Bi kịch của người mẹ có con phạm tội ma túy

Thứ Năm, 19/10/2017, 11:49
Có hai thằng con trai thì cả hai đều nghiện ma túy. Đứa đầu bỏ mạng vì sốc thuốc. Rồi đến lượt người chồng bạo bệnh bao năm cũng bỏ bà ra đi. Mọi hi vọng của bà Ngọc dồn vào đứa con trai Đỗ Phụng Hoàng.

Thế nhưng, vòng xoáy của ma túy cũng lấy nốt niềm hi vọng của bà Ngọc. Hoàng tiếp tục bị bắt về tội ma túy, để lại mấy đứa con thơ dại cho người mẹ gánh gồng. Bà Ngọc bảo muốn khóc cũng không khóc được nữa, bởi cuộc đời đã lấy cạn nước mắt của bà rồi...

1. Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vừa hoàn tất kết luận điều tra đối với Đỗ Phụng Hoàng (37 tuổi, thuê nhà tại ngõ 281 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), can tội “Mua bán trái phép ma túy”.

Theo điều tra viên Lê Hải Bình (Đội 2 - Phòng PC47 Công an TP Hà Nội), với 2 tiền án về tội cố ý gây thương tích và tàng trữ trái phép ma túy, 1 tiền sự tội gây rối trật tự công cộng và có tiếng về việc sử dụng súng, dao kiếm để giải quyết các mâu thuẫn, Đỗ Phụng Hoàng thuộc diện “có số má” trong giới giang hồ hoạt động kiểu “xã hội đen”.

Là đối tượng nghiện heroin lâu năm, năm 2012 sau khi ra tù, Hoàng chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp và buôn bán loại ma túy mới này. Tuy nhiên do đã có kinh nghiệm đối phó với Cơ quan công an nên Hoàng không mấy khi ra mặt mà chỉ giao dịch với khách mua qua điện thoại, sau đó thuê đàn em đi giao hàng.

Chính vì vậy, khi tiến hành trinh sát theo dõi quy luật hoạt động của Đỗ Phụng Hoàng, yêu cầu đặt ra là phải bắt giữ Hoàng đang thực hiện hành vi phạm tội, bởi nếu chỉ bắt giữ các đối tượng đi giao hàng thì coi như Đỗ Phụng Hoàng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Sau nhiều ngày tổ chức công tác trinh sát, chiều tối 11-7-2017, xác định Hoàng trực tiếp thực hiện một giao dịch mua bán với số lượng lớn, PC47 Công an TP Hà Nội đã tiến hành phá án. 18h ngày 11-7, tại khu vực ngã tư Hoàng Diệu - Trần Phú (quận Ba Đình), Đội 2 Phòng PC47 tiến hành bắt quả tang Đỗ Phụng Hoàng có hành vi mua bán trái phép ma túy.

Cơ quan Công an thu giữ tang vật một vụ buôn bán ma túy.

Kiểm tra chiếc xe máy SH màu đen do Hoàng điều khiển, phát hiện thu giữ tại móc treo đồ giữa xe có 1 túi giấy đựng 2 túi ma túy “đá” trọng lượng 203,7 gam, 1 túi đựng 100 viên “thuốc lắc” trọng lượng 32,8 gam. Số ma túy trên theo khai nhận của Hoàng vừa mua về để bán cho các “đại lý”.

Với số lượng ma túy lớn trên, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã đề nghị truy tố Đỗ Phụng Hoàng về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 3, Điều 194, Bộ luật Hình sự.

Vụ án ma túy với chỉ 1 bị can cũng không đến mức phức tạp, tốn nhiều thời gian công sức của cán bộ điều tra như những vụ việc điều tra, triệt phá các đường dây, ổ nhóm ma túy khác. Song với điều tra viên Lê Hải Bình, điều khiến anh vẫn còn trăn trở, ấy là hoàn cảnh gia đình của Đỗ Phụng Hoàng. Hôm bắt giữ Hoàng, cơ quan Công an có thu giữ một số tài sản là đồ trang sức của anh ta.

Về nguyên tắc, có thể niêm phong thành tang vật vụ án để phục vụ điều tra, xét xử. Nhưng biết hoàn cảnh của Hoàng, điều tra viên đã liên lạc với mẹ của anh ta mời lên làm thủ tục nhận về để bà thêm thắt nuôi các con cho Hoàng.

2. Gần 60 tuổi, lẽ ra được nghỉ ngơi an nhàn nhưng với bà Kim Thị Ngọc (mẹ của Đỗ Phụng Hoàng), cuộc sống vẫn vất vả trăm bề. “Buổi sáng, tôi dậy từ 4h đến chỗ làm ở khu Trung Hòa - Nhân Chính dọn vệ sinh. Lúc đó mấy đứa cháu vẫn đang ngủ. Khoảng 6h thì tôi tranh thủ quay về nhà để đứa lớn đi học, cho thằng nhỏ đi mẫu giáo. Xong thì chợ búa thật nhanh rồi quay lại chỗ làm, đến trưa xong việc về cơm nước cho các cháu. Chiều lại tranh thủ đi làm thêm mới đủ tiền để vừa trả tiền thuê nhà, vừa nuôi các cháu”, bà Ngọc chia sẻ về một ngày bươn chải mưu sinh của một người vừa làm bà, vừa gánh trách nhiệm làm cha mẹ của những đứa cháu.

Nhìn gương mặt khắc khổ, cái dáng đi tất tả ngược xuôi của bà Ngọc, tôi vừa thương, lại vừa cảm phục một người đàn bà đã trải qua biết bao nỗi cùng cực của một người mẹ khi có 2 đứa con trai rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã của ma túy. Đã có những lúc, người phụ nữ ấy tưởng như không gượng dậy nổi sau những tấn bi kịch rơi xuống gia đình. Nhưng rồi vượt lên hoàn cảnh, bà vẫn phải trụ vững để làm chỗ dựa cho cả gia đình, mà tương lai chưa biết sẽ đi về đâu...

Bà Ngọc kể, trước kia nhà bà ở trong khu Ngõ Chợ Khâm Thiên. Gần 20 năm trước, khi tệ nạn ma túy hoành hành, các gia đình xung quanh bắt đầu có con nghiện, vợ chồng bà quyết định chuyển nhà sang ngõ Linh Quang vì lo sợ hai thằng con trai dính vào ma túy. Thế nhưng khi sang nơi ở mới thì bi kịch lại rơi vào chính gia đình bà Ngọc.

Theo bà Ngọc thì sau này khi nghe bạn bè chúng nó nói chuyện lại mới biết anh trai của Hoàng nghiện trước. Thằng Hoàng từng khuyên răn anh từ bỏ ma túy để bố mẹ đỡ khổ. Anh trai nó bảo, tao cũng biết thế nhưng bỏ cái gì thì bỏ chứ bỏ cái này không được. “Chẳng có gì là không bỏ được, tôi thử cho anh xem”, thằng Hoàng quyết định trở thành “tấm gương” cai nghiện cho anh trai, và rồi cũng nghiện nốt.

“Không phát hiện con nghiện, phần vì bố mẹ mải đi làm kiếm ăn tối ngày, phần vì thấy chúng nó vẫn sinh hoạt bình thường. Con trai không hợp mẹ nên cũng không chuyện trò mấy. Bố thì ốm đau liệt nửa người vẫn vác cái bơm ra đầu đường kiếm tiền. Tôi đi làm thêm cấp dưỡng cho công ty từ sáng đến chiều tối về, thu vén cả thức ăn thừa mang về nhà để đỡ đồng nào hay đồng ấy. Mà về cũng đã được nghỉ ngay đâu, còn đi làm thêm lau nhà lau cửa cho người ta. Còn phải lo miếng ăn hằng ngày như vậy nên cũng không có thời gian cho con”, bà Ngọc thở dài thườn thượt khi nhớ lại quãng thời gian hai đứa con bắt đầu dính vào ma túy.

Bi kịch đầu tiên đã xảy ra. Nghiện nặng đến mức chuyển sang chích thuốc, anh trai của Hoàng chết vì sốc ma túy khi 23 tuổi. Đó là năm 2001, anh trai Hoàng vào Hà Đông làm phụ xe cùng một người anh họ. “Chết lúc nào có ai biết đâu. Đến tối các anh nó đi làm về gọi không được, phá cửa vào thấy nó ngồi gục đầu chết rồi, người vo tròn như quả bóng. Thằng anh sợ quá để nguyên như thế chạy ra báo với tôi không còn hơi. Sau này nó bảo tại sao khi báo tin dữ mà tôi bình tĩnh như thế? Nó không biết rằng khi nó thông báo, chân tay tôi cũng rúm vào nhưng trong đầu thì nghĩ đi đâu vay tiền để làm đám ma cho con đây? Chồng thì đang ốm liệt giường liệt chiếu”.

Nhắc lại chuyện cũ, bà Ngọc bảo giờ có nhớ đến con thì bà cũng chỉ rơm rớm nước mắt chứ không khóc được nữa. Cuộc đời một người phụ nữ không biết đến một ngày an nhàn, hạnh phúc khi chồng thì ốm đau, con thì nghiện ngập dường như đã lấy đi hết nước mắt của bà rồi. “Mọi người đến chơi, chồng tôi lúc nào cũng than: Vợ tôi nó khổ quá. Người phụ nữ khác ba chìm bảy nổi nhưng vợ tôi thì lại thêm chín cái lênh đênh. Không nhờ được chồng, cũng chẳng nhờ được con”.

Sau cái chết của đứa con trai đầu, mọi hi vọng của vợ chồng bà Ngọc trông chờ vào Đỗ Phụng Hoàng. Đến năm 2005, Hoàng lấy vợ rồi sinh con gái đầu lòng, vợ chồng bà khấp khởi mừng, nghĩ nó có gia đình rồi sẽ tu chí làm ăn. Cuộc sống dẫu có vất vả, khó khăn nhưng chỉ cần nó quyết tâm từ bỏ ma túy thì mọi thứ đều có thể làm lại từ đầu. Hoàng đi cai nghiện bắt buộc 2 năm đến 2009 thì về.

Mừng chưa được bao lâu thì Hoàng lại dính vào ma túy. Với bản án 3 năm tù về tội tàng trữ trái phép ma túy, Hoàng thụ án tại Trại giam số 3 ở Nghệ An. “Khi thằng Hoàng đi tù, chồng tôi ốm nặng. Nhìn cái cảnh ông ấy nằm liệt trên giường vẫn khắc khoải đợi con, tôi đau lòng lắm. Thằng Hoàng được phép gọi điện thoại về nhà, lúc đó bố nó không nói được nữa.

Đối tượng Đỗ Phụng Hoàng.

Tôi giấu thằng Hoàng, bảo bố bị cảm để nó yên tâm cải tạo. Chồng tôi cũng cố đợi thằng Hoàng về nhưng không đợi được. Lúc ông ấy mất, vẫn cố dướn người nhìn ra cửa tìm con. Lúc ấy, tôi nghĩ mà hận con lắm. Nó không thương bố mẹ, để đến khi bố chết cũng không nhìn thấy mặt. Khi thằng Hoàng đi tù về, nó bảo tôi: Thôi mẹ ạ, giờ con không dại nữa đâu. Tưởng là nó sẽ khôn ra. Nào ngờ...”, giọng bà Ngọc nghẹn lại.

Theo lời bà Ngọc thì trong thời gian Hoàng đi tù, hai vợ chồng nó chia tay. Vợ Hoàng mang con về nhà ngoại. Năm 2012, Hoàng ra tù, lấy vợ và đẻ thêm được một đứa con trai. Nhưng với bản tính cộc cằn, vũ phu, cô vợ hai cũng chẳng ở được lâu. Khi đứa bé được 7 tháng, cô vợ đành bỏ con lại cho bà Ngọc nuôi để dứt áo ra đi.

Vợ đầu của Hoàng do có gia đình mới nên cũng gửi con về nhà nội nhờ bà Ngọc chăm sóc giúp. Chưa kể một đứa cháu gái năm nay 15 tuổi, bà Ngọc nhận nuôi từ khi 1 tháng tuổi của một cô cháu họ “lang bạt kỳ hồ” cũng đi tù về tội ma túy. Vậy là một mình bà xoay xở với 3 đứa cháu nhỏ. Thằng Hoàng sau khi ra tù cũng không ở cùng mẹ mà thuê nhà ở riêng. Nó bảo đi làm cầm đồ cùng anh em xã hội.

2 năm trước, cái nhà ở Linh Quang thuộc diện giải tỏa. Tôi nhận đền bù được hơn 1 tỷ, thằng Hoàng bảo cho nó mượn để có vốn làm ăn. Nghĩ con mới ra tù đang tay trắng, tôi đâu có tiếc gì nó, chỉ mong nó tu tỉnh làm ăn để mà nuôi con chứ một mình tôi gánh sao nổi. Thế là đưa hết tiền cho con làm ăn, còn tôi và các cháu đi thuê trọ ở. Nhưng tiền đâu chưa thấy, giờ nó lại bị bắt vì ma túy thế này, thật sự tôi chán lắm, chán vô cùng.

Chuyện thằng Hoàng làm ăn thua lỗ mất hết tiền đền bù nhà, tôi cũng không nói đến nữa. Giờ hoàn cảnh chỉ có một mẹ một con, tuổi mẹ ngày càng cao, sức khỏe yếu, chỉ mong dựa vào con thì nó lại thế”.

Bà bảo với linh cảm của một người mẹ, biết thằng Hoàng không thể từ bỏ ma túy, bà đã lường đến những điều xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng khi thằng Hoàng bị bắt rồi, thì bà lại cảm thấy yên tâm nhiều hơn vì biết rằng nó đã “yên vị”. Nó không ở cùng bà, chỉ thi thoảng về thăm con nên nó ở đâu, làm gì, bà đâu có biết. Đêm nào bà cũng thấp thỏm lo, không biết thằng Hoàng sẽ bị bắt lúc nào, hay lại giống như thằng anh trai.

Thế nên khi Hoàng bị bắt, bà không bất ngờ nhưng dẫu sao là một người mẹ, bà không tránh khỏi cảm giác chua xót và giận con. Bà đã hi sinh vì con tất cả nhưng ngược lại, thằng Hoàng không nghĩ gì cho mẹ. Từ ngày thằng Hoàng bị bắt, nhà ngoại đón đứa cháu gái về nuôi để đỡ một phần gánh nặng giúp bà Ngọc. Nhưng giờ vẫn còn 2 đứa cháu. Một đứa đang học cấp 3, còn thằng bé mới 5 tuổi.

Bà Ngọc tâm sự: “Tôi đã từng tìm đến nhà chùa, xin sư thầy rằng trường hợp cùng quẫn quá, tôi không thể lo cho các cháu được nữa thì xin cho tôi được vào nương nhờ cửa Phật. Sư thầy thương hoàn cảnh, bảo  tôi là nếu con khổ quá thì con mang cả các cháu vào đây. Nhưng đấy cũng chỉ là bước đường cùng thôi. Vì sức khỏe, cuộc sống của tôi giờ cũng mong manh, chả biết thế nào.

Hôm nay tôi có thể kiếm được một đồng, nhưng ngày mai ốm đau nằm một chỗ thì sao. Bạn bè thằng Hoàng nói rằng, với hành vi phạm tội lần này thì thằng Hoàng phải đi tù ít nhất 10 năm. Thử hỏi với sức khỏe, tuổi tác của tôi bây giờ, liệu tôi có trụ được nuôi các cháu cho đến ngày thằng Hoàng về không?”.

Đằng sau mỗi tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng là biết bao số phận đắng cay, nghiệt ngã của chính người nhà, người thân họ phải gánh chịu từ tội lỗi mà họ gây ra. “Bây giờ nghĩ cũng chẳng được đâu cô ạ. Tôi có thể hi sinh cả đời vì con được. Nhưng còn những đứa cháu này. Mẹ chúng nó đã bỏ rồi, giờ bố thì vào tù không biết đến ngày nào mới ra. Nhiều lúc nhìn các cháu mà khổ tâm lắm. Chỉ mong làm sao cuộc sống cứ trôi đi như thế này, làm sao mình có đủ sức khỏe để nuôi các cháu”.

Những lời tâm sự của bà Ngọc ướt nhòe trong tiếng mưa lạnh lẽo. Ngoài kia, gió lạnh đầu mùa sao đã tái tê...

Hương Vũ
.
.