Phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm:

Các cựu lãnh đạo PVN và PVC đều nhận có sai phạm

Thứ Năm, 11/01/2018, 07:59
Sáng 8-1, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cùng đồng phạm trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC".

Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tính chất và mức độ phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng. Nguyên đơn dân sự trong vụ án được cơ quan tố tụng xác định là PVN và PVC. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân.

Phiên toà đầu tiên áp dụng mô hình phòng xử mới

Phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm là phiên toà đầu tiên TAND TP Hà Nội áp dụng mô hình phòng xử mới theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28-7-2017 của TAND tối cao quy định về phòng xử án, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Theo đó, luật sư được bố trí chỗ ngồi ngang hàng với đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố; các bị cáo có chỗ ngồi riêng bên dưới luật sư bào chữa và đại diện Viện Kiểm sát; Thư ký ghi biên bản phiên toà ngồi phía trước Hội đồng xét xử nhưng thấp hơn; phòng xử không còn vành móng ngựa; khi trả lời thẩm vấn, bị cáo đứng vào bục khai báo.

Việc áp dụng mô hình phòng xử mới để phát huy tối đa quyền của các bị cáo cũng như các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong suốt quá trình xét xử. Phiên tòa còn có sự tham gia của đại diện điều tra viên đã điều tra vụ án này.

Theo quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì khi xét thấy cần thiết, HĐXX có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.

Các bị cáo tại phiên xét xử. (Ảnh: TTXVN)

Trong phần thủ tục, các luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX tạo điều kiện cho họ được sao chụp các tài liệu chứng cứ để có tài liệu tiếp cận trong quá trình bào chữa. Luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử cho phép tiếp xúc với thân chủ của mình trong thời gian phiên toà nghỉ giải lao. Một số luật sư bào chữa thì đề nghị được cung cấp tài liệu cho Chủ tọa phiên toà theo hướng, tài liệu này là một căn cứ có lợi để bảo vệ cho thân chủ của họ.

 Luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, cựu Phó tổng Giám đốc PVN) nêu quan điểm, đây là vụ án phức tạp liên quan đến nhiều bị cáo và có nhiều lời khai ảnh hưởng đến các bị cáo. Vì thế luật sư này đề nghị Hội đồng xét xử khi hỏi người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đối lập nhau thì cho cách ly. Khi đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố công bố xong cáo trạng, ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh được đưa sang phòng cách ly.

Biết sai nhưng không ai dám đề xuất dừng dự án

Trong ngày đầu xét xử, Hội đồng xét xử tập trung thẩm vấn nhóm bị cáo trực tiếp liên quan đến quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo đó, ông Đinh La Thăng được xác định có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 (hợp đồng tổng thầu) với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.

Ông Đinh La Thăng.

Bị cáo Vũ Đức Thuận, cựu Tổng Giám đốc PVC được thẩm vấn đầu tiên về việc PVC thực hiện gói thầu EPC. Bị cáo Thuận khai, gói thầu này chưa đầy đủ điều kiện thực hiện vì chưa có hồ sơ đề xuất, chưa được phê duyệt phương án.

"Vậy vì sao vẫn ký hợp đồng?", HĐXX hỏi. Bị cáo Thuận trả lời, vì khi đó Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC đã đồng ý. Ngoài ra, việc ký hợp đồng thực hiện gói thầu này để có tiền trả nợ ngân hàng và các mục đích khác. HĐXX hỏi "Về mặt năng lực chuyên môn và kinh nghiệm sản xuất, tại thời điểm đó PVC có đủ để thực hiện dự án không?".

Bị cáo Thuận thừa nhận, PVC chưa đủ kinh nghiệm thực hiện dự án ở thời điểm đó. Theo lời khai của bị cáo Thuận, PVC lúc đó rất khó khăn về tài chính. Mỗi lần nhận được tiền chuyển về, PVC đều dùng để trả nợ gốc và lãi ngân hàng và góp vốn vào một số đơn vị khác. Về lý do PVC sử dụng tiền sai mục đích, bị cáo Thuận khai, vì áp lực phải trả nợ ngân hàng.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, cựu Phó tổng Giám đốc PVN được phân công theo dõi dự án này thừa nhận bản hợp đồng số 33 sơ sài và không có điều khoản, phụ lục quy định về thanh toán. Bị cáo Khánh khai, sau khi hợp đồng số 33 được ký, PVN thời điểm đó cũng đã nhìn nhận là thiếu căn cứ pháp lý và đã yêu cầu một số đơn vị nghiên cứu để rà soát. Nhưng sau đó, do có sự chuyển đổi pháp nhân chủ đầu tư thực hiện dự án nên việc này không thực hiện mà thay bằng bản hợp đồng khác. 

Bị cáo Vũ Hồng Chương, cựu Trưởng Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 khai: "Thời điểm đó tôi nghe nói là hợp đồng đó chưa đủ điều kiện thực hiện và ban quản lý dự án chỉ là cầu nối giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Ở thời điểm chuyển giao chủ đầu tư, tôi biết hợp đồng có vấn đề. Để tránh rủi ro cho chủ đầu tư, tôi đã ba lần gửi công văn báo cáo rõ về tình trạng hợp đồng 33 và đề nghị PVN xem xét cho ý kiến nhưng không nhận được phản hồi".

 Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN cũng thừa nhận, bản hợp đồng EPC số 33 đã được Hội đồng thành viên PVN thống nhất trước đó. Vậy nên các công đoạn thực hiện sau đó chỉ là để thực hiện. Theo lời khai của bị cáo Sơn, do "nằm trong dây chuyền" nên không tránh khỏi những vi phạm nhất định trong quá trình nghe chỉ đạo thực hiện.

Khi Hội đồng xét xử truy về việc "Tại sao thấy hợp đồng số 33 thiếu căn cứ pháp lý mà không tham mưu, đề xuất Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN (thời điểm đó là ông Đinh La Thăng) dừng lại, bị cáo Sơn trả lời, trong các đơn vị kinh doanh thì người đứng đầu luôn có vai trò quyết định. Người đứng đầu đã quyết định rồi thì cấp dưới chỉ thực hiện chứ không có chuyện đề xuất dừng lại. Cũng theo bị cáo Sơn thì, với một người có tính cách quyết liệt như ông Thăng, cách làm việc tốt nhất là nghe và thực hiện.

Đồng quan điểm với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh cũng thừa nhận, mình chỉ thực hiện theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng chứ không dám đề xuất dừng lại dự án này. Điểm nhấn trong ngày đầu thẩm vấn các bị cáo từng giữ vai trò chủ chốt tại PVN và PVC về những sai phạm trong việc thực hiện hợp đồng số 33 là, các bị cáo đều biết việc làm của mình là sai nhưng vẫn phải thực hiện vì hiểu sự quyết liệt trong điều hành và chỉ đạo công việc của ông Đinh La Thăng. Trong lời khai trước toà, các bị cáo đều tỏ rõ thái độ thành khẩn, tự nhận thức được hành vi sai phạm của mình.   

Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC" là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Các bị can trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia, trong đó có Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. (Ảnh: TTXVN)

Quá trình thực hiện dự án này, vì những động cơ khác nhau mà các bị can đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho Nhà nước, thậm chí một số bị can còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng cứ khống rút tiền của dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Trong số 22 bị cáo ra trước vành móng ngựa, có 12 bị cáo bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; 8 bị cáo bị truy tố về tội "Tham ô tài sản".

12 bị can bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Phùng Đình Thực, cựu Tổng Giám đốc PVN; Nguyễn Quốc Khánh, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó tổng Giám đốc PVN; Ninh Văn Quỳnh, cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN); Lê Đình Mậu, cựu Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN; Vũ Hồng Chương, cựu Trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2; Trần Văn Nguyên, cựu Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2; Nguyễn Ngọc Quý, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC; Nguyễn Mạnh Tiến, cựu Phó tổng Giám đốc PVC; Phạm Tiến Đạt, cựu Kế toán trưởng PVC và Trương Quốc Dũng, cựu Phó tổng Giám đốc PVC.

8 bị can bị truy tố về tội tham ô tài sản gồm: Nguyễn Anh Minh, cựu Phó Tổng Giám đốc PVC; Bùi Mạnh Hiển, cựu Chánh văn phòng PVC; Lương Văn Hòa, cựu Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch; Nguyễn Thành Quỳnh, cựu Giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng công ty cổ phần miền Trung; Lê Thị Anh Hoa (vợ của bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh), cựu Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quỳnh Hoa); Nguyễn Đức Hưng, cựu Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban Điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch; Lê Xuân Khánh, cựu Trưởng phòng Kinh tế-kế hoạch, Ban Điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch; Nguyễn Lý Hải, cựu Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch. Bị can Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc PVC và bị can Vũ Đức Thuận, cựu Tổng Giám đốc PVC bị truy tố về 2 tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản.


Nguyễn Hưng
.
.