CATP HCM: Triệt phá tổ chức làm thuốc giả ngoại nhập lớn

Thứ Hai, 15/02/2010, 10:20
Ngày 31/1/2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra - CATP HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 người, gồm Nguyễn Minh Phụng, Nguyễn Văn Kết, Huỳnh Văn Tiên, Lê Minh Bình, Nguyễn Hữu Dũng, Hồ Thị Kiều Hoanh, Hồ Tấn Hoàng, Lê Đình Tuấn, Nguyễn Duy Quốc, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Phụng, Vũ Quốc Bình và Vũ Văn Ngọc về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".

Đến ngày 1/2, kẻ chủ mưu làm giả thuốc ngoại nhập là Huỳnh Ngọc Quang sa lưới. Đây là vụ làm thuốc giả lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP HCM…

Có trụ sở đặt tại số 284/57 đường Lý Thường Kiệt, quận 10, TP HCM, Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt - Pháp (Cty V-P) do Huỳnh Ngọc Quang, 28 tuổi, quê Quảng Ngãi làm giám đốc. Và mặc dù danh xưng nghe rất bề thế nhưng theo quảng cáo trên trang web, sản phẩm của Cty V-P chỉ vỏn vẹn gồm 2 loại, là Felodil, chủ trị cao huyết áp, cơn đau thắt ngực và Chitovac, phòng chống béo phì.

Tuy nhiên, phía sau bức bình phong ấy, Huỳnh Ngọc Quang và Nguyễn Duy Quốc đã tổ chức một hệ thống sản xuất thuốc tây giả thuốc ngoại nhập.

Một số thuốc giả do Huỳnh Ngọc Quang sản xuất bị thu giữ.

Một cán bộ thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, hệ thống này hoạt động rất tinh vi, mỗi  bộ phận chịu trách nhiệm cho ra lò một số chủng loại tân dược hiện đang tiêu thụ mạnh trên thị trường. Để đề phòng bị phát hiện, Quang bố trí các "xưởng" sản xuất nằm xa "kho" chứa hàng và hoàn toàn độc lập với nhau, chỉ có giá bán là thống nhất theo lệnh của Huỳnh Ngọc Quang, đồng thời những người tham gia làm thuốc giả đều là người có quan hệ họ hàng với Quang, hoặc cùng quê Quảng Ngãi.

Thủ đoạn của Quang là cho em ruột mình tên Huỳnh Văn Tiên, Vũ Văn Ngọc cùng một số nhân viên đến các trung tâm bán sỉ tân dược ở quận 10, quận 11, tìm mua một số mặt hàng thuốc tây do các công ty, xí nghiệp trong nước sản xuất với số lượng lớn, sau đó đưa về, bóc thuốc ra khỏi bao bì. Tiếp theo, Tiên, Quang mua bao bì giả mạo những hãng dược phẩm lớn của nước ngoài rồi dập, ép, đóng gói và tung ra thị trường. Tất cả những loại thuốc này đến tay người bệnh dĩ nhiên là với giá... thuốc ngoại, nhiều loại đắt gấp 3, 4 lần thuốc trong nước.

Khi số lượng bao bì thu mua không đủ để "sản xuất", Huỳnh Ngọc Quang thuê Nguyễn Minh Thành, Lê Minh Bình dập ép vỉ nhôm, in đề can, hộp giấy - giả một số hãng dược phẩm nước ngoài. Trung bình mỗi ngày, Quang in khoảng 1.000 mẫu bao bì, Lê Minh Bình cho ra lò khoảng 30 nghìn vỉ thuốc thành phẩm. Các mặt hàng do Quang "sản xuất" bao gồm những loại thuốc tim mạch, huyết áp, thuốc ho, thuốc trị viêm khớp, thuốc bổ, thuốc tẩy giun, kháng sinh như Vastarel, Nimuspas, Neo Cordion, Voltaren, Cephalexin, Becozyme,Terneurin, Fugacar..., và cả thuốc trị rối loạn cường dương Viagra nữa!

Tháng 10/2009, khi được Huỳnh Ngọc Quang nhận vào làm trong Cty V-P, thì chỉ một thời gian ngắn, Nguyễn Văn Phụng, Nguyễn Văn Kết đã thành thạo trong việc làm thuốc giả. Chỉ cần trên thị trường có những loại dược phẩm ngoại nhập nào đó đang hút hàng, thì ngay sau đó, những "xưởng" sản xuất của Huỳnh Ngọc Quang sẽ cho ra hàng loạt thành phẩm với mẫu mã... y chang. Theo sự phân công, Vũ Quốc Bình được Quang giao nhiệm vụ cất giữ thuốc giả, nhận vỉ, hộp thuốc do Lê Đình Tuấn, Huỳnh Tấn Hoàng - cũng là người của Huỳnh Ngọc Quang, đưa. Bên cạnh đó, mỗi khi có khách hàng cần lấy thuốc, Quang thông báo cho Bình biết để Bình tiến hành cung cấp. Nhằm tránh cho "kho hàng" khỏi bị lộ, thuốc được Bình chuyển qua nhiều trung gian - mỗi trung gian chỉ chịu trách nhiệm về một số mặt hàng nào đó  rồi từ những trung gian ấy, mới đến tay người mua.

Trưa ngày 25/1/2010, sau một thời gian dài trinh sát, xác minh, một bộ phận cán bộ Phòng Cảnh sát Điều tra - Công an TP HCM bắt tại chỗ một vụ mua bán thuốc tây ngoại nhập bất hợp pháp, trên đường Hồ Bá Kiện, phường 15, quận 10. Tiến hành kiểm tra, tất cả lô hàng này đều không có hóa đơn chứng từ và xuất xứ của nó là từ một căn nhà trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh. Ngay sau đó, lệnh kiểm tra hành chính được thực hiện và kết quả là Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt quả tang Nguyễn Văn Phụng và Nguyễn Văn Kết đang thực hiện hành vi ép vào vỉ thuốc các loại thuốc giả nhập ngoại nhãn hiệu Vastarel, Nimuspas, Neo Cordion.

Tiến hành lấy lời khai, ngay trong ngày 25/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP HCM đã đồng loạt khám xét khẩn cấp hơn 10 địa điểm sản xuất, kho hàng của Huỳnh Văn Quang, thu giữ một số lượng lớn các loại thuốc tây giả cùng phương tiện sản xuất như máy ép vỉ thuốc, máy dập thời hạn sử dụng thuốc, máy sấy dùng vào việc sấy màng co vỉ thuốc, máy cắt dùng cắt vỉ thuốc, cân điện tử, máy dập bao bì vỏ hộp, bao bì các loại dược phẩm, thuốc thành phẩm như Vastarel, Nimuspas, Neo Coolion, Hemovit, V.Rohto, Voltaren, Becozyme, Tanakan, Cephalexin, Kremil S, Fugacar, Mobic, Nibio..., làm giả các hãng Novartis, Roche (Thụy Sĩ), Janssen Cilag (Mỹ), Gedeon Richter (Hungrary)..., đồng thời bắt tạm giam một số người có liên quan.

Những địa điểm mà Huỳnh Văn Quang dùng để sản xuất, cất giấu thuốc giả là số 143 đường Miếu Bình Đông, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân với 3 đối tượng Huỳnh Văn Tiên, Hồ Thị Kiều Hoanh và Huỳnh  Tấn Hoàng; nhà số 62/13, đường Nhất Chi Mai, phường 13, quận Tân Bình với đối tượng Nguyễn Hữu Dũng; nhà số 423/68, đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11 với đối tượng Lê Đình Tuấn; nhà số 205/61/1, đường Trần Văn Đang, phường 11, quận 3 với đối tượng Vũ Quốc Bình; nhà số 25/1 đường 1C, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân; phòng 8, lầu 1, lô A3, chung cư 312, đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11 với đối tượng Nguyễn Duy Quốc, nhà 46 đường Nguyễn Giản Thanh, phường 15, quận 10 của giám đốc Huỳnh Ngọc Quang. Trong số những loại thuốc giả ấy, nhiều loại được phân phối chính thức qua Cty V-P, và nhiều loại được các đại lý chuyển về các tỉnh rồi từ đó, xuống các cửa hàng thuốc cấp huyện, xã, phường...

Nghe tin đồng bọn bị bắt, Huỳnh Ngọc Quang bỏ trốn nhưng đến chiều ngày 1/2, Quang bị bắt.

Theo Tiến sĩ - Dược sĩ Đào Đại Cường, giảng viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM, thì: "Đây là hành vi rất nghiêm trọng bởi lẽ trong quá trình bóc thuốc ra khỏi vỉ cũ rồi dập vào vỉ mới, thuốc có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm mốc, làm giảm chất lượng trong điều trị, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người bệnh...".

Bác sĩ Mai Đức Huy, chuyên khoa Tim mạch, Bệnh viện An Bình, cho biết: "Thuốc tim mạch có nhiều loại, mỗi loại lại có những hàm lượng khác nhau. Trường hợp làm tân dược giả mà báo vừa nêu, thí dụ viên thuốc tim mạch do trong nước sản xuất chỉ có hàm lượng 5mg, nhưng để thu lợi nhuận cao, nó được đóng gói với nhãn mác ngoại nhập và hàm lượng biến thành 10mg thì nguy hiểm lắm vì mỗi hàm lượng khác nhau được sử dụng tùy vào từng bệnh cảnh khác nhau...".

Dược sĩ Nguyễn Thế Gia, chủ một cửa hàng dược phẩm trên đường Hai Bà Trưng, nói: "Bệnh nhân  mua thuốc điều trị có thể không biết đó là thuốc nội đã được thay đổi bao bì, nhãn mác để biến thành thuốc ngoại nhập, nhưng các "đại lý" lấy thuốc của Huỳnh Ngọc Quang chắc chắn phải biết bởi lẽ thí dụ loại thuốc trị viêm khớp là Voltaren chẳng hạn, Voltaren do các công ty, xí nghiệp trong nước sản xuất (dưới tên gọi Diclofen, Diclofenac) thì hình dạng, kích thước, màu sắc của viên thuốc khác hẳn với thuốc nước ngoài cho dù nó có được dập vỉ của hãng nước ngoài ấy. Vì vậy theo tôi, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ chi tiết này - trước là để chấm dứt nạn mua bán thuốc giả, sau là tránh cho người bệnh không phải tốn thêm những khoản tiền vô ích...".

Thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc biệt, chịu sự quản lý đặc biệt của các cơ quan chức năng. Đến nay, chưa rõ đã có người bệnh nào phải... lìa đời vì những loại dược phẩm do Huỳnh Ngọc Quang sản xuất hay chưa, hoặc "tiền mất, tật mang" nhưng dẫu sao, hành vi làm giả thuốc ngoại nhập này vẫn cần phải xử lý nghiêm khắc theo pháp luật

Hoà Xuân
.
.