1 triệu USD bồi thường cho 39 năm ngồi tù oan uổng

Thứ Năm, 02/04/2015, 11:39
Ngày 23/3 vừa qua, bà Mary Taylor - Phó Thống đốc tiểu bang Ohio (Mỹ) đã đến tận nhà riêng của ông Ricky Jackson 58 tuổi để trao tấm ngân phiếu trị giá 1 triệu USD, là số tiền bồi thường cho 39 năm phải ngồi tù oan uổng, cũng là mức án tù oan kỷ lục trong lịch sử tư pháp Mỹ.

Trước đó vào cuối tháng 11/2014, Tòa án tiểu bang Ohio đã tiến hành thủ tục xem xét lại lần thứ 2 mức án tù chung thân đã tuyên đối với phạm nhân R. Jackson, chiểu theo luật của tiểu bang quy định trung bình sau mỗi 20 năm phải tái thẩm định toàn bộ hồ sơ vụ án để tránh tình trạng oan sai.

Kết quả vào ngày 21/11/2014, tòa đã ra phán quyết trả tự do cho tù nhân R. Jackson, đồng thời buộc chính quyền địa phương phải bồi thường số tiền là 1 triệu USD cho gần 40 năm tù tội oan ức.

Theo hồ sơ vụ án, hung thủ R. Jackson 18 tuổi, cùng với 2 kẻ đồng phạm cũng là 2 anh em ruột Ronnie Bridgeman 19 tuổi và Wiley Bridgeman 20 tuổi, đã cùng nhau hành hung rồi bắn chết ông Harold Franks, chủ một cửa hàng thực phẩm tiện ích ở thành phố Cleveland vào trưa ngày 19/5/1975.

Dựa vào nhân chứng duy nhất là chú bé Eddie Vernon, 12 tuổi, người hàng xóm của nạn nhân, đã khai với các nhân viên điều tra rằng mình chứng kiến toàn bộ diễn tiến của vụ cố sát có chủ ý.

Khoảnh khắc phạm nhân R. Jackson nghe quyết định phóng thích.

Trong phiên xử sơ thẩm, Tòa án thành phố Cleveland đã tuyên phạt cả 3 hung thủ mức án tử hình, bất chấp sự kêu oan của các bị cáo. Rồi nhóm tử tù quyết định đệ đơn kháng cáo, đến năm 1977, Tòa án tiểu bang Ohio tiến hành xét xử phúc thẩm, hạ xuống mức án chung thân cho cả 3 bị cáo do luật bãi bỏ án tử hình vừa có hiệu lực.

Tháng 3/2014, nhân chứng E. Vernon lúc này đã 51 tuổi tiết lộ với người thân của nhóm tù nhân, rằng mình bắt buộc phải "khai đại" do bị cảnh sát ép cung.

"Sở dĩ tôi chợt nhớ đến tên tuổi của 3 người, vì họ thường đi nhờ xe bus chở học sinh và xuống cùng với tôi ở trạm dừng ngay trước cửa tiệm của ông Franks", nhân chứng duy nhất E. Vernon cho biết. Rồi E. Vernon cũng lặp lại lời chứng trên trước Tòa án quận.

Về phần anh em nhà Bridgeman đã được phóng thích hơn chục năm trước do có vấn đề về sức khỏe. Wiley được trả tự do năm 2002 sau 26 năm giam giữ, còn Bridgeman được thả năm 2003. Chỉ còn mỗi mình R. Jackson vẫn phải chấp hành bản án oan nghiệt. Vụ án của R. Jackson đã đi vào lịch sử tư pháp Mỹ như là phạm nhân chịu án tù oan với thời gian lâu nhất.

Thu Hường (theo The Washington Post)
.
.