Bài học qua những vụ thảm án: Cảnh giác với… “người quen”

Thứ Tư, 22/07/2015, 11:45
Bài học cảnh giác thường chỉ áp dụng với người lạ chứ ít ai lại cảnh giác với… người quen. Nhưng thực tế cho thấy, những vụ trọng án mà thủ phạm là người quen, thậm chí từng thân thiết với người bị hại hoặc gia đình người bị hại ngày càng nhiều.

Tại Hà Nội, vụ cướp tiệm vàng Kim Sinh, thảm sát cả 4 người trong gia đình, thủ phạm Nguyễn Minh Châu từng là khách hàng quen thuộc của tiệm vàng này. Vụ giết người, đốt xác để cướp tài sản ở ngõ Chùa Liên Phái, thủ phạm Trần Chí Công từng là bạn trai thân thiết của nạn nhân. Vụ giết người, cướp tài sản từng gây rúng động dư luận ở Chung cư G4 Trung Yên, thủ phạm Nguyễn Đức Nghĩa cũng là người yêu cũ của nạn nhân. Tương tự như vậy, vụ thảm sát mới đây nhất ở Bình Phước thì một trong 2 thủ phạm đã từng có thời gian dài ăn ở tại nhà nạn nhân vì thời điểm đó, hắn là người yêu của con gái chủ nhà.

Bài học cảnh giác nào, kinh nghiệm xử trí ra sao trong những tình cảnh tương tự như đã nêu trên sẽ được các chuyên gia chia sẻ trong bài viết dưới đây với hy vọng sẽ góp phần ngăn chặn được những vụ án đau lòng như đã thấy.

"Điều tra viên Ngô Văn Đáp - Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội: "Phải vờ như không nhận ra đối tượng là người quen để chúng không có ý định giết người diệt khẩu"

Bài học kinh nghiệm qua các vụ án như cướp tiệm vàng Kim Sinh, thì cần hạn chế cho người "lạ" ngủ ở nhà mình qua đêm. Nếu đồng ý cho họ ngủ nhờ thì cần khéo léo "thông báo" rộng rãi cho người thân, bạn bè mình biết về chuyện đó. Có thể là gọi điện thông báo cho một người thân trong gia đình, và cũng để lộ ra cho người lạ biết việc đó.

Thượng tá Đáp cũng nhấn mạnh, quan trọng nhất vẫn là tinh thần cảnh giác, phòng ngừa của người dân. Ở trong nhà (hoặc trong phòng ngủ luôn phải có một chiếc đèn pin và một chiếc gậy dài chừng 80cm). Khi phát hiện có trộm cướp đột nhập thì có thể chủ động dùng để tự vệ. Chủ nhà cũng nên tập có thói quen chốt cửa phòng riêng khi ngủ. Chủ nhà cũng cần thường xuyên trao đổi, nâng cao tinh thần cảnh giác với tất cả các thành viên trong gia đình. Khi khóa cửa bị mất chìa thì nên thay luôn ổ khóa mới. Nếu có thể thì nuôi thêm loài vật như chó, mèo. Đôi khi tiếng kêu của chúng cũng sẽ khiến đối tượng giật mình, không giữ được ý định ban đầu.

Khi phát hiện (hoặc nghi vấn) có trộm, cướp đột nhập (thường là vào ban đêm), người dân cần hết sức bình tĩnh để nhận định tình hình, lựa chọn cho mình một giải pháp tối ưu.

Thông thường khi thấy có đối tượng đột nhập nhà vào ban đêm, chủ nhà thường hay mất bình tĩnh và có những hành động bột phát khiến cho đối tượng trở nên manh động, liều lĩnh có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Đầu tiên, dù đối tượng là người quen hay người lạ, chủ nhà cần phải đặt ngay ra câu hỏi tại sao họ lại có mặt ở nhà mình vào thời điểm này. Nếu là người quen thì sao họ không báo trước, giả sử như gọi điện thoại chẳng hạn. Từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, chuẩn bị đối mặt với tình huống xấu nhất.

Tiếp theo, khi đã xác định đối tượng đột nhập với dụng ý xấu, chủ nhà ngay lập tức phải dùng biện pháp "la làng" như nói thật to, hét lên, tạo tiếng động… với dụng ý báo cho người thân trong gia đình mình biết có trộm đột nhập, và cũng để cho hàng xóm có thể nghe được những tiếng động bất thường. Đồng thời cũng khiến cho đối tượng bị hoảng loạn về mặt tinh thần. Đối tượng nghĩ rằng hành vi của mình đã bị phát hiện và phải nghĩ cách chạy trốn.

Chủ nhà cũng cần phải luôn nghĩ đến phương án "hiệp đồng tác chiến" nếu như trong nhà có hơn một người. Đừng hành động một mình mà phải báo cho vợ (con, anh chị em) trong nhà cùng tấn công đối tượng (hoặc cùng tìm cách bỏ chạy). Thực tế năm 2001 đã xảy ra một vụ cướp đột nhập tại một căn nhà trên phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội). Khi phát hiện ra có tiếng động lạ ở tầng hai căn nhà, người chủ nhà chỉ một mình lặng lẽ đi từ tầng 1 lên kiểm tra mà không nói với vợ con. Chính vì thế khi bị đối tượng tấn công, người chồng đã không thể chống lại.

Còn ở một vụ khác, tháng 1/2004, 2 đối tượng đột nhập vào nhà anh Vũ Văn Thảo (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) bắt giữ các con anh Thảo làm con tin để đòi tiền chuộc. Các thành viên trong gia đình anh Thảo rất thông minh tạo ra một cuộc "cãi lộn" với hai đối tượng khiến chúng mất cảnh giác. Lựa thời cơ, anh Thảo lấy chìa khóa lẻn ra khỏi nhà mang theo điện thoại di động và gọi cho công an phường. Sau đó lực lượng công an đã có mặt, kịp thời giải cứu cả nhà.

Trong trường hợp chủ nhà bị đối tượng khống chế (giả sử như bắt trói, gí dao vào cổ…) thì bản thân người đó và các thành viên khác trong gia đình cần phải thật bình tĩnh, khéo léo và bản lĩnh. Đó là vờ như không nhận ra đối tượng là người quen (để chúng không có ý định giết người diệt khẩu), đồng thời nói liên tục (nhất là phái yếu nên dùng) để "đánh tâm lý" đối tượng. Vừa thuyết phục, lại vừa kéo dài thời gian để tìm cơ hội bỏ trốn hoặc báo cho người thân, hàng xóm hoặc thậm chí là lực lượng cảnh sát.

Nguyễn Minh Châu, thủ phạm vụ cướp tiệm vàng Kim Sinh (ảnh trái); Trần Chí Công tại phiên tòa sơ thẩm.

"Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội: "Nếu bị cướp đột nhập vào nhà thì phải hết sức bình tĩnh để đáp ứng yêu cầu của chúng"

Qua thực tiễn tham gia bào chữa nhiều cho các bị can, bị cáo phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân xảy ra tại địa bàn Hà Nội cũng như tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã rút ra một số kỹ năng phòng và chống tội phạm, tự bảo vệ mình trong những trường hợp đã xảy ra như sau:

Các vụ trọng án xảy ra thì đối tượng gây án thường có quan hệ nhất định với nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân. Mâu thuẫn chủ yếu chỉ xoay quanh động cơ vì tiền hoặc vì tình.

Đối tượng gây án vì thường có quan hệ nhất định với nạn nhân nên sẽ biết và nắm được hoàn cảnh gia đình, tài sản, tiền bạc cũng như qui luật sinh hoạt của nạn nhân và gia đình để tìm cơ hội thích hợp gây án hoặc để trả thù nạn nhân.

Trường hợp nếu bị cướp đột nhập vào nhà thì phải hết sức bình tĩnh để đáp ứng yêu cầu của chúng. Mục đích đầu tiên của đối tượng là lấy tiền bạc. Nếu chống lại hoặc không đáp ứng yêu cầu thì đối tượng mới ra tay tác động đến tính mạng, sức khỏe. Do đó, trong những trường hợp như vậy, xét thấy không có khả năng chống lại thì cũng cố gắng bình tĩnh đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của chúng. Sau đó cố gắng nhớ đặc điểm của chúng để thông báo ngay cho Cơ quan Công an ngay khi chúng bỏ đi.

Đối với các cơ quan, doanh nghiệp: cần nắm rõ lý lịch công nhân, không nhận những đối tượng có lai lịch bất minh vào làm việc.  Có lắp đặt hệ thống camera theo dõi bên trong và ngoài doanh nghiệp để chủ động phát hiện, phòng ngừa những cá nhân có biểu hiện bất thường… Cần phải bố trí lực lượng bảo vệ túc trực hàng ngày tại doanh nghiệp. Tuyệt đối không cho bạn bè người quen của các nhân viên bảo vệ ngủ qua đêm tại doanh nghiệp.

Đối với các cá nhân, gia đình: Khi thuê người giúp việc, công nhân làm thuê phải nắm rõ nhân thân, lai lịch có được chính quyền địa phương xác nhận. Nếu cho ngủ qua đêm phải đăng ký tạm trú theo qui định của pháp luật. Tuyệt đối không để các cháu nhỏ ban đêm tự tiện mở cửa.

Trong quan hệ tình cảm nam nữ, nếu phát sinh mâu thuẫn dẫn đến chia tay thì các bên cũng cần có những ứng xử có văn hóa. Chúng ta không nên khi chia tay lại tỏ thái độ thách thức, xúc phạm, coi thường nhau thì sẽ dẫn tới những suy nghĩ rất tiêu cực của người bị tổn thương trong việc chấm dứt tình cảm. Nếu khi chia tay mà một bên vẫn thường xuyên đe dọa bên kia thì cần phải nhẹ nhàng khuyên bảo, không nên thách thức. Nếu cần thiết phải thông báo cho gia đình và chính quyền địa phương nơi cư trú của đối tượng đe dọa để cơ quan pháp luật có những biện pháp răn đe, ngăn chặn, cảnh báo đối tượng.

Rất nhiều vụ sát hại dã man bạn gái chỉ vì bực tức khi chia tay mà Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử nghiêm minh trong thời gian vừa qua là bài học cảnh tỉnh cho những đối tượng có ý định sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong tình cảm.

Nguyễn Hải Dương gây ra vụ thảm sát ở Bình Phước (ảnh trái); Nguyễn Đức Nghĩa trong một buổi hỏi cung.

PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, chuyên gia phân tích các vấn đề xã hội (nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học): "Phải luôn cảnh giác trong các mối quan hệ phức hợp đầy rẫy những biến cố"

Trong gia đình nạn nhân vụ thảm án ở Bình Phước rõ ràng có nhiều mối quan hệ khá phức tạp. Như giữa nghi can Nguyễn Hải Dương và Lê Thị Ánh Linh - con gái vợ chồng nạn nhân - đã từng có thời gian yêu nhau và Dương đã có một khoảng thời gian sinh sống trong nhà của gia đình Linh. Tuy nhiên, sau đó Linh đã chấm dứt tình cảm theo lời khuyên của cha mẹ. Có lẽ chính vì điều này, từ một thanh niên nghèo đang hưởng nhiều mối lợi như được ăn ở trong gia đình đại gia, có vị thế hãnh diện với bạn bè, có thể sẽ giàu có trong tương lai…, Dương bỗng dưng bị đuổi khỏi gia đình giàu có này khiến cho hắn nảy sinh thù hận theo như lời Dương khai nhận?

Tuy nhiên, tôi cho rằng chuyện hận tình để gây án với các nạn nhân chỉ là lý do để biện minh, chứ thực tế đây là một vụ cướp tài sản, chuyện hai nghi can không lấy được 1,7 tỉ đồng là ngoài ý muốn của chúng!

Trong mối quan hệ khá thân thiết giữa Dương và em Dư Minh Vỹ - người đã ra mở cổng, hay nói rộng hơn là mối quan hệ giữa những người đã từng quen biết, thì Vỹ do chỉ mới 14 tuổi (trẻ vị thành niên) và có hoàn cảnh gia đình cũng khá éo le, ba mẹ ly dị nên Vỹ và chị gái về nhà dì sinh sống. Có thể nói, phần nào đó cháu Vỹ là trẻ bị "đứt gãy" về mặt giáo dục, về tình cảm với bố mẹ… Có lẽ chính vì cháu mê chơi game, đá gà nên mới bị Dương dụ dỗ bằng tiền và gà đá…

Nhưng từ câu chuyện này có thể thấy rằng những người có văn hóa, cách sống và vị thế khác nhau sống trong cùng một gia đình, nhất là những gia đình buôn bán, làm ăn, rõ ràng là có khe hở về sinh hoạt, về giao lưu với các mối quan hệ khác ngoài xã hội. Dù vẫn biết rằng cháu Vỹ chưa thể có suy nghĩ chín chắn và cháu cũng không thể ngờ được mối nguy hiểm tiềm tàng với bản thân và gia đình dì mình…

Cũng từ đó, cho thấy việc người ăn kẻ ở trong các gia đình làm ăn buôn bán giàu có khá phức tạp. Do vậy, bài toán đặt ra là phải tiết giảm những chuyện phức tạp đó; không nên làm khuôn viên gia đình cùng với khu vực sản xuất, không được mất chủ quan, cảnh giác trước những mối nguy hiểm có thể gặp phải như trộm cướp… Đây là bài học cho các gia đình giàu có, phải luôn cảnh giác trong các mối quan hệ phức hợp đầy rẫy những biến cố, xung đột với người này người kia có thể xảy ra bất cứ lúc nào…

Và khi trong gia đình tồn tại những mối quan hệ phức tạp với nhiều thành phần khác nhau thì có thể nói, nó đã tiềm tàng những mối nguy. Trong vụ thảm án ở Bình Phước này có thể thấy lúc đầu những nạn nhân chỉ nghĩ đó là bọn cướp thông thường mà không hề biết đây là một kẻ đã từng sinh sống, thân thuộc trong gia đình mình nên họ không ngờ tới hay phòng bị gì.

Trong xã hội hiện nay các hộ gia đình giàu có ngày càng nhiều, nhất là trong lĩnh vực làm ăn buôn bán, vì thế vụ án này như một hồi chuông cảnh tỉnh để các gia đình giàu có phải có cách phòng ngừa và bảo vệ trước các mối hiểm nguy. Đặc biệt, ở những hộ gia đình kinh doanh, sản xuất trên diện tích gắn liền với căn nhà mình sinh sống như tiệm vàng, công ty… thì hệ thống camera, khóa cửa, chuông báo động phòng chống tội phạm, thuê mướn nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp là vấn đề rất quan trọng, cấp thiết cần được đặt ra. Chưa kể phải luôn để ý nuôi dạy cặn kẽ và quan tâm đến vấn đề tình cảm của con cái, phải hiểu rõ tính cách, lối sống của từng thành viên để có biện pháp giáo dục hay can thiệp kịp thời trong những tình huống cấp thiết.

Minh Tiến - Phú Lữ - Huyền Thi (ghi)
.
.