Bầu Kiên phủ nhận trốn thuế

Thứ Tư, 04/06/2014, 16:40

Cùng với thời tiết ban ngày có lúc lên tới gần 40oC, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên (thường gọi là bầu Kiên) cùng đồng phạm tiếp tục "nóng" với phần thẩm vấn các hành vi trốn thuế và kinh doanh trái phép.

Có mặt tại phiên tòa và khi được gọi thẩm vấn, bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên, người đại diện được ủy quyền của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại B&B (Công ty B&B) ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Ngân hàng ACB đã trả lời khá "cẩu thả" rằng vì tin tưởng chồng nên trong giai đoạn nghỉ ở nhà sinh con, bầu Kiên đưa giấy tờ gì bà đều ký?

Theo cáo buộc của cơ quan công tố, căn cứ giấy ủy quyền số 01/2008- GUQ của Nguyễn Đức Kiên, bà Đặng Ngọc Lan đại diện Công ty B&B ký Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính số 01-VGS/HĐUT.08 với Ngân hàng ACB. Nội dung thể hiện: Công ty B&B ủy thác cho Ngân hàng ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam theo văn bản của Công ty B&B.

Theo đó, từ ngày 25/12/2008 đến 31/12/2009, Công ty B&B đã có văn bản ủy thác cho Ngân hàng ACB mở trạng thái vàng bằng 117 lệnh và tất toán trạng thái mở bằng 142 lệnh đóng với tổng khối lượng giao dịch trạng thái vàng mua và bán là 440.250 ounce. Sau khi trừ chi phí vốn và phí ủy thác, Công ty B&B thu được lãi số tiền hơn 100 tỉ đồng.

Do biết Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, bà Đặng Ngọc Lan đã ký Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính số 010109/UTĐT với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái bầu Kiên và là cổ đông của Công ty B&B) với nội dung: Nguyễn Thúy Hương ủy thác cho Công ty B&B đầu tư vào việc kinh doanh vàng ghi sổ  với số lượng mua/bán là 600.000 lượng vàng SJC (tương đương với 720.000 ounce), trong đó giao dịch trạng thái vàng nước ngoài là 45.000 ounce, giao dịch trạng thái vàng trong nước là 37.500 lượng vàng SJC.

Bà Nguyễn Thúy Hương không phải đặt cọc nhưng phải trả cho Công ty B&B phí ủy thác là 1% lợi nhuận gộp sau khi trừ các khoản chi phí vốn, chi phí lãi vay Ngân hàng ACB khoản ký quỹ đầu tư và bà Hương là người quyết định giá mua, giá bán vàng, giá giao dịch trạng thái vàng.

Cùng ngày, bà Nguyễn Thúy Hương cùng với bà Đặng Ngọc Lan và Nguyễn Đức Kiên ký một bản Phụ lục hợp đồng với nội dung: Nguyễn Thúy Hương đồng ý để Công ty B&B được ủy thác lại cho Ngân hàng ACB thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kinh doanh vàng.

Đồng thời bà Hương ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên đại diện quyết định và chỉ định cho Công ty B&B thực hiện các vấn đề liên quan đến hoạt động mua bán theo Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính nói trên, toàn bộ lời ăn, lỗ chịu.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên.

Cũng theo bản Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính này, Công ty B&B xác định kết quả ủy thác đầu tư của bà Hương thu được lợi nhuận gộp là hơn 68 tỉ đồng, theo đó Công ty B&B được hưởng 1% phí ủy thác là 688 triệu đồng, còn bà Hương được hưởng 99% lợi nhuận gộp còn lại. Giai đoạn sau đó, Công ty B&B lại một lần nữa xác định kết quả ủy thác đầu tư của bà Hương thu được lợi nhuận gộp là gần 32 tỉ đồng. Tổng cộng cả 2 lần xác định tương đương 100 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cũng theo cáo buộc, do Công ty B&B không có đăng ký ngành nghề kinh doanh nhận ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài nên cả Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng nói trên giữa bà Nguyễn Thúy Hương và Công ty B&B là không hợp pháp.

Ngày 30/1/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an có công văn yêu cầu Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính xác định nghĩa vụ nộp thuế của Công ty B&B. Sau đó, Tổng cục thuế đã có văn bản trả lời khẳng định Công ty B&B phải kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ hoạt động ủy thác đầu tư tài chính với Ngân hàng ACB số tiền hơn 25 tỉ đồng.

Như vậy, tính trong năm 2009, Công ty B&B đã thực hiện các lệnh ủy thác cho Ngân hàng ACB mua bán vàng trạng thái thu được lãi số tiền hơn 100 tỉ đồng nhưng chỉ bằng việc ký Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính và Phụ lục hợp đồng, Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng của công ty cho bà Nguyễn Thúy Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền hơn 25 tỉ đồng.

Trả lời thẩm vấn, bà Nguyễn Thúy Hương cũng trình bày rằng do tin tưởng vào anh trai, nên khi được gợi ý bà đã tham gia đầu tư kinh doanh vàng trạng thái, chứ thực tình thì bà "không có năng lực nên ủy thác cho Công ty B&B kinh doanh hộ"? Đại diện Cơ quan giám định cũng đã xác định lại một lần nữa trước tòa về khoản thu nhập phát sinh tính thuế là 100 tỉ đồng. Trước tòa, đại diện Chi cục Thuế Đống Đa (nơi Công ty B&B đóng trụ sở) cũng cho biết, theo nguyên tắc luật thuế phải khấu trừ tại nguồn.

Trong trường hợp Công ty B&B có lợi nhuận 100 tỉ đồng thì phải được khấu trừ luôn. Việc chuyển cho bà Nguyễn Thị Hương rồi mới "vận dụng" theo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế thu nhập cá nhân để không phải nộp thuế là không đúng nguyên tắc.

Tại tòa, Nguyễn Đức Kiên đã phủ nhận việc trốn thuế trong thương vụ kinh doanh vàng này và một mực khẳng định việc áp dụng Nghị quyết của Quốc hội miễn giảm thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009 trong trường hợp của bà Nguyễn Thúy Hương là không có gì sai!

Phiên tòa dự kiến tiếp tục đến hết ngày 5/6/2014

Mai Khuê
.
.