Bản án nghiêm khắc cho những cán bộ sa ngã

Thứ Tư, 23/09/2020, 11:41
Ngày 17/9, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đề nghị tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Thành Tài từ 8-9 năm tù; Lê Thị Thanh Thúy 7-8 năm tù; Đào Anh Kiệt 6-7 năm tù; Nguyễn Hoài Nam 5-6 năm tù; Trương Văn Út 3-4 năm tù về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Thực hiện Quyết định 09 sắp xếp lại công sản, UBND TP đã thống nhất xây dựng khách sạn tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn, Quận I, lựa chọn nhà đầu tư uy tín, không áp dụng hình thức liên doanh. Là Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Tài là người nhận thức rõ nhà đất 8-12 Lê Duẩn thuộc sở hữu nhà nước. 

Do muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và do có mối quan hệ tình cảm với bà Lê Thị Thanh Thúy, ông Tài đã ký nhanh nhiều văn bản chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm của bà Thúy tham gia góp vốn đầu tư dự án với tỉ lệ 30%. Hành vi của ông Tài trái với chủ trương, trái với quy định luật pháp.

Ông Nguyễn Thành Tài trả lời thẩm vấn của HĐXX (ảnh trái); bà Lê Thị Thanh Thúy.

Đại diện VKS cũng cho rằng, bà Thúy đã lợi dụng quan hệ tình cảm, quen biết với ông Tài để được ưu ái, đã làm văn bản gửi Công ty quản lý kinh doanh nhà tự nhận có năng lực tài chính, kinh nghiệm để xin tham gia đầu tư dự án 8-12 Lê Duẩn. Sau đó bà Thúy lại gửi văn bản xin áp dụng hình thức thuê đất và giao đất nhằm trục lợi cá nhân, không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Bà Thúy là đồng phạm có vai trò xúi giục ông Tài để hưởng lợi từ các văn bản mà ông Tài ký.

Các bị cáo Đào Anh Kiệt, Nguyễn Hoài Nam, Trương Văn Út cũng nhận thức rõ nhà đất 8-12 Lê Duẩn thuộc sở hữu nhà nước, Công ty Lavenue (Hoa Tháng Năm) không phải đối tượng chỉ định giao đất, cho thuê đất, hồ sơ chưa đầy đủ nhưng vẫn đề xuất, tham mưu cho ông Tài ký các quyết định trên dẫn đến việc chuyển dịch quyền sở hữu khu đất 8-12 Lê Duẩn từ tài sản Nhà nước sang sở hữu của doanh nghiệp tư nhân. VKS cho rằng chính các quyết định trái luật của các bị cáo đã tạo sự bất bình đẳng trong đầu tư kinh doanh, gây thiệt hại kinh tế, làm giảm lòng tin của nhân dân vào quản lý nhà nước, hậu quả khó lường.

Đại diện VKS nhận định nhà đất số 8-12 Lê Duẩn là công sản cần được thu hồi, đề nghị HĐXX hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất cho Công ty Lavenue, hủy bỏ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ đã cấp cho công ty này. 

Bên cạnh đó, VKS còn đề nghị HĐXX tuyên tịch thu hơn 230 tỉ của công ty Hoa Tháng Năm (số tiền này được sử dụng vào việc phạm tội), thu hồi 157 tỉ của Công ty quản lý kinh doanh để chuyển trả vào ngân sách nhà nước. Số tiền còn lại trả cho Công ty Kido. Ngoài ra, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX buộc ông Tài và bà Thúy liên đới bồi thường 4,7 tỉ đồng thiệt hại.

Việc 4 công ty thuộc Bộ Công thương đã thu lợi 40 tỉ do chuyển nhượng cổ phần ở Công ty Lavenue cho công ty Kido, đã diễn ra trước khi ông Tài ký quyết định giao đất, cho thuê đất trái pháp luật nên không giải quyết trong vụ án này.

Khai trước tòa ông Tài cho biết bản thân có 2 bằng thạc sĩ về kinh tế. Là người có trình độ nhưng ông Tài đã bị tình cảm cá nhân chi phối dẫn đến nhiều sai phạm. Tuy nhiên ông khẳng định giữa ông và bà Thúy chỉ là quan hệ lãnh đạo và doanh nghiệp. Ông Tài cũng khẳng định đã từng nhiều lần giải trình bằng văn bản đến cơ quan điều tra và VKS Tối cao rằng giữa ông và bà Thúy không có quan hệ đặc biệt. 

"Tại cơ quan điều tra, tôi khai nhận là có quan hệ tình cảm với bị cáo Thúy, nhưng thực chất quan hệ ở đây không phải là theo kiểu trai gái. Trong quá trình hỏi cung thì chỉ có thể biểu đạt theo kiểu có hoặc không, nên không lột tả hết được bản chất của sự việc", ông Tài trình bày.

Về việc làm dẫn đến sai phạm, ông Tài khai ban đầu UBND TP thống nhất chủ trương xây dựng khách sạn 5 sao, đấu thầu chọn chủ đầu tư uy tín và không áp dụng hình thức liên doanh. Tuy nhiên, do kinh tế lúc bấy giờ đang suy thoái, việc đấu giá khu đất 8-12 Lê Duẩn là không khả thi nên Chủ tịch UBND TP lúc đó (ông Lê Hoàng Quân) đã đồng ý thay đổi phương thức đầu tư và có bút phê "phải thiết kế thật đẹp".

Là người chịu trách nhiệm tương đương ông Tài và bị cho là lợi dụng tình cảm cá nhân "xúi giục" lãnh đạo ký các văn bản liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn để hưởng lợi, bà Thúy cũng phủ nhận cái gọi là "quan hệ tình cảm". Bà Thúy cho rằng quan hệ giữa bà và ông Tài là quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo thành phố bình thường.

Cụ thể, hai cậu ruột của bà Thúy làm trong cơ quan quản lý nhà nước nên có quan hệ quen biết, gặp gỡ với ông Tài và gia đình ông Tài. Thông qua người thân, bà Thúy mới quen biết ông Tài.

Cáo trạng khẳng định:  thay đổi quyền sở hữu khu đất 8-12 Lê Duẩn từ sở hữu nhà nước sang sở hữu của doanh nghiệp tư nhân là trái pháp luật. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định hành vi vi phạm trên của ông Tài có tính hệ thống, xảy ra trong một thời gian dài, là nguyên nhân chính dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên, dẫn đến thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.

Đáng chú ý, phiên tòa liên quan đến khu "đất vàng" 8-12 Lê Duẩn còn chưa kết thúc nhưng ông Nguyễn Thành Tài đã bị cáo buộc trong một vụ án khác liên quan đến bà Dương Thị Bạch Diệp.

Ngoài ông Nguyễn Thành Tài, các ông Nguyễn Hữu Tín, Trần Vĩnh Tuyến đều là Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, người bị khởi tố, người đang thụ án, kẻ đang hầu tòa, tất cả liên quan đến những khu "đất vàng". 

Việc cán bộ lợi dụng chức quyền, giao đất trái luật, gây thất  thoát, thiệt hại tiền, tài sản Nhà nước, không chỉ khiến dư luận bức xúc, việc làm của các lãnh đạo trên còn gây mất lòng tin của nhân dân vào các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là bài học lớn đối với các nhà quản lý, không nên vì bất cứ lý do gì mà nhắm mắt "ký liều".

Đức Hà
.
.