Bạo hành con trẻ: Đoàn, hội, cán bộ cơ sở ở đâu?

Thứ Hai, 30/11/2020, 12:45
Dư luận hiện rất bất bình trước vụ việc 2 nhân viên Trương Quang Duy (sinh năm 2005) và Võ Văn Đức (sinh năm 1999) thường trú tại tỉnh Quảng Ngãi bị chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh ngược đãi trong suốt nhiều tháng qua. Duy và Đức bị đánh tàn nhẫn, nhiều lần nhưng không được ai can thiệp, giúp đỡ.

Hiện, Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đang tích cực điều tra để xử lý Nguyễn Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1986, quê xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), hiện tạm trú trên địa bàn huyện Yên Phong theo quy định của pháp luật.

Quán bánh xèo của Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã đóng cửa.

Thoát khỏi “địa ngục”

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Phong, Bắc Ninh, Duy thiêm thiếp ngủ. Từ hôm được Công an Yên Phong phát hiện, giúp đỡ đến nay, cuộc đời Duy dường như sang trang khác. Cháu không còn phải làm việc cực nhọc tới 20h mỗi ngày, không bị bỏ đói, không bị đánh đập. Anh trai Duy - Trương Quang Dương - cũng là người đưa Duy từ Quảng Ngãi ra Bắc Ninh làm việc đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc cháu.

Việc ăn uống, khám chữa bệnh của Duy được các cơ quan chức năng của huyện Yên Phong và các nhà hảo tâm lo chu đáo. Cán bộ chiến sĩ Công an huyện Yên Phong thường xuyên đến thăm, tặng quà, động viên giúp đỡ anh em Duy và tích cực điều tra, xử lý đối tượng hành hạ Duy và Võ Văn Đức để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 21-11, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Yên Phong, Bắc Ninh phát hiện Duy đang đứng tại khu vực chùa thôn Lạc Nhuế, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong có biểu hiện bất thường nên đã đưa về trụ sở công an. Lúc đó Duy đói, mệt và có biểu hiện kiệt sức. Công an huyện Yên Phong đã cho cháu ăn uống, nghỉ ngơi. Duy cho biết, cháu mồ côi mẹ, bố đẻ là Trương Quang Thái (đang sống ở quê).

Tháng 9-2020, Duy được anh ruột  đưa ra Yên Phong làm thuê tại quán bánh xèo miền Trung do vợ chồng Nguyễn Thị Ánh Tuyết và Ngô Thanh Vũ (sinh năm 1985 ở quận 12, TP. Hồ Chí Minh) làm chủ, thuê địa điểm kinh doanh tại xã Yên Trung, Yên Phong. Trong quá trình làm việc tại quán, Duy bị Tuyết đánh đập nên chiều 21-11, Duy bỏ đi khỏi quán. Sau khi tiếp nhận và tiến hành xác minh ban đầu, Công an huyện Yên Phong đã chuyển Duy đến Trung tâm Y tế huyện Yên Phong để khám và điều trị.

Kiểm tra tại quán bánh xèo, lực lượng chức năng đã phát hiện, ngoài Duy còn có cháu Võ Văn Đức làm việc tại đây cũng bị Tuyết đánh đập nhiều lần. Dù lớn hơn nhưng Đức cũng không thể bảo vệ dược Duy vì chính cháu cũng bị bỏ đói, bỏ rét và bị đánh đập, hành hạ mà không được trả lương...

Sau khi biết thông tin cháu bị hành hạ, người thân của Duy đã ra Bắc Ninh chăm sóc, đại diện bảo vệ quyền lợi cho cháu. Ông Trương Quang Minh - em trai ông nội Duy cho biết, do mẹ cháu đã mất, bố mắc bệnh tâm thần, nhà nghèo, đợt bão vừa qua bị bay mất mái nhà mới được bà con giúp đỡ lợp lại nên không thể ra Bắc Ninh thăm con. Ông và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Lập sẽ là người thực hiện quyền giám hộ đối với cháu khi cơ quan chức năng có yêu cầu.

Cháu Trương Quang Duy được khám bệnh.

Nhẫn tâm trong lời khai của chủ quán bánh xèo

Khác với suy nghĩ của tôi về chủ quán bánh xèo “mặt mũi bặm trợn”, Tuyết khá ưa nhìn, ăn nói dễ nghe. Không ai tưởng tượng người phụ nữ này lại độc ác đến như vậy. Cô ta cũng có 2 con nhỏ, đưa từ Quảng Ngãi ra Bắc Ninh để lập nghiệp. Hai vợ chồng thuê 2 địa điểm để mở quán bánh xèo. Quán của Tuyết khá đông khách nên nhân viên phải làm việc cật lực.

Tại Cơ quan công an, Tuyết đã khai nhận toàn bộ hành vi đánh đập cháu Trương Quang Duy và Võ Văn Đức. Tuyết thú nhận dùng ống nước bằng nhựa đánh vào lưng và tay Duy vì: “kêu cháu làm việc nhưng cháu không làm, còn chống đối nên tôi bức xúc vào trong lấy cái chày đâm tiêu được làm bằng đá, kêu Duy bỏ 2 tay xuống đất, rồi đánh vào 2 tay cháu”.

Ngoài ra, cô ta còn biện minh cho hành động dã man của mình là vì “cháu không nói, cháu chống đối nên em đánh. Cháu không nói năng gì nên em lấy cây cọ chà nhà vệ sinh đánh, rồi lỡ lấy đầu nhọn chọc vô mắt, tai và vành tai rồi đánh hai bên chân cháu nữa”, Tuyết khai khá dõng dạc và bình thản.

Cô ta cũng khai, để tránh bị phát hiện và giữ chân được Duy và Đức làm việc cho mình, Tuyết đã bắt hai nhân viên làm việc quần quật từ 7h sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau, không trả lương, không cho ăn cơm và không được gặp gỡ, giao tiếp với người ngoài.

Mỗi khi tức giận, Tuyết lại lôi nhân viên vào phía sau nhà đánh đập bằng những dụng cụ làm bếp như bàn chải sắt đánh vảy cá, dao, chày giã tiêu, xẻng xúc bánh... Cũng chính vì Tuyết hành hạ các nhân viên ở khu vực phía sau nên nhiều người không hay biết. Kể các vết thương trên người các cháu mọi người cũng nghĩ cho va chạm chứ không biết đó là những đòn roi ác ý của Tuyết.

Để biện minh cho hành vi của mình, Tuyết còn cho rằng, một trong những lý do cô ta tra tấn, đánh đập hai nhân viên là vì ăn vụng, lấy trộm tiền. Nghe những lý do bà chủ quán biện minh cho hành động bạo lực ác độc trên, tôi không khỏi xót xa cho thân phận của hai nhân viên làm thuê.

Thượng tá Nguyễn Huy Chiêu, Phó Trưởng Công an huyện Yên Phong, Bắc Ninh cho biết: “Chúng tôi xác định đây là một vụ việc phức tạp, liên quan đến trẻ em nên sẽ tăng cường các biện pháp điều tra, trưng cầu giám định đối với các nạn nhân để làm căn cứ xử lý đối tượng Tuyết sau này”.

Đối tượng Nguyễn Thị Ánh Tuyết khai nhận hành vi phạm tội tại cơ quan Công an.

Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương

Sau khi Nguyễn Thị Ánh Tuyết bị Công an huyện Yên Phong tạm giữ hình sự, chúng tôi về Yên Trung, Yên Phong - nơi Tuyết thuê nhà để mở cửa hàng bán bánh xèo miền Trung. Nghe tin chủ quán bạo hành nhân viên, nhiều người bàn tán xôn xao. Nhiều người tỏ ra bức xúc trước hành vi đánh đập người khác của nữ chủ quán này. Một người dân buôn bán ngay đối diện quán bánh xèo miền Trung cho biết, cửa hàng trên mở được khoảng 5 năm nay.

“Từ ngày về đây làm ăn, vợ chồng chị Tuyết ít giao tiếp với hàng xóm nhưng nhiều lần đánh cãi chửi nhau với người bán hàng ngoài chợ”, bà Nguyễn Thị H kể. Tại đây, họ cũng thường xuyên chứng kiến chủ quán chửi mắng nhân viên. Một phụ nữ khác cho biết, làm ở quán bánh xèo này, không ai trụ nổi 1 tháng, rất nhiều người đến thử việc rồi nhưng chỉ được vài ngày là lại rời đi. Hai bé bị đánh lần này là trụ lâu nhất. Từng bị đánh bỏ đi rồi lại quay lại.

Cũng theo những người buôn bán tại khu vực này, thì Tuyết là người đanh đá, ghê gớm nên không ai muốn dây vào cô ta. Có người nhìn thấy Tuyết đánh, chửi nhân viên nhiều lần nhưng không can thiệp vì cô ta quá ghê gớm, từng đánh, cãi nhau với nhiều người trong chợ. Tuy nhiên, chính quyền, đoàn thể ở địa phương thì dường như không để ý đến sự bất thường này, không phát hiện các cháu bé bị đánh đầy thương tích?

Theo một cán bộ thôn cho biết, sở dĩ chính quyền thôn chưa từng can thiệp, nhắc nhở Tuyết về việc hành hạ nhân viên vì theo tìm hiểu, họ biết Tuyết và các nhân viên là người quen, thân của nhau, đều từ Quảng Ngãi ra Bắc Ninh làm việc nên không ai nghĩ rằng cô ta lại hành hạ các cháu dã man như vậy.

Bạo hành trẻ vị thành niên có vẻ như không còn là hiếm nhưng thực tế đáng buồn là, những vụ bạo hành này nếu không có sự vào cuộc của giới truyền thông thì sẽ bị rơi vào im lặng. Sự phát hiện, ngăn chặn và tác động của các tổ chức chính quyền địa phương là rất hạn chế.

Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng cho biết, vụ việc nêu trên là hệ quả thiếu sự giáo dục của cộng đồng xã hội tại các cơ sở làm việc. Đau lòng hơn, những trường hợp này lại xảy ra nhiều ở vùng công nhân các khu công nghiệp. Nguyên nhân là do các cháu còn bé, thiếu kỹ năng sống nên chưa biết tự bảo vệ mình. 

Đứng trên phương diện pháp lý, luật sư Nguyễn Hoàng Hải phân tích, tội cố ý gây thương tích cần phải dựa trên tỷ lệ thương tật và hành vi gây án. Ví dụ, căn cứ theo kết luận giám định pháp y về tỷ lệ thương tích, rất có thể người trực tiếp gây ra thương tật phải chịu hình phạt theo quy định tại Khoản 2 hoặc 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù, cụ thể: Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31-60% hoặc từ 11-30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k, Khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31-60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k Khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.

Đặc biệt theo quy định tại Điều 110, tội hành hạ người khác: người phạm tội có những hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình như đánh đập và những hành động bạo lực khác có hệ thống (ở đây, phạm tội hành hạ đối với trẻ em, người không có khả năng tự vệ) thì luôn đi kèm với tình tiết tăng nặng.

Luật sư Phạm Thành Tài, Đoàn Luật sư Hà Nội đánh giá, pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe với hành vi bạo hành trẻ em và cũng chưa có quy định xử phạt chính quyền địa phương nơi để xảy ra bạo hành trẻ em. Nguyên nhân chính là việc giáo dục luật pháp của chúng ta chưa đến nơi đến chốn, đôi khi còn mang tính hình thức.

Để giải quyết được vấn đề này cần có sự kết hợp của nhiều ngành... đặc biệt cần phải nâng cao giáo dục, nhận thức, trách nhiệm của người lớn đối với quyền trẻ em. Nhà nước ta đã ban hành nhiều bộ luật để bảo vệ quyền trẻ em. Sự thờ ơ, vô cảm hoặc tâm lý nể nang, sợ bị trả thù, đã khiến những người xung quanh không can thiệp hoặc tố giác. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ các quyền của trẻ em nhiều nơi còn chưa tốt.

Chính vì vậy, để ngăn chặn vấn nạn bạo lực trẻ em thì phải nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường sự hợp tác giữa gia đình - nhà trường - xã hội, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp bảo vệ trẻ em, nhất là những cháu có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, từ đó thế hệ tương lai của chúng ta mới có được môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Phương Thủy
.
.