Phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm:

“Bầu” Kiên với tập đơn kháng cáo dày 118 trang để chối tội(!)

Thứ Ba, 16/12/2014, 15:25
Chiếc xe BMW láng coóng đỗ xịch trước cổng Tòa án. Từ trên xe bước xuống là một phụ nữ trung niên ăn mặc sang trọng, đi sát bên là người đàn ông vạm vỡ đeo kính đen trông giống vệ sĩ. Nếu không biết trước người phụ nữ này là vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên tới phiên tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án do Kiên là chủ mưu, thì hẳn người ta lầm tưởng bà ấy đi…dự tiệc.

Có vệ sĩ hộ tống đến tòa?

Sáng 28/11, TAND Tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm phạm các tội: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Thẩm phán Đặng Bảo Vĩnh làm Chủ tọa phiên tòa này. Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm nên ngay từ sáng sớm, phóng viên các cơ quan báo chí và nhiều người dân  đã có mặt tại cổng trụ sở TAND Tối cao ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình để theo dõi phiên xử.

Bị cáo Kiên trình bày nội dung kháng cáo.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND, trước 7 giờ sáng, lực lượng Cảnh sát trại giam đã đưa Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tới trụ sở Tòa án phục vụ công tác xét xử. Để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong và ngoài phòng xử án, Công an TP Hà Nội cũng cử nhiều đơn vị tới khu vực này làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, kiểm tra an ninh, chỉ dẫn vị trí cho những người tới tham dự phiên tòa được thuận lợi. Ngân hàng ACB được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án đã cử đại diện tham dự. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát và ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cũng có mặt tại phiên tòa này với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Ngoài ra còn có đại diện hơn 80 cơ quan, đơn vị, ngân hàng, công ty, tổ chức và các cá nhân liên quan đến vụ án này được Tòa triệu tập với các tư cách là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo kiểm tra của Thư ký phiên tòa trong ngày xét xử đầu tiên thấy vẫn còn vắng mặt một số thành phần đã được Tòa triệu tập. Trong số 12 luật sư tham gia bào chữa cho 6 bị cáo có đơn kháng cáo thì riêng bị cáo Kiên có 4 luật sư.

Đến sát giờ HĐXX làm việc, vợ bị cáo Kiên là bà Đặng Ngọc Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại B&B mới tới trên chiếc ôtô BMW sang trọng. Đi cạnh bà Lan là một người đàn ông vạm vỡ mà theo phán đoán của những người dự phiên tòa thì người đàn ông này là vệ sĩ (?). Bà Lan được Tòa phúc thẩm triệu tập tới tham dự phiên xử với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Bà Đặng Ngọc Lan tới tòa. Ảnh: TT.

Do bị chú ý nhiều nên sau khi xuất trình giấy triệu tập của Tòa cho lực lượng Cảnh sát bảo vệ, bà Lan bước ngay vào trong phòng xử án. Khi HĐXX hỏi trong phần thủ tục, bà Lan vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh như đã từng thể hiện ở phiên tòa sơ thẩm diễn ra cách đây 6 tháng. Trước khi bà Lan tới thì em gái của bị cáo Kiên - bà Nguyễn Thúy Hương, là người có quyền nghĩa vụ liên quan đến vụ án này cũng đã có mặt tại phòng xử án. Vợ chồng, anh em bị cáo Kiên gặp nhau chốn công đường nhưng mỗi người một tâm trạng. Kiên được xác định là tội phạm, thì vợ và em Kiên được xác định là người liên quan đến hành vi phạm tội của Kiên. 

Vẫn hoạt khẩu như thời làm ông chủ

Xuất hiện tại phiên xử ngày đầu tiên, Kiên là bị cáo duy nhất trong số 6 bị cáo mang theo bên mình tập hồ sơ dày và chăm chú nghiên cứu trước vành móng ngựa suốt thời gian hơn một tiếng đồng hồ khi HĐXX làm thủ tục kiểm tra căn cước các bị cáo cũng như những người tham gia tố tụng. Trong phần thủ tục, bị cáo Kiên được HĐXX hỏi sau cùng.

Lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.

Dù không còn ngông như ở phiên tòa sơ thẩm, nhưng trong giọng nói của Kiên vẫn thể hiện thái độ kẻ cả. Chỉ khác là khi đứng trước vành móng ngựa, Kiên không còn "chém gió" như khi phát biểu tại một số cuộc họp liên quan đến lĩnh vực ngân hàng hoặc lĩnh vực bóng đá mà Kiên từng tham dự với vị thế của một ông chủ. Kiên đề nghị HĐXX triệu tập thêm đại diện nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và cả vài cá nhân nào đó mà Kiên cho là có liên quan đến vụ án này. Kiên nói liên tục chừng 15 phút bằng chất giọng hùng hồn rồi bỗng ôm ngực đứng lặng yên. Một vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho Kiên nói với HĐXX rằng: "Kiên bị bệnh cao huyết áp và bệnh tim nên khi nói nhiều sẽ ảnh hưởng sức khỏe". Vị Chủ tọa lập tức hỏi: "Bị cáo Kiên có đủ sức khỏe tham dự phiên tòa không?". Kiên trả lời: "Không sao, tôi nghỉ nói một chút là ổn".

Và quả đúng như lời Kiên nói, chỉ nghỉ ít phút, Kiên lại nói tiếp một mạch dài mà chẳng nhầm lẫn chữ nào. Có lẽ trước ngày đến phiên tòa phúc thẩm, Kiên đã chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng (?). Rồi cảm thấy như chưa dành trọn niềm tin đối với cả 4 vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình, Kiên hỏi HĐXX: "Ngoài ý kiến bào chữa của luật sư, tôi có thể tự bào chữa cho mình không? và "mặc cả": “Nếu tôi có quyền đó thì HĐXX để cho tôi nói nhiều hơn ở phiên tòa sơ thẩm?". Trong phiên tòa phúc thẩm này, có 6 bị cáo làm đơn kháng cáo thì 5 trong số đó xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Kiên kháng cáo không thừa nhận quy kết như bản án sơ thẩm đã tuyên. Hai bị cáo không làm đơn kháng cáo, cũng không có kháng nghị của Viện Kiểm sát là Trần Ngọc Thanh, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Nguyễn Thị Hải Yến, nguyên Kế toán trưởng công ty này.

Sau khoảng hơn 30 phút tuyên bố tạm dừng phiên xử để hội ý, vị Chủ tọa phiên tòa thông báo, tài liệu trong hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ lời khai của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trước khi phiên tòa này diễn ra, Tòa án cũng đã có giấy triệu tập đủ. Tuy nhiên do một số người đang mắc bệnh nặng, một số người có lý do chính đáng nên không thể có mặt tại phiên xử ngày hôm nay. Vậy nên trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết thì HĐXX sẽ tiếp tục triệu tập họ tới phiên tòa. Ngay khi kết thúc phần thủ tục để chuyển sang phần xét hỏi, có một sự cố đã diễn ra. Đó là khi HĐXX đang tóm tắt nội dung bản án sơ thẩm thì bị cáo Trần Ngọc Thanh bị ngất xỉu tại phòng xử án và đã được cơ quan y tế đưa đi cấp cứu. Việc xét xử vẫn diễn ra ngay sau đó. Cuối giờ chiều ngày xét xử thứ nhất, HĐXX đã cách ly bị cáo Kiên ra khỏi phòng xử án để tiến hành thẩm vấn các bị cáo khác.

Sang ngày xét xử thứ hai (1/12), Kiên tiếp tục thể hiện tài hùng biện khi nói một mạch cả tiếng đồng hồ những vấn đề liên quan đến việc kháng cáo bản án sơ thẩm. Kiên đề nghị HĐXX cho phép đọc toàn bộ 118 trang đơn kháng cáo gửi Tòa phúc thẩm với nội dung không đồng tình với bản án sơ thẩm. Ngoài ra, Kiên còn một đơn khiếu nại dài hơn 26 trang gửi Viện KSND Tối cao. Kiên cho rằng, bản án của Tòa sơ thẩm tuyên phạt mình 30 năm tù về 4 tội danh là chưa xem xét nội dung vụ án một cách toàn diện. Cũng bởi nói nhiều và lan man nên Kiên đã vài lần bị nhầm lẫn, khi bảo "bản án sơ thẩm là do Tòa phúc thẩm tuyên nên kháng cáo bản án của Tòa phúc thẩm". Vị Chủ tọa nhiều lần yêu cầu Kiên bình tĩnh, nói rõ bản chất từng vấn đề thay vì cứ nói liên miên.

Không dưới hai lần, Kiên phải nói lời xin lỗi HĐXX phúc thẩm vì sự nhầm lẫn của mình. Và đến cuối buổi sáng thì những người dự khán thấy rõ sự mệt mỏi của Kiên. Kiên đề nghị HĐXX cho phép mình được ngồi để trả lời thẩm vấn. Mới sang ngày xét xử thứ hai, nhưng giọng nói của Kiên không còn giữ mạch hùng hồn như ngày đầu. Trong hai ngày đầu xét xử, HĐXX tập trung thẩm vấn bị cáo Kiên về hành vi kinh doanh vàng trái phép và kinh doanh tài chính trái phép tại 6 công ty do Kiên lập ra và Kiên đều giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch HĐTV. Tuy nhiên, Kiên không thừa nhận hành vi phạm tội như án sơ thẩm quy kết.

* Bản án sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù về 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài hình phạt tù, Kiên còn bị buộc phải nộp phạt số tiền 75 tỉ đồng về hành vi trốn thuế và 100 triệu đồng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan đến vụ án này, bị cáo Trần Ngọc Thanh bị phạt 5 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến 5 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với nhóm bị cáo phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: Bị cáo Lý Xuân Hải bị phạt 8 năm tù; bị cáo Phạm Trung Cang 3 năm tù; bị cáo Trịnh Kim Quang 4 năm tù; bị cáo Lê Vũ Kỳ 5 năm tù và bị cáo Huỳnh Quang Tuấn 2 năm tù.

* 6 bị cáo có đơn kháng cáo được đưa ra xét xử phúc thẩm: Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB; Trịnh Kim Quang, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; Phạm Trung Cang, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB và Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng ACB.

Nguyễn Hưng
.
.