Bí ẩn vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme

Thứ Ba, 19/02/2019, 13:54
Cách đây đúng 33 năm, vào buổi tối ngày 28-2-1986 ông Olof Palme, 59 tuổi, đương kim Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển bị một kẻ lạ mặt ám sát, khi đang trên đường từ rạp phim cùng bà vợ Lisbeth Palme (1931-2018) trở về nhà.

Hung thủ đã bắn phát đạn đủ sức kết liễu nạn nhân, cho dù ông có mặc áo giáp chống đạn bên trong là bằng chứng nói lên tính chuyên nghiệp của kẻ ám sát. Suốt hơn 3 thập niên qua, một Ủy ban đặc biệt hỗn hợp quy tụ các ngành lập pháp Thụy Điển với gần 300 chuyên viên, làm việc tới 20 giờ mỗi ngày không biết tới ngày nghỉ dày công dò tìm, nhưng hung thủ vẫn biệt tăm…

Người ta tìm đến mọi khả năng để điều tra vụ án: từ những tổ chức cực hữu ở Tây Đức, qua mafia Italy tới các nhóm khủng bố người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ; từ những người nhập cư gốc Croatia, qua bọn tân phát xít đến các nhóm cực tả châu Âu… bất cứ tổ chức nào có khả năng - dù là mong manh - nhúng tay vào chuyện này. Cả Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) cũng được mời tham gia vào công cuộc điều tra…

Một kẻ từng bị tình nghi là thủ phạm là Victor Gunanrson, 33 tuổi, bị buộc tội rồi lại được thả ra. Kế đến là “đường dây Chile” với nhân vật chủ yếu là Michael Townley - kẻ mang quốc tịch Mỹ nhưng cư ngụ tại Chile. Hắn là kẻ đã tổ chức vụ ám hại ông Orlando Letelier, một trong những “trở ngại chính” cho nhà độc tài Augusto Pinochet dạo cuối tháng 9-1976 tại Washington. Mật vụ Chile (DINA) dưới thời Pinochet trong hơn chục năm trời luôn tìm cách ám sát O. Palme, bởi ông thường lên án cuộc đảo chính đẫm máu lật đổ Tổng thống hợp hiến Salvador Allende.

Người Thụy Điển đã có bằng chứng về việc DINA từng định ám hại ông Palme vào nửa đầu năm 1975, khi cử M. Townley sang châu Âu gặp các nhóm khủng bố cực hữu, cũng như hợp tác với các sắc dân gốc Croatia và Ukraine ly khai. Dưới sự trợ giúp từ lực lượng cực hữu tại Italy, hắn đã tổ chức ám sát ông Bernardo Leighton - vị đại diện đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (PDC) đối lập ở Chile.

Ông này cũng bị bắn khi đang đi bên vợ, nhưng may mắn sống sót. Tới mùa thu năm 1976 thì M. Townley tổ chức ám sát ông O. Letelier - cựu Đại sứ Chile tại Mỹ, bằng cách gài bom hẹn giờ khiến chiếc xe chở ông nổ tung giữa khu ngoại giao ở thủ đô Washington D.C. Vì sự đòi hỏi gắt gao của người Mỹ, Chile bắt buộc phải dẫn độ M. Townley  sang cho Mỹ xử.

Một trong những bức ảnh cuối cùng về vị Thủ tướng O. Palme.

Hắn cũng trơ trẽn thừa nhận trước Tòa án Mỹ rằng, theo lệnh của DINA đã 2 lần định giết O. Palme khi ông ra nước ngoài, nhưng không gặp dịp thích hợp. Tuy nhiên giới chức điều tra Thụy Điển cũng cho rằng, vụ án mà kẻ phạm tội đã nhanh chân tẩu thoát không nhất thiết phải do M. Townley chủ mưu.

Ngoài ra còn từ 4-5 kẻ “đáng ngờ nhất” trong số chừng 40 kẻ bị gạn lọc dần trong hơn 3 thập niên qua. Mặt khác người Thụy Điển cũng từng đề nghị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ giúp đỡ truy tìm kẻ tình nghi. FBI cho biết M. Townley hiện đội lốt dưới tên khác và có một cửa tiệm bán đồ điện tử tại một thành phố nhỏ ở Mỹ, nhưng không đủ bằng chứng để bắt hắn ta, khiến sự việc như “đi vào ngõ cụt”…

Chỉ chưa đầy một năm sau khi Thủ tướng O. Palme bị ám sát, trên thị trường đã xuất hiện cuốn sách gây xôn xao dư luận của ký giả nổi tiếng người Thụy Điển Thomas Kanger, có tựa đề “Mordet pa Olof Palme: Utredning pa villospar” (Vụ giết Olof Palme: Cuộc điều tra theo những bằng chứng giả). Trong đó cho biết một nhân chứng tên là Martin (dĩ nhiên là tên giả, nhằm tránh sự truy lùng của bọn khủng bố) đang ngồi với người bạn trong chiếc xe hơi gần nơi xảy ra án mạng.

Martin nhìn thấy một người đàn ông đứng trước tủ kính trưng bày của cửa hiệu Dekorima, với vẻ bồn chồn như đang ngóng đợi ai đó. Khi vợ chồng Palme rời rạp phim đi ngang qua chỗ họ, tên đàn ông nọ liền bám theo vài bước rồi đặt tay trái của hắn lên vai Palme, quay người ông lại phía hắn và… bóp cò súng.

Theo Martin hiển nhiên đó là một vụ ám sát được xếp đặt từ trước. Hung thủ biết rõ nạn nhân là ai và lập kế hoạch thực hiện, cũng như chọn địa điểm hành động. Hắn lạnh lùng thực thi “nhiệm vụ”, xong xuôi với vẻ dửng dưng như chẳng có gì xảy ra, từ từ - không vội vã tiến về những bậc thang cuốn cuối phố Tunnelgatan… Đến lúc này Martin cũng chưa biết mình sẽ trở thành nhân chứng của vụ ám hại đương kim Thủ tướng Olof Palme.

Tới tháng 7-1979 đến lượt Carl Gustaf Christer Pettersson bị kết tội là hung thủ chính của vụ án. Đó là một kẻ nghiện xì ke, 42 tuổi, lang thang không nhà cửa. Nhưng bản án chung thân (ở Thụy Điển không có án tử hình) dành cho C. Pettersson bị dư luận đòi xem xét lại, bởi dựa trên những chứng cớ mơ hồ và khó tin... Hội đồng xử án thuộc Tòa án Tối cao quyết định “rà” lại mọi cáo trạng, rồi nhất trí thả hắn ra khỏi nhà tù Kronoberg ở ngoại vi Stockholm đúng 3 tiếng đồng hồ sau khi có phán quyết sơ thẩm.

Sự kiện này lại thêm một “cái tát” nữa giáng vào ngành tư pháp Thụy Điển, bởi họ quá tin vào cách làm chứng của bà Lisbeth Palme - quả phụ của cố Thủ tướng, người khăng khăng khẳng định với “100% hoàn toàn chắc chắn” là đã nhìn thấy tên C. Pettersson ở chỗ xảy ra án mạng trên đường từ rạp chiếu bóng Kinoen Grand về nhà. Nhiều nhân chứng khác cũng “vào hùa”, quả quyết rằng chính mắt họ đã mục kích thấy hắn bám theo ông bà Thủ tướng và siết cò súng. Nhưng thực ra, theo lời các chuyên viên sừng sỏ trong ban chuyên án kéo dài hơn 3 năm trời cho tới khi Pettersson bị bắt, thì không một ai trong số họ - kể cả bà Lisbeth Palme - là ở trong trạng thái nhận rõ mặt kẻ sát nhân được…

Sau khi được thả, C. Pettersson, một kẻ tâm thần trước kia cùng với nhiều tiền án chồng chất, nói: “Nếu như tôi có diễm phúc gặp được bà Lisbeth, tôi sẽ muốn ôm lấy bà ấy để cùng chia sẻ nỗi mất mát chung của chúng ta, cũng như của riêng bà”. Còn Tổng thanh tra Nhà nước Thụy Điển Jorgen Almblad cho biết, rằng ông công nhận cách giải quyết sáng suốt của Hội đồng xét xử thuộc Tòa án Tối cao.

Hung thủ chuyên nghiệp cùng khẩu súng lục hiệu Magnum -357, với những phát đạn kinh hoàng có được tìm ra không là câu hỏi luôn day dứt bất cứ người Thụy Điển nào, xứ sở vốn thanh bình trong suốt 3 thế kỷ.

Kim Dung (tổng hợp)
.
.