Bỉ: Nghi vấn về vụ tham nhũng lớn nhất trong ngành tư pháp

Thứ Bảy, 12/09/2009, 10:15
Hàng loạt thẩm phán cao cấp tại Vương quốc Bỉ đang bị tình nghi thiết lập một hệ thống tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay tại vương quốc này. Đích thân Bộ trưởng Tư pháp nước này đã vào cuộc chỉ đạo công tác điều tra. Đối tượng tình nghi số 1 hiện nay là Chủ tịch Tòa thương mại Bruxelles.

Toàn bộ ngành luật pháp Bỉ đã chao đảo sau tiết lộ của nhật báo kinh tế De Tijd. Trong số báo ra ngày 13/8 vừa qua, tờ De Tijd cho biết Cảnh sát tư pháp Bỉ đang nghi ngờ rất nhiều thẩm phán cấp cao dính líu vào một đường dây tham nhũng và làm giả giấy tờ lớn nhất từ trước đến nay tại vương quốc này. Ngoài ra, cảnh sát cũng tố cáo cả Viện Kiểm sát Bruxelles và Viện Kiểm sát thuộc Tòa án tối cao Vương quốc Bỉ đã cố tình ngăn cản công tác điều tra của cảnh sát để bảo vệ các thẩm phán của họ. Đây là lý do khiến đích thân Bộ trưởng Tư pháp Bỉ, Stefaan De Clerck, trực tiếp vào cuộc chỉ đạo công tác điều tra.

Glenn Audenaert, Giám đốc Cảnh sát Tư pháp Bruxelles, cơ quan tố cáo vụ tham nhũng lớn trong ngành Tư pháp Bỉ.
Về phần mình, ông Glenn Audenaert, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát tư pháp Vương quốc Bỉ, khẳng định với tờ Le Soir tính xác thực của những thông tin liên quan tới hệ thống tham nhũng trong bộ máy tổ chức quan tòa. Ông Glenn Audenaert cho biết hệ thống này hoạt động phức tạp và tinh vi.

Mọi việc bắt đầu từ năm 2004 sau khi có vụ khám xét nhà của luật sư Robert Peeters do người này bị tình nghi tham ô. Cụ thể Robert Peeters đã tống tiền một số doanh nhân khi đe dọa sẽ công bố những quỹ đen của họ trước công luận. Để thực hiện vụ tống tiền này, viên luật sư trên đã nhận được sự giúp đỡ có hệ thống của các thẩm phán và tư vấn viên tòa án. Theo các nhà điều tra, những người này đáng lý phải công bố những lời phán quyết và các bản án để giao cho bộ phận thi hành án thực thi bản án đối với những doanh nhân phạm tội trên, nhưng họ đã không làm đúng theo trình tự tư pháp.

Kết luận cuộc điều tra khi đó chỉ rõ các thẩm phán và tư vấn tòa án có liên quan đã nhận được tiền “lại quả” từ sự hợp tác của họ với Robert Peeters. Vụ việc trên đã bước sang một mức độ lớn hơn sau khi người ta biết rằng một trong những thẩm phán có liên quan trong vụ tham ô trên chính là Francine de Tandt, hiện là Chủ tịch Tòa thương mại Bruxelles.

Francine De Tandt, Chủ tịch Toà Thương mại Bruxelles, đang là nghi can số 1.

Tháng 11/2008, chính bà thẩm phán này đã ra quyết định ủng hộ giải pháp của Chính phủ Bỉ trong việc bán cổ phần Ngân hàng Fortis (gồm 3 nước châu Âu góp vốn là Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) cho Ngân hàng BNP Paribas của Pháp. Quyết định này mở màn cho hàng loạt các đơn kiện của các cổ đông nhỏ do lo sợ bị mất trắng vốn đầu tư. Tuy nhiên, quyết định của bà Francine de Tandt sau đó đã bị Tòa phúc thẩm Bruxelles bác để bảo vệ quyền lợi cho những cổ đông nhỏ của ngân hàng này.

Vụ việc giải cứu Ngân hàng Fortis sau đó đã lằng nhằng tới nhiều tháng trời. Báo chí Bỉ khi đó đã nói tới một vụ "Fortisgate" cả về phương diện kinh tế lẫn chính trị. Thậm chí việc không thể cứu nguy cho ngân hàng này do khủng hoảng kinh tế đã khiến Thủ tướng Bỉ Yves Leterme phải từ chức ngày 22/12/2008. Chính vì vậy, những tác động của vụ Fortisgate đối với vụ bê bối tham nhũng hiện nay là không nhỏ.

Hiện là nghi can hàng đầu, nhưng bà Francine de Tandt vẫn khẳng định với giới báo chí rằng bà đang là nạn nhân của một vụ thanh toán chính trị, và cho biết chưa hề nhận được thông báo nào về những lời cáo buộc đối với mình. Luật sư Robert Peeters, hiện vẫn nằm trong diện điều tra của cảnh sát vì bị tình nghi tham ô, cũng tuyên bố với Đài Phát thanh RTL của Bỉ rằng: "Thật là nực cười, đó là những lời viện dẫn của một số người đang muốn kết tội những lời phán xét của bà De Tandt".  Robert Peeters còn tố cáo đây là một âm mưu của Cảnh sát Tư pháp Bruxelles nhằm bảo vệ những doanh nhân vốn bị nghi là bạn hữu của họ.

Chính tiết lộ hồi tháng 12/2008 về việc các thành viên trong nội các chính phủ tiếp xúc với một số thẩm phán có dính líu tới vụ Fortis cả ở cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm, đã khiến Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Jo Vandeurzen từ chức. Ngày 17/8, các đảng phái chính trị tại Bỉ đều lên tiếng yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Stefaan De Clerck phải có thái độ trước những cáo buộc của Cảnh sát Tư pháp Bruxelles nhằm vào bà chủ tịch Tòa thương mại.

Sang ngày 18/8, ông De Clerck đã ra lệnh mở cuộc điều tra hình sự để buộc tội hoặc minh oan đối với bà De Tandt. Ngoài ra, ông De Clerck cũng yêu cầu lật lại cuộc điều tra mang tính kỷ luật đối với bà  De Tandt được tiến hành cách đây 2 năm. Bộ Tư pháp Bỉ cũng yêu cầu ông biện lý hoàng gia tại Bruxelles, từ nay tới cuối tháng 8/2009, phải có báo cáo về các thủ tục tố tụng đối với hồ sơ vụ tham ô của luật sư Robert Peeters.

Mặc dù không công khai yêu cầu bất cứ ai liên quan tới vụ bê bối này từ chức, nhưng ông Stefaan De Clerck đã đưa ra lời kêu gọi trách nhiệm đối với từng cơ quan và bộ phận có liên quan để xảy ra vụ việc trên. "Tôi không thể chấp nhận việc người ta nói rằng ngành tư pháp Bỉ đang bị tha hóa" - ông De Clerck cho biết

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.