Bạo động nổ ra ở California sau vụ cảnh sát bắn chết người

Thứ Năm, 05/08/2010, 05:35
Bạo động nổ ra ở thành phố Oakland, bang California, Mỹ ngày 12/7 vừa qua sau khi một thẩm phán Los Angeles kết tội một sĩ quan cảnh sát da trắng tội ngộ sát trong vụ bắn chết một thanh niên da đen không vũ trang. Các công tố viên muốn Johannes Mehserle, 28 tuổi, bị buộc tội giết chết Oscar Grant, 22 tuổi. Các quan chức Bộ Tư pháp thông báo sẽ xem xét vụ án có được ủy quyền cho công tố liên bang hay không.

Vụ bắn chết Oscar Grant khi anh đang nằm úp mặt xuống mặt sân ga Oakland vào ngày đầu năm mới 2009 được mọi người so sánh với vụ Cảnh sát Los Angeles đánh đập Rodney King năm 1992. Trong cuộc biểu tình phản đối này ít nhất hàng chục doanh nghiệp bị thiệt hại, những cửa kính ngân hàng bị đập vỡ, lửa cháy khắp nơi và một quả bom nhỏ nổ gần một đồn cảnh sát nhưng may là không gây thiệt hại gì.

Anthony Batts, Cảnh sát trưởng Oakland, nói: "Thành phố này không phải là miền Tây hoang dã. Thành phố này sẽ không dung thứ cho kiểu phản ứng như thế này".

Cảnh sát không tiết lộ những thiệt hại do cuộc bạo động gây ra, nhưng có lẽ nó không trầm trọng bằng cuộc bạo động xảy ra ở Oakland ngay sau khi Oscar Grant bị bắn chết. Trong phiên tòa xét xử, các công tố viên nói sĩ quan cảnh sát Mehserle đã trở nên giận dữ trước việc Grant có hành vi chống người thi hành công vụ. Grant bị bắn vào lưng khi nằm úp mặt xuống đất. Mehserle tuyên bố anh ta đã rút nhầm khẩu súng thật thay vì rút khẩu súng điện Taser.

Bồi thẩm đoàn sau đó đã có sự lựa chọn giữa tội giết người cấp độ 2 hay nhẹ hơn là tội ngộ sát tự nguyện và tội vô ý giết người. Cuối cùng, bồi thẩm đoàn kết luận Mehserle không có ý định giết chết Grant, nhưng hành vi bất cẩn của Mehserle có thể là một tội phạm. Tội vô ý giết người sẽ mang án tù từ 2 đến 4 năm, mặc dù thẩm phán có thể tăng thêm 10 năm tù do khẩu súng được sử dụng trong vụ giết người. Phiên tòa xét xử sắp tới sẽ diễn ra vào ngày 6/8.

Oscar Grant.

Trong phiên tòa xét xử, bà Wanda Johnson, mẹ của nạn nhân, ngồi ở hàng ghế thứ hai trong phòng xử án Los Angeles, cách kẻ giết chết con bà chưa đến 9 mét. Sau khi thẩm phán tuyên án, Wanda Johnson đã phản đối kịch liệt phán quyết của tòa và để mặc cho những cảm xúc vốn được kìm nén trong phiên tòa kéo dài 3 tuần lễ trào ra: "Con trai tôi bị giết chết!", bà la hét bên ngoài tòa án.

Không lâu sau khi bản án được tuyên, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo sẽ tiến hành xem xét lại để quyết định xem vụ án có thể ủy quyền cho công tố liên bang hay không. Sự xem xét lại vụ án này được tiến hành bởi Ban nhân quyền của Bộ Tư pháp, Văn phòng luật sư Mỹ ở San Grancisco và FBI. Các quan chức liên bang có kế hoạch xem xét lại vụ án sau khi phiên tòa của bang kết thúc với bản án dành cho Mehserle.

Thống đốc Arnold Schwarzenegger kêu gọi người dân California giữ bình tĩnh và không có hành vi bạo động. Bồi thẩm đoàn xét xử vụ Oscar Grant bao gồm 8 phụ nữ và 4 nam giới, không phân biệt chủng tộc. Họ rời tòa án dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của các nhân viên an ninh. Các chuyên gia pháp luật nói, bản án đã cho thấy bồi thẩm đoàn có sự dung thứ đối với hành động của sĩ quan cảnh sát Mehserle. Mehserle khai anh ta vật lộn với Oscar Grant và nhìn thấy người thanh niên này đút tay vào túi. Do sợ Grant có vũ khí nên Mehserle quyết định gây choáng cho Grant bằng súng điện Taser, nhưng anh ta đã rút ra khẩu súng ngắn.

Đám đông người tụ tập ở Oakland phản đối bản án: "Công lý cho Oscar Grant: Tất cả cảnh sát phân biệt chủng tộc giết người phải vào tù".

Luật sư biện hộ, Michael Rains, cho rằng vụ bắn người này là một tai nạn và sĩ quan Mehserle không có động cơ bắn chết Oscar Grant, dù rằng người thanh niên này kháng cự lại sự bắt giữ

An Di (tổng hợp)
.
.