm đều là đất Quốc phòng" và phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức tổ chức đối thoại, làm việc nhiều lần về các nội dung trong kết luận Thanh tra.

Tuy nhiên, các đối tượng trong "Tổ đồng thuận" không đồng ý, Lê Đình Kình đã đứng đầu đơn khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ, mặt khác các đối tượng thực hiện hàng loạt các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc về nguồn gốc đất Đồng Sênh và đường lối chính sách của Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đồng Tâm, kích động người dân chống đối lại các hoạt động của chính quyền, đe dọa, uy hiếp tinh thần, xâm phạm sức khoẻ của cán bộ xã Đồng Tâm khiến cho cán bộ và nhân dân trong xã hoang mang, lo sợ, hệ thống chính trị cơ sở xã Đồng Tâm bị tê liệt.

Sau khi thanh tra rõ ràng, cụ thể, khách quan, khoa học, ngày 15/4/2018, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo về việc rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội nêu rõ: "Việc tiến hành thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; nội dung bảo đảm chính xác". Sau khi nhận được Thông báo trên, các đối tượng đã chuẩn bị vũ khí, công cụ, phương tiện để chống đối lực lượng chức năng nếu về cưỡng chế thu hồi đất tại Đồng Sênh.

Đe dọa, vô hiệu hóa chính quyền, cản trở nhân dân làm ăn

Để thực hiện âm mưu của mình, Lê Đình Kình đã chỉ đạo đồng bọn nhiều lần gây rối ANTT, cản trở các hoạt động của chính quyền và nhân dân.

Điển hình, ngày 28/6/2018, tại Hội trường UBND xã Đồng Tâm diễn ra kỳ họp thứ 8, HĐND xã. Biết được thông tin trên, Lê Đình Công, Nguyễn Văn Tuyển đã kích động, lôi kéo các đối tượng khác gồm Lê Đình Quang (Quang cụt), Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Đề, Bùi Thị Nối tự ý vào hội trường chửi Chủ tịch xã thậm tệ với những lời lẽ bậy bạ. Nguyễn Văn Tuyển còn vừa quay video vừa dùng chai nước đập bàn chửi bới rồi ném chai nước lên bục chủ tọa khiến ông Phạm Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm - chủ trì cuộc họp phải tuyên bố tạm dừng cuộc họp.

Tiếp đó, ngày 15/4/2018, tại Nhà văn hoá thôn Hoành, UBND xã Đồng Tâm tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc cho hộ nghèo, hộ khó khăn, người cao tuổi và người khuyết tật. Đến khoảng 8h, Lê Đình Công, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Quang, Bùi Thị Đục, Lê Thị Loan, Nguyễn Văn Toan, Nguyễn Thị Hằng, Lê Đình Mỹ mang theo phông phạt, băng rôn, khẩu hiệu đến nhà văn hoá thôn Hoành.

Khi bị lực lượng chức năng ngăn cản, không cho dựng phông bạt thì Quang "cụt" xông vào nhà văn hoá nói "thuốc dùng vào gây bệnh ung thư, bà con đừng có bị chúng nó lừa". Lê Đình Mỹ, Lê Thị Loan chửi bới, lăng mạ các cán bộ khám bệnh, tuyên truyền nhân dân không khám bệnh, không nhận thuốc vì thuốc gây ung thư.

Nguyễn Văn Tuyển chửi, dùng tuốc nơ vít hành hung, đe dọa chiến sỹ Công an, không cho quay phim, chụp ảnh và đe dọa "Sau ngày 15/4 sẽ lôi cả Chủ tịch ra khỏi UBND xã". Sau khi quậy phá, gây rối ở nhà văn hoá, các đối tượng kéo về đình làng thôn Hoành tụ tập.

Ngày 3/12/2018, tại Hội trường UBND xã Đồng Tâm diễn ra hội nghị đại biểu HĐND huyện Mỹ Đức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, HĐND huyện Mỹ Đức. Biết được nội dung trên, Lê Đình Công Nguyễn Văn Tuyển đã kêu gọi các đối tượng khác bao gồm: Loan, Đoàn Thị Dung, Nối, Đục tự ý xông vào cuộc họp.

Tại đây, Công tự ý đi lại trong hội trường có lời lẽ xúc phạm đồng chí Hoàng Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm và các đại biểu dự họp, sử dụng điện thoại quay, phát trực tiếp để cản trở cuộc họp. Nguyễn Văn Tuyển giật micro từ tay anh Nguyễn Văn Lân (cán bộ đài phát thanh xã) rồi tự ý phát biểu, không tuân thủ sự điều hành của chủ tịch cuộc họp. Trước tình hình đó, nhiều đại biểu đã bỏ về khiến cuộc họp không thực hiện được.

Ngày 26/11/2019, Công, Tuyển cùng với Lê Thị Thoa, Lê Thị Phương, Lê Thị Loan, Lê Thị Hoan kéo đến phòng tiếp dân của xã Đồng Tâm; chửi bới anh Nguyễn Tiến Thái - Chánh Văn phòng UBND xã. Ngông cuồng hơn, Tuyển đấm vào mặt anh Thái. Khi các cán bộ Công an xã đến ngăn chặn, các đối tượng không tuân theo mà Tuyển tiếp tục dùng tay trái bị cụt đấm vào gáy anh Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ và đấm vào mặt anh Lê Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND xã khiến anh Huy bị ngã. Sau đó, Hoan, Loan chửi chị Trần Thị Lan Anh (vợ anh Huy) và đe dọa sẽ đến trường mầm non nơi chị Lan Anh làm việc để đánh, chửi chị.

Không chỉ chửi bới chính quyền, các đối tượng trong "Tổ đồng thuận" còn tìm mọi cách để đe dọa chửi bới, ngăn cản quyền tự do của nhiều hộ dân khác, nhất là các hộ dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Điển hình như trường hợp ông Trịnh Văn Hoà, sinh năm 1962, là 1 trong 14 hộ dân được nhà nước đền bù khi thu hồi đất tại Đồng Sênh tiến hành làm trang trại để trồng trọt thì bị Lê Đình Công, Nguyễn Văn Tuyển và các đối tượng khác thường thường xuyên chửi bới, lăng mạ ông Hoà và gia đình.

Các đối tượng tường xuyên đe dọa sẽ giết ông Hoà và gia đình nếu không nghe theo yêu cầu của "Tổ đồng thuận"; yêu cầu ông Hoà phải đóng tiền thuế đất cho Công, Hiểu. Công cùng nhiều đối tượng đến khu đất của gia đình ông Hoà dùng xà beng, cuốc, xẻng đào một hố dài (rộng 30 cm, dài 30 cm, sâu 7m trước cửa ra vào, chặn đường không cho gia đình ông Hoà và các phương tiện đi lại, gây ảnh hưởng đến việc làm ăn, kinh doanh và sinh sống bình thường của gia đình ông Hoà.

Hành vi của các đối tượng trong "Tổ đồng thuận" và các đối tượng khác diễn ra trong một thời gian dài khiến cho cán bộ chính quyền và nhân dân xã Đồng Tâm hoang mang, lo sợ, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của cán bộ và nhân dân, tài sản của chính quyền cơ sở, cản trở nghiêm trọng việc thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn tới hệ thống chính trị ở cơ sở bị tê liệt, không triển khai được các kế hoạch, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt liên quan đến vấn đề quản lý đất đai.

Các đối tượng thường xuyên kéo đến trụ sở chính quyền xã Đồng Tâm để chửi bới, lăng mạ, đe dọa, gây thương tích cho cán bộ cơ sở nhằm mục đích hạ uy tín, danh dự của chính quyền, khiến hệ thống chính trị xã Đồng Tâm không thực hiện được chức trách, nhiệm vụ được giao.

(Còn tiếp)

Phương Thủy
.
.