Dư luận phẫn nộ khi đồng phạm của “con quái vật ở Charleroi” được tự do

Thứ Ba, 05/07/2016, 20:10
Trong phiên xử cuối cùng vào ngày 28-6 vừa qua, Tòa án Tối cao Bỉ đã quyết định trả tự do có điều kiện cho Michelle Martin 56 tuổi, đồng phạm của tên tội phạm ấu dâm kiêm giết người hàng loạt Marc Dutroux, nổi danh qua biệt hiệu "con quái vật ở Charleroi" khiến dư luận hết sức bất bình. Kết cục vụ án đã làm hoen ố hình ảnh của công lý Bỉ, một trong những quốc gia có nền tư pháp tiêu biểu ở châu Âu.

Trước đó theo phán quyết của Tòa án thành phố Mons vào giữa tháng 7-2015, dựa theo luật định xét thấy nữ can phạm M. Martin đã chấp hành hơn 1/3 mức án tù giam, hội đủ tiêu chuẩn được chuyển sang chế độ cải tạo không giam giữ để tái hòa nhập cộng đồng. 

Phán quyết này ngay lập tức vấp phải sự chống đối kịch liệt từ phía gia đình các nạn nhân, bởi con em họ từng bị biến thành nô lệ tình dục rồi cố tình thủ tiêu mà Michelle là kẻ tiếp tay tích cực. Họ cùng nhau đệ đơn kháng án lên Tòa Phúc thẩm Tối cao ở thủ đô Brussels.

Một người trong đoàn tuần hành phản đối trước trụ sở Tòa án Tối cao ở Brussels.

Lật lại hồ sơ vụ án, trong giai đoạn từ năm 1995 đến 1996, M. Dutroux, một thợ điện thất nghiệp đã bắt cóc 6 thiếu nữ trong độ tuổi từ 8 đến 19, giam giữ họ tại những địa điểm bí mật trong nhiều ngôi nhà của hắn ở thành phố Charleroi, thuộc tỉnh Hainaut miền trung nước Bỉ. Hung thủ lần lượt cưỡng hiếp rồi biến họ thành thứ "đồ chơi tình dục", cũng như đích thân quay phim khiêu dâm với sự trợ giúp của vợ y là M. Martin.

Trong số 4 nạn nhân thiệt mạng sau đó, Michelle đã liên quan trực tiếp tới cái chết của 2 bé gái 8 tuổi là Julie Lejeune và Melissa Russo, do thị cố tình bỏ đói không cho các bé ăn uống. Điều tồi tệ này xảy ra trong năm 1995, đúng vào thời điểm Marc đang bị tạm giữ ngắn hạn vì tình nghi ăn trộm xe hơi.

Kẻ phạm tội khét tiếng M. Dutroux.

Tới cuối năm 1996 cả 2 vợ chồng M. Dutroux và M. Martin đều bị bắt giam chờ ngày ra tòa lĩnh án. Quá trình điều tra xét xử kéo dài suốt 8 năm ròng, trong giai đoạn này Michelle đã quyết định li dị Marc hòng giảm bớt sự ràng buộc pháp lý. Đến ngày 22-6-2004 bồi thẩm đoàn 12 người đã nhất trí tuyên phạt "con quái vật ở Charleroi" M. Dutroux mức án chung thân, còn với cựu giáo viên mẫu giáo M. Martin là 30 năm tù giam. Ngoài ra một kẻ tòng phạm khác là Michel Lelievre lĩnh mức án 25 năm tù.

Vụ Dutroux gây rúng động cả nước Bỉ cũng như toàn châu Âu, vì không ai hình dung nổi những kẻ bệnh hoạn lại ngang nhiên tồn tại giữa thời đại văn minh. Còn M. Martin được truyền thông địa phương bêu danh như là "người đàn bà bị căm ghét nhất nước Bỉ".

Giới tư pháp ở Mons lập luận rằng, phạm nhân Michelle  được tha bổng, bởi đã hội đủ 3 tiêu chuẩn theo quy định là chấp hành hình phạt được 1/3 mức án, có quá trình cải tạo tốt và chấp nhận các điều kiện giám sát sau khi được phóng thích. Michelle làm đơn xin được tạm tha tới lần thứ 5 mới được chấp nhận.

Nữ can phạm M. Martin rời tòa sau khi có phán quyết trả tự do có điều kiện.

Đương sự sẽ sống 18 năm còn lại tại một tu viện trong làng Malonne cách Brussels 60km về phía đông, với chế độ làm việc bán thời gian mỗi ngày và được nghỉ 2 ngày cuối tuần như những người bình thường khác. Michelle không được bén mảng tới những nơi từng sống với Marc trước đây cũng như tới gần gia đình các nạn nhân, đồng thời phải có nghĩa vụ bồi thường thỏa đáng cho thân nhân người bị hại và không được tiếp xúc với báo giới. Ngoài ra khi cảnh sát triệu tập vào bất cứ thời điểm nào cũng phải có mặt, không được trì hoãn vì bất cứ lý do gì.

Vấn đề nổi cộm là liệu M. Martin có thực sự muốn phục thiện để trở thành con người mới hay không? Cần nhắc lại dạo năm 1989 vợ chồng nhà Dutroux đã bị kết án về tội bắt cóc và hãm hiếp 5 bé gái, Marc lĩnh mức án 13 năm rưỡi tù giam, còn Michelle là 5 năm "nằm ấp". Nhưng chỉ 3 năm sau chúng được trả tự do nhân đợt ân xá đặc biệt trên toàn nước Bỉ, do đức Vua Baudouin (1930-1993) ban hành nhân kỷ niệm 4 thập niên trị vì.

Vậy mà chưa đầy 3 năm sau, chúng lại gây tội ác tương tự với 6 thiếu nữ ở Charleroi. Do vậy thật khó mà tin rằng M. Martin sẽ ăn năn hối lỗi thực sự. Luật sư Georges-Henri Potter biện hộ cho phía nguyên đơn, cho biết là các thân chủ của ông sẽ kháng cáo lên Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECtHR), có trụ sở tại Strasbourg (Pháp) nhằm "lật lại thế cờ". Đại diện nguyên đơn cũng đã trực tiếp gặp Thủ tướng Charles Michel và Bộ trưởng Tư pháp  Koen Geens, để trao bản kiến nghị về những thay đổi trong luật pháp, đòi những kẻ tội phạm như M. Martin không được xét tha bổng.

Thủ tướng C. Michel đã trả lời họ rằng cho dù kiến nghị có được đáp ứng sớm, thì vẫn không thể áp dụng vào trường hợp của nữ can phạm M. Martin vì "pháp luật không có hiệu lực hồi tố". Còn Bộ trưởng K. Geens phát biểu với phóng viên tờ Le Soir, một trong những tuần báo Pháp ngữ hàng đầu xuất bản tại Brussels, rằng Bộ Tư pháp Vương quốc Bỉ cũng đang soạn thảo điều luật sửa đổi, chỉ cho phép phóng thích những phạm nhân đã trải qua 2/3 mức án ở nơi giam giữ".

Vương quốc Bỉ vốn nổi danh trong việc đối xử cởi mở với giới phạm nhân, như bãi bỏ án tử hình sớm nhất, thường xuyên xem xét giảm nhẹ án phạt và xây dựng các trại giam theo mô hình nhà tù - khách sạn.

Nhưng riêng kết cục vụ án M. Martin đã gặp phải sự phẫn nộ chưa từng có trong công chúng. Hơn 2.000 người đã tuần hành liên tục trước trụ sở Tòa án Tối cao ở thủ đô Brussels, cũng như quanh tòa tu viện tại Malonne, cùng biểu ngữ ghi bằng cả 3 thứ tiếng Pháp, Đức và Hà Lan là những ngôn ngữ phổ biến ở Bỉ: "Sự sỉ nhục", ám chỉ phán quyết từ cơ quan tư pháp cao nhất không hợp lòng dân.

Thu Hường (tổng hợp)
.
.