Cái chết của nhà nữ thiết kế giấy dán tường

Thứ Sáu, 13/10/2006, 08:30
Rất khó mà tìm được một người phụ nữ Australia nào qua đời đã gần 30 năm mà vẫn còn  là người định hướng thời trang quốc tế cho lĩnh vực  mẫu mã giấy dán tường trong thiết kế nội thất. Thế nhưng, đấy là điều mà Florence Broadhurst đã và đang thực hiện được trên sàn quốc tế hiện nay.

Từ Copenhagen, mới đây, 3 nhà tỉ phú Đan Mạch đã đặt 74 cuộn giấy dán tường hoa văn Nhật Bản để tân trang lại một trong những hộp đêm tân thời nhất. Từ Dubai là đơn đặt hàng 60 cuộn để trang trí cho một trung tâm mua sắm mới. Ở Los Angeles, hệ thống khách sạn và câu lạc bộ sang trọng Soho House vào năm 2006 này đã dùng các thiết kế hình bông hoa và lông công của Broadhurst để tô điểm khu vực chuẩn bị cho tuần lễ phim tranh giải Oscar.

Các nhà bán sỉ Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng các sản phẩm Broadhurst cho các công trình dân cư mới ở Istanbul. Các nhà thiết kế ở Hồng Công vừa trang bị lại cho các căn hộ đẳng cấp 6 sao. Tiếng chuông điện thoại yêu cầu còn reo lên không dứt từ Colombia, Thượng Hải, Melbourne, Sydney, London, Wellington, Seoul, Boston, St.Petersburg và ngay cả Tây Tạng.

Các ngôi sao thế giới như  Marc Jacobs, Madonna, Stella McCartney... cũng nằng nặc đòi có bằng được giấy dán tường Broadhurst cho căn  nhà và khu nghỉ mát gia đình ở đồng quê của họ.

Với giấy phép kinh doanh quốc tế, David Lennie – một thời là bạn hàng  kinh doanh giấy dán tường với Florence – đã mua lại Công ty Signature Prints  và hiện đang tái bản hàng trăm thiết kế tinh tế ngày xưa của Florence về đề tài: những hình kỹ hà, hoa Nhật Bản, thế giới châu Á với những màu sắc xanh lá, vàng óng, đỏ tím... trong những cấu trúc và biên độ khiến bạn phải nín thở vì vẻ đẹp của chúng.

Florence Broadhurst là con gái của một người chăn cừu ở Queensland Australia) có biệt danh là Bobby Broadhurst. Mới ngoài tuổi thiếu nữ, Florence đã đi khắp các châu lục với một nhóm nhạc hài kịch với vai trò là ca sĩ chính. Năm 1926, nhà nữ doanh nghiệp giàu trí tưởng tượng và tự tin này đã thành lập Viện Broadhurst ở Thượng Hải để dạy nhạc, nghệ thuật, cách diễn thuyết trước công chúng và nghề báo cho con cái của những người Anh sống xa xứ.

Năm 1930, Florence trở thành bà Pellier, chuyên gia may y phục thời trang cho các nữ quý tộc thượng lưu ở London. Vào thập niên 40, bà chuyển sang nghề môi giới chứng khoán và là quản đốc của một chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước. Đến thập niên 50, Florence nổi hứng sống theo kiểu nghệ sĩ, trở về Australia với tư cách là một họa sĩ Anh và tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh. Tuy nhiên, bà cũng dành được một khoảng thời gian để thành lập doanh nghiệp vận tải với người tình Leonard Lewis nhỏ hơn mình 13 tuổi.

Sang thập niên 60 và 70, bà trở thành nhà thiết kế mẫu giấy dán tường nổi tiếng nhất trong lịch sử Australia. Bà đã giới thiệu cho công chúng những thiết kế huy hoàng dường như bao trùm tất cả mọi màu sắc trong dãy quang phổ. Về mặt cá nhân, bà cũng làm cho mình trở thành một trong những nhân vật lập dị  nhất trong xã hội - hôm nay mặc áo choàng không tay và đội mũ, ngày mai mặc váy rộng thùng thình như cái kèn trumpet và đeo chuỗi ngọc, ngày kia lại mặc váy ngắn, đeo lông mi giả, đánh bóng mắt bằng... sơn giấy dán tường.

Sau khi ly dị  chồng, người đàn bà ở tuổi thất thập này vẫn cứ bỏ bùa được những chàng trai thua mình phân nửa tuổi. Thế rồi, chuyện chẳng lành đã xảy đến. Năm 1977, giữa lúc đang ở đỉnh cao của danh vọng và tài năng, thì người phụ nữ 78 tuổi cực kỳ năng động này lại bị giết chết trong xưởng làm việc của mình ở Sydney vào một buổi chiều chủ nhật – một cái chết thật khủng khiếp và không toàn thây. Chiếc nhẫn kim cương và chiếc nhẫn nạm ngọc bích bị rút ra khỏi tay bà và 8.000 AUD trong túi xách cũng biến mất.

Cảnh sát cho rằng bà biết rõ hung thủ, bởi hiện trường để lại cho thấy bà đang chuẩn bị hai tách trà: một cho mình và một cho kẻ sát nhân. Cho đến tận ngày hôm nay, vụ án vẫn chìm trong bí mật, dù có lúc người ta tin rằng hung thủ là John Glover – tên sát nhân chuyên theo dõi và giết chết các cụ bà trong giai đoạn này và đã tự tử trong tù  năm 2005. Xác chết của Florence không những bị phơi rải như những nạn nhân khác của John Glover mà bà thật sự  còn quen biết với hắn trong một tiệc cưới. Họ đã trải qua suốt một buổi tối trò chuyện với nhau. Sau đó, John còn đến xưởng của Florence để chọn một vài mẫu hàng.

Katherine Thompson là nhà biên kịch truyền hình nổi tiếng ở Australia về những vụ án đầy bi kịch. Năm 2004, đạo diễn phim Gillian Armstrong đã cùng bà hợp tác làm nên một bộ phim tài liệu về Florence Broadhurst và đi tìm những thông tin về nạn nhân  thông qua các bạn bè, nhân viên, thành viên gia đình cũ.

Người bạn Diana Richarson của Florence đã kể về một chuyến đi tham quan Philippines vào năm 1977 của Florence cùng 12 người bạn khác. Một ngày nọ, nhóm người này đã tìm được một ông thầy bói Trung Quốc và nhờ ông này gieo vài quẻ cho vui. Sau khi trò chuyện 10 phút với ông này, Florence đã run rẩy, tái nhợt mặt mày nói: “Không thể tin được! Ông ấy nói rằng chỉ trong vòng 4 tháng nữa tôi sẽ phải chịu đựng một cái chết gây sốc nhất”? Và ngẩu nhiên là chỉ trong vòng 4 tháng sau - ngày 15/10/1977 - việc này đã xảy ra một cách rùng rợn.

Đã 30 năm trôi qua, nhưng Robert Lloyd Lewis – người con trai duy nhất năm nay 67 tuổi của Florence - vẫn không thôi bị ám ảnh bởi cái chết của người mẹ nổi tiếng. Ký ức mạnh nhất của Robert về mẹ là bà có cách nói rất sắc bén, khiến đàn ông có thể bị “cắt” ra làm trăm mảnh. Vì thế mà bà có nhiều người thương cũng như không ít kẻ ghét. Robert hy vọng rằng cảnh sát sẽ tìm được hung thủ để  cuộc sống của ông không còn là cơn ác mộng nữa

Đỗ Thuý (Theo Women's Weekly)
.
.